Nguyên nhân trượt lở tại khu vực Rào Trăng
Nguyên nhân trượt lở tại khu vực Rào Trăng
Sau vụ sạt lở khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) đã có báo cáo chi tiết gửi Bộ TN-MT.
Ngày 6.11, theo tìm hiểu của Thanh Niên, sau vụ sạt lở khu vực thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) đã có báo cáo chi tiết gửi Bộ TN-MT phân tích, nhận định nguyên nhân của hiện tượng trượt lở.
Theo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, khu vực TĐ Rào Trăng 3 có địa hình phân cắt trung bình, hai bên bờ sông dốc và hẹp. Mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương án vĩ tuyến. Khu vực này có đứt gãy Đrakrông – A Lưới quy mô lớn cắt qua, đồng thời gần nơi giao nhau giữa đứt gãy Đrakrông – A Lưới với đứt gãy địa phương theo phương đông bắc – tây nam. Trong khi đó, thảm phủ khu vực là rừng tái sinh, cây thân gỗ là chủ yếu, cây bụi khá phát triển, độ che phủ 90%. Đất đá chủ yếu là granit phức hệ Hải Vân. Sản phẩm phong hóa thành phần chủ yếu là cát, sạn bở rời. Vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn, mềm hoặc cứng một phần, khả năng liên kết kém. Ngoài ra, qua quá trình nghiên cứu và khảo sát trong năm 2019, viện này cũng cho biết dọc tuyến đường TĐ A Lin 1 – TĐ Rào Trăng chỉ quan sát thấy đới phion hóa mạnh và hoàn toàn với bề dày từ 6 – 9 m, và đây là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra rất mạnh.
Theo đó, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho rằng nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt gây trượt lở đất đá ở khu vực TĐ Rào Trăng 3 là do mưa và cắt xẻ taluy cao và dốc để làm công trình, đường giao thông; lấy mặt bằng xây dựng nhà ở đã làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá trong các ngày 11 và 13.10, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Báo cáo của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam khẳng định, TĐ A Lin 1 – TĐ Rào Trăng 3 được xác định là khu vực trọng điểm và qua khảo sát đã được Đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam đưa vào cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đá cao và đang có đề xuất điều tra hiện trường trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000.
Sau liên tiếp nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Trị, Quảng Bình và gần đây nhất là Quảng Nam, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho rằng ngoài nguyên nhân kích hoạt là mưa lớn kéo dài thì các hoạt động nhân sinh (xây dựng đường sá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác…) dù ở trong quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy đã làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc… cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra những vụ trượt lở khiến thiệt hại gia tăng ở mức độ trầm trọng hơn.
PHAN HẬU
TNO