24/11/2024

Caritas Ý và Focsiv cảnh báo về hậu quả của đại dịch đối với phụ nữ

Caritas Ý và Focsiv cảnh báo về hậu quả của đại dịch đối với phụ nữ

Phụ nữ nghèo (ANSA)

Trong tháng 11 này, Caritas và Liên đoàn các Tổ chức Kitô giáo Tình nguyện viên Quốc tế (Focsiv), tập trung cho chiến dịch “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, nhằm nâng cao nhận thức cho các cộng đoàn Kitô và xã hội về các vấn đề đói nghèo, việc làm, giáo dục và bất bình đẳng đối với phụ nữ.

Chiến dịch diễn ra hàng tháng trên trang web (www.insiemepergliultimi.it) cung cấp những hiểu biết chuyên đề, hỗ trợ 62 dự án ở Châu Phi, Trung Đông, Châu Á, Trung Mỹ, Châu Mỹ Latinh, Đông Âu và Balkan. Tháng này, chiến dịch muốn tập trung vào phụ nữ và trẻ nữ. Họ là những nạn nhân đầu tiên của các hệ thống phân biệt đối xử và bất công, những người đang phải làm những công việc không ổn định, thường sống trong cảnh nghèo đói. Hoàn cảnh sống của phụ nữ càng trở nên tồi tệ hơn do dậu quả của đại dịch.

Dữ liệu gần đây của Eurostat cho thấy sự chênh lệch lương giữa nam và nữ ở Châu Âu là 15%. Ở Nam Á, trên 80% phụ nữ, ở Châu Phi cận Sahara 74% và ở Châu Mỹ Latinh 54%, phải làm những công việc không chính thức, không có bất kỳ sự bảo vệ nào và với mức lương tối thiểu. Hơn nữa, do hạn chế di chuyển và sự cách ly xã hội, bạo lực nữ giới đã gia tăng. Nhiều phụ nữ bị buộc phải sống chung với những người ngược đãi họ.

Trong năm 2019, có khoảng 243 triệu phụ nữ là nạn nhân của lạm dụng và bạo lực, một con số ước tính sẽ tăng mạnh do đại dịch. Một nghiên cứu khác ước tính rằng vào năm 2020, gần 500.000 trẻ nữ trên thế giới có thể bị cưỡng ép kết hôn, trong đó 1 triệu trường hợp mang thai sớm, nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ em gái từ 15 đến 19 tuổi.

Caritas Ý và Liên đoàn các Tổ chức Kitô giáo Tình nguyện viên Quốc tế nêu bật sự cần thiết phải xây dựng một xã hội công bằng hơn và một thế giới có khả năng phục hồi. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong một thông điệp vào ngày 01/10 dành cho Nhóm tham vấn Phụ nữ của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá, phụ nữ có thể là những người mang hoà bình và canh tân, một sự hiện diện, với sự khiêm tốn và can đảm, biết cách hiểu và đón nhận cái mới và tạo ra hy vọng về một thế giới được thiết lập trên tình huynh đệ. Nhưng trong Thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha đã chỉ rõ rằng tổ chức của các xã hội trên toàn thế giới vẫn chưa phản ánh được phụ nữ có nhân phẩm và quyền như nam giới. Trong khi phát biểu, một số điều được khẳng định, nhưng quyết định và thực tế là một thông điệp khác. (CSR_8100_2020)

Ngọc Yến