23/01/2025

Chúa Nhật XXXI TN A 2020: Nên thánh bằng tình yêu

Đại lễ mừng các thánh hôm nay mời gọi chúng ta kết hợp với tất cả các thần thánh, nhất là ông bà cha mẹ đã qua đời, đang hiện diện ở nơi đây, để chia sẻ hạnh phúc trọn vẹn bên Chúa và chuyển cầu cho ta. Sự hiện diện của các thánh trong cuộc sống là một điểm xác tín quan trọng, mà mỗi người chúng ta cần có để sống trong niềm vui, bình an, hạnh phúc và hiệp thông với nhau.

Chúa Nhật XXXI TN A 2020

Nên thánh bằng tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Đại lễ mừng các thánh hôm nay mời gọi chúng ta kết hợp với tất cả các thần thánh, nhất là ông bà cha mẹ đã qua đời, đang hiện diện ở nơi đây, để chia sẻ hạnh phúc trọn vẹn bên Chúa và chuyển cầu cho ta. Sự hiện diện của các thánh trong cuộc sống là một điểm xác tín quan trọng, mà mỗi người chúng ta cần có để sống trong niềm vui, bình an, hạnh phúc và hiệp thông với nhau. Thật vậy, lúc nào chúng ta cũng có một cộng đồng đông đảo gồm Đức Mẹ và các thánh ở bên ta, thôi thúc ta, hướng dẫn ta đi vào con đường của Thiên Chúa, con đường sự thật và sự sống của Đức Kitô. Bài sách Khải Huyền (x. Kh 7,2-4.9-14) giới thiệu cho ta cộng đồng hạnh phúc đó, để mời gọi chúng ta nên thánh: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi là Đấng Thánh” (Lv 19,1),và “thật sự chúng ta là con cái Thiên Chúa”. (x. Bài đọc II, 1Ga 3,1-3). Nhưng thánh thiện là gì, có thể đạt được không, và đạt được bằng cách nào là những câu hỏi chúng ta muốn ôn lại lúc này?

1. Thánh thiện là gì?

ĐTC Phanxicô, vào ngày 19/3/2018, đã gửi cho tín hữu chúng ta một tông huấn có tên là Hãy vui mừng hoan hỉ (Gaudete et Exsultate) để trình bày về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay. Tông huấn có 177 số, chia thành 5 chương, giới thiệu lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thiết thực cho thời đại chúng ta, một thời đại có nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội. Đọc và suy niệm tông huấn, ta sẽ thấy việc trở nên thánh thiện vừa là một ơn gọi đầy ân huệ của Chúa, vừa là một sứ mệnh trong tầm tay của mỗi người, đồng thời vừa mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc cho những ai quyết tâm thực hiện ơn gọi đó.

Trước hết, thánh thiện không phải là biến đổi để trở nên “người hiểu biết rộng, có phẩm chất đạo đức cao, vượt lên hẳn người cùng thời”, như Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử, Lão Tử, “hay người có công to lớn trong lịch sử, được tôn thờ ở đền chùa” như Đức Thánh Trần Hưng Đạo (x. Từ điển tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, mục từ Thánh, tr. 1182). Hoặc trở thành một với Đấng là chúa tể trời đất, tạo dựng muôn loài, theo một số tôn giáo như Đức Thánh Allah của đạo Hồi hay Brahman và Atman của Ấn Độ giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng ta qua tông thư rằng: “Thánh thiện chính là phát huy được bản chất tốt đẹp của mỗi con người trong hoàn cảnh độc đáo của lịch sử, vì từng người chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Sống đúng phẩm giá cao quý của con người là ta thành thánh, vì Chúa là Đấng Thánh”.

Từ “thánh” được ta lặp đi lặp lại trong thánh lễ, đặc biệt sau kinh Tiền Tụng: “Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa ….”, theo nghĩa của tiếng Hipri “Qados”, dịch sang tiếng Hy Lạp Hagios, có nghĩa là tách biệt khỏi cái gì phàm tục để thuộc về thần linh, thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta thấy có những con người và vật được tách biệt như: dân thánh, đền thánh, chén thánh, bàn thánh, … Thiên Chúa là Đấng thánh, có nghĩa là Ngài tách biệt khỏi cái gì là phàm tục. Không phải chỉ một lần thánh mà tới ba lần.

2. Ta có thể đạt được sự thánh thiện không?

Đọc hạnh các thánh trong dòng lịch sử, ta thấy nhiều vị thánh có những gương sáng anh hùng, làm được nhiều điều kỳ diệu, kết hợp đặc biệt với Chúa khi cầu nguyện đến nỗi khuôn mặt toả sáng, thân hình bay bổng lên cao, tác động đến vạn vật như cây cối, chim muông, thú dữ… Rồi nghĩ đến con người tầm thường, đầy tội lỗi của mình, ta lại thấy ơn gọi nên thánh hình như không phải dành cho ta, mà chỉ cho một ít người đặc biệt nào đó trong Hội Thánh.

ĐTC nhắn nhủ rằng: Chúng ta không nên nản chí trước các mẫu gương thánh thiện dường như không thể đạt đến được đó. Một số chứng cớ có thể hữu ích và gợi hứng, nhưng không phải để chúng ta sao chép cuộc đời của các thánh nhân đó nơi ta, vì mỗi người nên thánh bằng mỗi cách khác nhau” (TH, số 11). Không thể có hai thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay Gioan Bosco cùng được tôn vinh trên bàn thờ! Vậy mà không ít người đã từng quyết tâm rằng mình sẽ là một Têrêsa, một Đaminh khác trong thời đại hôm nay! Điều này thúc đẩy mỗi người dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và đón nhận kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa tiền định cho chúng ta từ muôn thuở. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi” (Gr 1,5; TH, số 13).

Tuy nhiên, vì đây là lời mời gọi của Chúa (x. Lv 11,44; 1Pr 1,16), nên chính Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ ban cho ta đầy đủ ân huệ để có thể thực hiện điều này như CĐ.Vaticanô II đã tuyên bố rõ ràng ở số 11 của Hiến chế Lumen Gentium: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quý như thế, tất cả các tín hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” (TH, số 10 ).

3. Đạt được bằng cách nào?

Chúng ta có thể đạt được sự thánh thiện trọn hảo bằng đời sống yêu thương và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong mọi việc mình làm, ở mọi nơi mình sống” (TH, số 14).

Qua bài Tin Mừng (x. Mt 5,1-12), Chúa Giêsu giới thiệu cho ta con đường thánh hoá qua Tám Mối Phúc Thật, nghĩa là giúp ta tránh xa những gì phàm tục để thuộc về Thiên Chúa. Trong cuộc sống trần thế, mỗi ngày ta tiếp xúc với những con người, những sự vật, cũng như cần ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc…Tất cả những thứ đó đều có thể biến thành thánh, nếu chúng ta biết đưa Thiên Chúa hay tình yêu Thiên Chúa vào trong chúng, giống như tấm bánh lễ trắng qua lời truyền phép trở thành Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.

Tám Mối Phúc Thật chính là những giá trị tích cực được chúng ta theo đuổi, để vượt lên trên những giới hạn tiêu cực của Mười Điều Răn, mà chúng ta không được phép vượt qua, như tôn thờ tiền bạc, danh vọng, thề gian, làm việc chết bỏ như những tên nô lệ, giết người, dâm đãng, bất công, tham lam và để trở thành thánh như Đức Giêsu. Khi ta sống theo tinh thần tích cực của Người, ta sẽ khám phá ra Nước Trời chính là “nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân huệ, của công lý, tình yêu và hoà bình” (x. Hiến chế Gaudium et Spes) ở ngay trong tâm hồn mình cũng như trong cộng đồng mình.

Vì thế, Đức Thánh Cha dạy rằng: “Muốn nên thánh thiện, ta hãy học với Chúa Giêsu, là Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. Cv 3,14; 6,69) và là tôn sư của con người, để thực hành Tám mối phúc của Người. Sống theo các mối phúc đó như: tinh thần nghèo khó, hiền hoà, sầu khổ, khao khát công chính, biết xót thương người, có lòng trong sạch, xây dựng hoà bình, sẵn sàng bị bách hại, dường như có vẻ lội ngược dòng với con người trong xã hội hôm nay, nhưng thật sự là con đường dẫn tới sự hoàn thiện tuyệt vời” (x. TH, số 63).

Điểm đặc biệt của sự thánh thiện hoàn hảo được ĐTC nhấn mạnh là niềm vui (x. TH, số 122-128), mà Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá, khơi dậy trong ta (x. Rm 14,17), vì con người chúng ta là đền thờ Thiên Chúa và Thánh Thần Chúa ngự trong ta. Niềm vui và hân hoan là đặc điểm của thánh thiện và cũng là tên gợi nhớ của Tông huấn. Vì thế, nếu chính mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn chưa cảm thấy vui mừng, hoan lạc trong cuộc sống, ta nên tìm hiểu xem mình đang thiếu sót gì trong ơn gọi thánh thiện này. Hơn nữa, ta còn phải diễn đạt niềm vui ấy qua từng nụ cười, ánh mắt để cho mọi người cảm nghiệm được sự thánh thiện của Chúa trong ta.

Lời kết

Ôn lại vài điểm về ơn gọi nên thánh để hiểu rằng sự thánh thiện không còn là một đích điểm xa vời hay kết quả vĩ đại, mà ta đang cố đạt tới. Nhưng đó là ơn gọi và sứ mệnh được ta thể hiện qua những giá trị của Tám Mối Phúc Thật trong đời sống thường ngày.

HKK