24/12/2024

CÁC TRÍCH DẪN THEN CHỐT TỪ FRATELLI TUTTI: PHẦN 2 (CHƯƠNG 5-8)

Chúng ta nên đem đến hòa bình: “Mỗi người chúng ta được kêu gọi trở thành một người thợ của hòa bình, bằng cách hợp nhất chứ không chia rẽ, bằng cách dập tắt chứ không nắm chặt hận thù, bằng cách mở ra các con đường đối thoại chứ không xây các bức tường mới”. (284)

CÁC TRÍCH DẪN THEN CHỐT TỪ FRATELLI TUTTI:

PHẦN 2 (CHƯƠNG 5-8)

Ngày 4 tháng 10 năm 2020 bởi Cha Matthew P. Schneider, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô

Đan Quang Tâm dịch

https://www.patheos.com/blogs/throughcatholiclenses/2020/10/key-quotes-from-fratelli-tutti-part-2-chapters-5-8/

Hôm nay (4 tháng 10 năm 2020), Đức Thánh Cha Phanxicô công bố thông điệp Fratelli Tutti. Tôi đã đọc toàn bộ thông điệp trong ngày hôm nay. Khi đọc, tôi tô sáng những dòng tôi thích và xếp chúng theo thứ tự như một loại tóm tắt cỡ vừa Thông điệp. Fratelli Tutti khó tóm tắt hơn một chút so với nhiều văn kiện giáo hoàng nên bản văn tóm lược cuối cùng chiếm khoảng 15% độ dài Thông điệp và được chia thành hai phần (xem phần một). Tôi cố gắng cung cấp càng nhiều câu trích dẫn càng tốt để gửi cho bạn một bản tóm tắt theo góc nhìn của tôi và trực tiếp những gì Đức Giáo hoàng muốn mọi người nghe. Tôi hy vọng bạn tìm thấy việc này hữu ích.

Chương Năm: Một loại chính trị tốt hơn

Tóm tắt chương: “Sự phát triển một cộng đồng huynh đệ toàn cầu dựa trên việc thực hành tình bạn xã hội về phần các dân tộc và các quốc gia đòi phải có một loại chính trị tốt hơn, loại thực sự phục vụ công ích. Buồn thay, chính trị ngày nay thường mang các hình thức cản trở tiến bộ hướng đến một thế giới khác”. (154)

“Ngày nay, không thể bày tỏ quan điểm về bất cứ chủ đề nào mà không bị phân loại cách này hay cách khác, hoặc bị mất uy tín một cách bất công hoặc được tung hô lên trời xanh” (155) Tôi thường thấy điều này như thế nào trong cuộc bàn thảo Công giáo trực tuyến?

Chủ nghĩa dân túy về bản chất không tốt cũng không xấu nhưng nó “có thể biến chất thành một ‘chủ nghĩa dân túy’ không lành mạnh khi các cá nhân có thể khai thác văn hóa của một dân tộc về mặt chính trị, dưới bất kỳ ngọn cờ ý thức hệ nào, vì lợi ích cá nhân của họ hoặc vì tiếp tục nắm quyền. Hoặc khi, vào những lúc khác, họ tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách thu hút những khuynh hướng cơ bản và ích kỷ nhất của một số thành phần dân số. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi, dù ở những hình thức thô thiển hơn hay tinh vi hơn, nó dẫn đến việc chiếm đoạt các thể chế và pháp luật”. (159)

“Việc làm… là sự giúp đỡ tốt đẹp nhất mà ta có thể dành cho người nghèo, con đường tốt nhất để có một cuộc sống hợp nhân phẩm. Do đó, tôi xin nhấn mạnh rằng, ‘giúp đỡ người nghèo về mặt tài chính luôn phải là một giải pháp tạm thời trước những nhu cầu cấp bách. Mục tiêu rộng lớn hơn luôn phải là giúp họ có một cuộc sống có phẩm giá qua việc làm’”. (162)

“Tình yêu người lân cận có tính cụ thể và không lãng phí các nguồn lực cần thiết nào để việc mang lại thay đổi có tính lịch sử có thể ích lợi cho những người nghèo và những người bị thiệt thòi. Tuy nhiên, đôi khi, các ý thức hệ cánh tả hoặc các học thuyết xã hội liên kết với phương thức hành động cá nhân chủ nghĩa và các thủ tục không hữu hiệu chỉ ảnh hưởng đến một số ít người, trong khi phần lớn những người bị bỏ quên vẫn phải phụ thuộc vào thiện chí của những người khác”. (165) Giáo hoàng Phanxicô phê bình những người ích kỷ cánh tả cũng như ngài phê bình những người ích kỷ cách hữu.

Chính trị không nên chỉ hoạt động cho những người quyền lực. “Mọi sự đều phụ thuộc vào khả năng ta nhìn thấy nhu cầu thay đổi tâm hồn, các thái độ và các lối sống. Nếu không, tuyên truyền chính trị, các phương tiện truyền thông và những người định hình công luận sẽ tiếp tục cổ vũ một nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và không phê phán, lệ thuộc các lợi ích kinh tế và các định chế xã hội không bị pháp luật điều chỉnh nhằm phục vụ những người đã hưởng quá nhiều quyền lực”. (166)

“Thị trường, tự bản thân nó, không thể giải quyết mọi vấn đề, cho dù ta được yêu cầu tin vào tín điều này của niềm tin tân tự do như thế nào”. (168) Điều này không có nghĩa là thị trường không thể giải quyết nhiều vấn đề nhưng đó không phải là phương cách chữa trị bách bệnh tất cả các vấn đề xã hội.

Công lý có nghĩa là không có ai là tuyệt đối: “Trả cho mỗi người phần của họ – trích dẫn định nghĩa cổ điển về công lý – có nghĩa là không một cá nhân hay nhóm nào có thể xem mình là tuyệt đối, có quyền bỏ qua phẩm giá và các quyền của các cá nhân khác hoặc các nhóm xã hội của họ”. (171)

Cộng đồng quốc tế tương tự như một cộng đồng con người. “Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý được thành lập trên chủ quyền của mỗi nước thành viên, không có các ràng buộc về sự phụ thuộc phủ nhận hoặc hạn chế tính độc lập của nước đó”. (173)

Hiệu quả hay tiền bạc không phải là các mục tiêu trong xã hội. “Chính trị không được phụ thuộc kinh tế, và kinh tế cũng không được phụ thuộc các mệnh lệnh của một mô hình kỹ trị dựa trên hiệu năng”. (177)

Tình bạn như một hình thức bác ái: “Công nhận rằng mọi người đều là các anh chị em của ta, và tìm kiếm các hình thức tình bạn xã hội bao gồm mọi người, không phải chỉ là điều không tưởng. Điều đó đòi hỏi một cam kết cương quyết để thiết kế các phương tiện hữu hiệu cho mục đích này. Bất kỳ nỗ lực nào theo những đường hướng này đều trở thành một việc thực thi đức ái cao quý”. (180)

Tưởng tượng đây là cách bắt đầu các cuộc thảo luận chính trị: “Đức ái, với sự thúc đẩy của nó hướng tới tính phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới”. (183)

Chân lý & Đức ái: “Đức ái cần ánh sáng của sự thật mà ta không ngừng tìm kiếm. ‘Ánh sáng đó vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin’”. (185)

“Đức ái, là trái tim thiêng liêng của chính trị, luôn luôn là tình yêu thương dành ưu tiên cho những người thiếu thốn nhất; đức ái nâng đỡ mọi điều ta làm cho họ. Chỉ một cái nhìn do đức ái biến đổi mới có thể giúp phẩm giá của tha nhân được công nhận và do đó, người nghèo được thừa nhận và đánh giá cao về phẩm giá của họ, được tôn trọng về bản sắc và nền văn hóa của họ, và do đó thực sự hội nhập trong xã hội”. (187)

Các chính trị gia cần nhìn sâu hơn các vấn đề thực tế chứ không chỉ có nhìn vấn đề dân tuý. “Mối quan tâm lớn nhất của chính trị gia không nên về bởi sự sụt giảm trong các cuộc thăm dò, mà về các giải pháp hữu hiệu cho “hiện tượng loại trừ về kinh tế và xã hội, với những hậu quả đáng buồn của nó: buôn người, buôn bán các cơ phận và các mô người, việc khai thác tình dục trẻ em nam nữ, lao động nô lệ, kể cả mại dâm, buôn bán ma túy và vũ khí, khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức”. (188)

“Hàng tấn thực phẩm bị vứt bỏ. Điều này tạo một tai tiếng thực sự. Nạn đói là một tội ác; thực phẩm là một quyền bất khả chuyển nhượng’. Thông thường, trong khi tiếp tục tranh cãi về ngữ nghĩa hoặc ý thức hệ, ta để cho anh chị em của mình chết đói chết khát, không nơi nương tựa hoặc không được tiếp cận sự chăm sóc sức khỏe”. (189) Nếu bạn muốn đọc thêm về quyền đối với thực phẩm, chỗ ở và sự chăm sóc y tế, tôi đã viết về đề tài này.

Chương 6: Đối thoại và tình bạn trong xã hội

Tranh luận trực tuyến không phải là đối thoại: “Đối thoại thường bị nhầm lẫn với một điều rất khác biệt: sôi nổi trao đổi ý kiến trên mạng xã hội, thường xuyên dựa trên thông tin truyền thông không phải luôn luôn đáng tin cậy. Những cuộc trao đổi này chỉ đơn thuần là những cuộc độc thoại song hành. Chúng có thể thu hút sự chú ý bởi giọng điệu gay gắt và hung hăn. Nhưng các cuộc độc thoại không lôi kéo được ai và nội dung của chúng thường mang tính tự phục vụ và mâu thuẫn”. (200)

Các phương tiện truyền thông thường cản trở đối thoại: “sự kiện và ý kiến ồn ào của các phương tiện truyền thông thường gây trở ngại cho đối thoại, vì nó cho phép mọi người bám lấy các ý tưởng, sở thích và lựa chọn riêng của họ một cách ương ngạnh, với lời bào chữa rằng mọi người khác đều sai lầm”. (201)

“Đối thoại xã hội chân chính bao gồm khả năng tôn trọng quan điểm của người khác và thừa nhận rằng nó có thể bao gồm những xác tín và mối quan tâm chính đáng… Khi các cá nhân hoặc các nhóm nhất quán trong suy nghĩ của họ, bảo vệ các giá trị và xác tín của họ, và khai triển các lập luận của họ, thì điều này chắc chắn có lợi cho xã hội. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra theo mức độ có sự đối thoại đích thực và cởi mở với người khác”. (203)

Sự thật có thể khó tìm nhưng đáng cho ta ra sức nỗ lực: “Ta cần học cách vạch trần những phương cách thao túng, bóp méo và che giấu sự thật trong ngôn từ công khai và riêng tư. Điều chúng ta gọi là ‘sự thật’ không những chỉ là việc tường thuật các sự kiện và biến cố, như ta thấy trong các báo hàng ngày. Nó chủ yếu là việc tìm kiếm các nền tảng vững chắc nâng đỡ các quyết định và luật lệ của ta. Điều này đòi hỏi phải thừa nhận rằng tâm trí con người có khả năng vượt qua những mối quan tâm trước mắt và nắm bắt một số sự thật bất biến, đúng bây giờ cũng như trong quá khứ. Nhờ biết nhìn vào bản chất của con người, lý trí khám phá ra những giá trị phổ quát bắt nguồn từ cùng một bản chất”. (208)

Luân lý công phải dựa trên các giá trị đạo đức khách quan: “Thừa nhận sự hiện hữu của một số giá trị vững bền nào đó, dù việc biện phân chúng đòi buộc cho đến đâu, mang lại một nền luân lý xã hội mạnh mẽ và vững chắc”. (211)

Một lời nhắc nhở về luật tự nhiên ở cấp độ xã hội: “Sự kiện một số quy tắc nào đó cấp thiết đối với chính cuộc sống của xã hội là một dấu hiệu cho thấy chúng vốn tốt trong và tự bản thân chúng”. (212)

Ta cần đối thoại cởi mở không khép kín trong bản thân: “Hình ảnh khối đa diện có thể tượng trưng một xã hội trong đó các khác biệt cùng hiện hữu, bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau, ngay cả giữa những bất đồng và dè chừng. Mỗi chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ những người khác. Không ai vô dụng và không ai có thể bị hy sinh. Điều này cũng có nghĩa phải tìm cách bao gồm những người hiện nằm ở ngoại vi cuộc sống”. (215)

Hòa bình chân chính thật là khó: “Hòa bình xã hội đòi hỏi sự chăm chỉ và khéo léo. Giữ các tự do và các khác biệt trong vòng kiểm soát bằng sự khôn khéo và một ít nguồn lực thì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng một nền hòa bình như vậy sẽ hời hợt và mong manh, không phải là thành quả của một nền văn hóa gặp gỡ mang lại sự ổn định lâu dài. Hòa nhập những khác biệt là một quá trình khó khăn và chậm chạp hơn nhiều, nhưng nó là sự đảm bảo cho một nền hòa bình thực sự và lâu dài”. (217)

Ta cần xây dựng một giao ước giữa các dân tộc. “Một giao ước như vậy cũng đòi hỏi nhận thức rằng một số điều có thể bị từ bỏ vì công ích. Không ai có thể chiếm hữu toàn bộ sự thật hoặc thỏa mãn mọi mong muốn của mình, vì kỳ vọng đó sẽ dẫn đến việc triệt tiêu người khác bằng cách khước từ các quyền của họ. Một khái niệm sai lầm về lòng khoan dung phải nhường chỗ cho một chủ nghĩa hiện thực mang tính đối thoại về phần những người nam và những người nữ vẫn trung thành với các nguyên tắc riêng của họ trong khi công nhận rằng những người khác cũng có quyền làm như vậycủa họ”. (221)

“Lòng tử tế giải thoát ta khỏi sự độc ác đôi khi tiêm nhiễm các tương quan con người, khỏi sự lo lắng ngăn ta nghĩ đến người khác, khỏi hành động cuồng nhiệt quên rằng người khác cũng có quyền được hạnh phúc. Ngày nay, ta thường không có cả thời gian lẫn năng lực để ngừng lại và tỏ ra tử tế với người khác, để nói ‘xin lỗi’, ‘xin bỏ qua cho tôi’, ‘cảm ơn’”. (224)

Chương bảy: Các nẻo đường của cuộc gặp gỡ đổi mới

Tóm tắt chương: “Cần có những người xây dựng hòa bình, những người nam và người nữ được chuẩn bị làm việc một cách quả cảm và sáng tạo nhằm khởi xướng những tiến trình chữa lành và cuộc gặp gỡ đổi mới”. (225)

“Sự thật, trên thực tế, là người bạn đồng hành không thể tách rời của công lý và lòng thương xót. Xây dựng hòa bình nhất thiết phải có cả ba”. (227)

Hòa bình đem lại một xã hội với cá nhân thuộc nhiều loại cùng tồn tại: “Con đường hòa bình không có nghĩa là biến xã hội thành đồng nhất một cách đơn điệu, mà là làm cho người ta làm việc với nhau, chung vai sát cánh, theo đuổi những mục tiêu có lợi cho mọi người” (228)

Một cảm thức thuộc về nhau: “Làm việc để vượt qua các chia rẽ của chúng ta mà không đánh mất căn tính của mình với tư cách những cá nhân giả thiết phải có một cảm thức căn bản thuộc về nhau hiện diện trong mọi người. Thật vậy, ‘xã hội sẽ có lợi khi mỗi người và mỗi nhóm xã hội thật sự cảm thấy an nhiên’”. (230)

Hòa bình cần phải nỗ lực để duy trì: “Việc xây dựng hòa bình trong xã hội của một quốc gia không bao giờ kết thúc; đúng hơn, đó là ‘một công cuộc trường kỳ, không bao giờ chấm dứt, đòi hỏi sự dấn thân của mọi người, và thách đố ta làm việc không ngừng để xây dựng sự hiệp nhất của đất nước’”. (232)

“Thường những thành viên yếu ớt hơn của xã hội là những nạn nhân của những khái quát hóa bất công. Nếu có những lúc người nghèo và những người vô sản phản ứng với những thái độ có vẻ phản xã hội, ta nên nhận ra rằng trong nhiều trường hợp những phản ứng đó phát sinh từ một lịch sử bị khinh miệt và bị xã hội loại trừ”. (234) Mặc dù không được đề cập đến ở đây một cách chính danh, tôi nghĩ điều này cũng áp dụng cho cách người tàn tật đã bị loại trừ.

Làm thế nào để yêu kẻ thù của ta: “Ta được kêu gọi yêu thương mọi người, không loại trừ ai; đồng thời, việc yêu thương một kẻ áp bức không phải là cứ cho phép kẻ ấy tiếp tục áp bức mình, hay để cho kẻ ấy nghĩ rằng điều kẻ ấy làm là có thể chấp nhận được. Trái lại, tình yêu đích thực đối với một kẻ áp bức nghĩa là tìm cách làm cho kẻ ấy ngừng việc áp bức của hắn; có nghĩa là tước hắn khỏi một quyền lực hắn đã không biết cách sử dụng, và quyền lực ấy làm giảm tính người của hắn và của những người khác. Tha thứ không phải là cho phép những kẻ áp bức tiếp tục chà đạp lên phẩm giá của chính họ và phẩm giá của người khác, hay để cho những kẻ tội phạm tiếp tục phạm tội”. (241)

Tức giận không dẫn đến công lý: “Điều quan trọng là không chọc giận, vốn không tốt cho tâm hồn ta và tâm hồn của những người khác, hoặc bị ám ảnh bởi việc trả thù và hủy diệt người khác. Không ai đạt đến sự bình an nội tâm hay trở về với một đời sống bình thường bằng cách đó”. (242)

Một điều cần nhớ về bí tích hoà giải: “Hòa giải là một hành vi cá nhân, và không ai có thể áp đặt trên toàn xã hội, cho dù nhu cầu cần phải hoà giải lớn đến đâu chăng nữa”. (246)

Mối quan hệ giữa tha thứ và lãng quên: “Tha thứ không có nghĩa là quên lãng. Hay đúng hơn, đứng trước một thực tại không thể phủ nhận, tương đối hoá hay che giấu, thì tha thứ vẫn có thể. Đứng trước một hành động không bao giờ có thể dung thứ, biện minh hay bỏ qua, ta vẫn có thể tha thứ. Đứng trước một điều gì đó không thể quên vì bất cứ lý do nào, ta vẫn có thể tha thứ. Sự tự nguyện và thành tâm tha thứ là điều cao quý, một phản ánh chính khả năng tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Nếu tha thứ là nhưng không, thì nó có thể thể hiện ngay cả đối với một người chống lại sự hối cải và không có khả năng xin tha thứ”. (250)

“Công lý được tìm kiếm đúng đắn chỉ từ tình yêu đối với chính công lý, từ lòng tôn trọng các nạn nhân, như một phương cách phòng tránh những tội ác mới và bảo vệ công ích, chứ không phải như một nút xả cơn giận cá nhân. Tha thứ chính là điều khiến ta theo đuổi công lý mà không rơi vào một vòng xoáy báo thù hay sự bất công vì quên lãng”. (252)

Phần cuối của chương này đề cập đến hai điểm gây tranh cãi nhất.

Không còn chiến tranh nữa

“Chiến tranh là sự phủ nhận mọi quyền và là một tấn công khủng khiếp vào môi trường. Nếu ta muốn sự phát triển nhân bản chân chính toàn diện cho mọi người, ta phải nỗ lực không mệt mỏi phòng tránh chiến tranh giữa các quốc gia và các dân tộc. Cho mục đích này, cần bảo đảm nền pháp trị vững vàng và không mệt mỏi kiếm tìm sự thương lượng, hoà giải và trọng tài”. (257)

Ta không nên sử dụng lý luận sai lầm để biện minh cho các cuộc chiến tranh. Tiêu chí cho các cuộc chiến tranh chính nghĩa thường được giải thích quá rộng. “Trong những thập niên gần đây, mọi cuộc chiến tranh đơn phương bề ngoài đều đã được ‘biện minh’. Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói về khả năng phòng vệ chính đáng bằng phương tiện vũ trang quân sự, điều này bao hàm một số ‘điều kiện nghiêm ngặt về tính chính đáng về mặt luân lý’ (239) phải được đáp ứng. Nhưng thật dễ rơi vào một sự giải thích quá rộng về quyền mang tính tiềm năng này. Về phương cách này, một số người sẽ biện minh một cách sai trái ngay cả những cuộc tấn công ‘phòng vệ’, hay những hành vi chiến tranh vốn khó tránh khỏi việc gây ra ‘những sự dữ và những hỗn loạn trầm trọng hơn cả sự dữ cần bị loại trừ’”. (258) Đây không phải là sự bác bỏ thuyết chiến tranh chính nghĩa, mà là để làm rõ sự ngăn cấm nào cần được đáp ứng.

“Xem xét điều này [sự phát triển vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học và vũ khí sinh học], ngày nay rất khó nêu lên những tiêu chuẩn hợp lý được liệt kê trong các thế kỷ trước để nói về khả năng một cuộc ‘chiến tranh chính nghĩa’. Đừng bao giờ chiến tranh nữa!” (258) Những dòng này lặp lại lời Đức Phaolô VI nói với LHQ năm 1965: “Không bao giờ chiến tranh nữa, không bao giờ chiến tranh nữa! Chính hòa bình, hòa bình, phải định hướng cho vận mệnh các quốc gia toàn thể nhân loại!”

“Theo lời Thánh Gioan XXIII: ‘Không còn ý nghĩa gì việc khẳng định chiến tranh là một công cụ thích hợp để sửa chữa những vi phạm công lý’”. (260) Đây là một lời kêu gọi khắc phục sự bất công theo những phương cách khác.

“Mọi cuộc chiến tranh đều để lại cho chúng ta một thế giới tệ hơn trước. Chiến tranh là một thất bại của chính trị và của nhân loại, một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một sự khuất phục đau đớn trước những sức mạnh của sự dữ”. (261) Điều này nhắc ta rằng bảo vệ bản thân và các quốc gia của mình khỏi tội ác nghiêm trọng là một phần của định nghĩa chiến tranh chính nghĩa.

“Bản thân các luật lệ sẽ không đủ nếu ta tiếp tục nghĩ rằng giải pháp cho các vấn đề hiện tại là răn đe bằng sự sợ hãi hoặc mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học… Ta cũng cần tự hỏi mình rằng sự ổn định dựa trên nỗi sợ hãi bền vững như thế nào, khi nó thực sự làm gia tăng nỗi sợ hãi và phá hoại mối quan hệ tin cậy giữa các dân tộc. Hòa bình và ổn định quốc tế không thể dựa trên cảm giác an toàn sai lầm, dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau hoặc tiêu diệt hoàn toàn, hoặc chỉ đơn giản là duy trì một sự cân bằng quyền lực”. (262) Giáo hội đã kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân ít nhất 50 năm qua vì dường như rất khó có thể sử dụng vũ khí hạt nhân một cách chính đáng. Đây là sự lặp lại lời kêu gọi giải trừ quân bị(đa phương) lẫn nhau.

Hình phạt tử hình

Tiền đề cơ bản của phần án phạt tử hình: “Thánh Gioan Phaolô II tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ rằng án tử hình là điều không thích đáng xét theo một quan điểm luân lý, và không còn cần thiết xét theo quan điểm tư pháp hình sự. (246) Ta không thể thoái bước khỏi lập trường này. Ngày nay ta tuyên bố rõ ràng rằng “án tử hình là điều không thể chấp nhận” (247) và Giáo hội dấn thân mạnh mẽ để kêu gọi hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới”. (263)

“Không nên có ngoại lệ nào cả; việc giết một con người luôn luôn là phi pháp”. Lactantius (Giáo phụ thời Giáo hội Sơ khai) Giáo hoàng Nicholas I yêu cầu chính phủ “tránh dùng án tử hình không chỉ đối với mỗi người vô tội, mà còn đối với tất cả những kẻ phạm tội nữa”. (265)

Sự trừng phạt không nên mang tính chất báo thù. “Sợ hãi và oán hận có thể dễ dẫn tới việc xem hình phạt như một cách trả đũa và thậm chí độc ác, thay vì như một phần của một tiến trình chữa lành và tái hội nhập vào xã hội”. (266)

Luôn có những lựa chọn khác bên cạnh án tử hình. “’Thật không thể tưởng tượng các nhà nước hiện nay không có phương tiện nào khác ngoài án tử hình để bảo vệ mạng sống người khác trước kẻ tấn công quá khích’. Đặc biệt trầm trọng về khía cạnh này là những vụ gọi là hành quyết không qua xét xử hay ngoài vòng pháp luật, đó là những vụ ‘cố ý giết người do một số nhà nước và bởi các mật vụ của họ ra tay’”. (267)

“Tất cả các Kitô hữu và những người thiện chí ngày nay được kêu gọi hành động không chỉ cho việc hủy bỏ án tử hình, hợp pháp hay bất hợp pháp, dưới mọi hình thức, mà còn được kêu gọi hành động để cải thiện các điều kiện lao tù, vì tôn trọng nhân phẩm của những người bị tước mất tự do. Tôi muốn nối kết điều này với án tù chung thân… Hình phạt án tù chung thân là một án tử hình bí mật.” (268) Thông thường án tù chung thân nên tránh, nhưng điều này không phải không thể sử dụng chúng trong những trường hợp hiếm hoi không còn cách nào khác để bảo vệ xã hội.

Chương 8: Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới chúng ta

Tóm tắt phần này: “Các tôn giáo khác nhau, dựa trên sự tôn trọng của họ đối với mỗi con người như một thụ tạo được kêu gọi làm con Thiên Chúa, góp phần đáng kể vào việc xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý trong xã hội”. (271)

Tình huynh đệ đích thực dựa trên việc tất cả mọi người đều là con của cùng một Cha: “Với tư cách tín hữu, ta tin chắc rằng, nếu không có sự cởi mở với Cha của mọi người, sẽ không có các ý do vững chắc và bền vững để kêu gọi tình huynh đệ”. (272)

Ta cần bắt đầu từ chân lý siêu việt: “Nếu không có chân lý siêu việt, mà tuân theo đó con người đạt được bản sắc viên mãn của mình, thì không có nguyên tắc chắc chắn nào để bảo đảm các mối quan hệ ngay chính giữa con người với nhau. Sự tư lợi của họ với tư cách một giai cấp, một nhóm hay một quốc gia chắc chắn sẽ khiến họ đối lập với nhau. Nếu ta không thừa nhận chân lý siêu việt, thì sức mạnh của quyền lực sẽ thống lĩnh, và mỗi người có xu hướng tận dụng các phương tiện theo ý mình để áp đặt lợi ích riêng của mình hoặc ý kiến riêng của mình mà không đếm xỉa đến các quyền của những người khác.” (273)

Tôn giáo không chỉ là riêng tư: “Trong khi tôn trọng quyền tự trị của đời sống chính trị, Giáo hội không hạn chế sứ mệnh của mình trong phạm vi riêng tư. Ngược lại, ‘Giáo hội không thể và không được đứng ngoài lề’ trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, hoặc không ‘đánh thức lại nguồn năng lượng tâm linh’ có thể đóng góp vào việc làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn”. (276)

Các chức sắc tôn giáo nên có thái độ tích cực về mọi vấn đề trừ vấn đề chính trị đảng phái: “Đúng là các vị chức sắc tôn giáo không được tham gia chính trị đảng phái vốn là lãnh vực thích hợp của giáo dân, nhưng họ cũng không được từ bỏ chiều kích chính trị của chính cuộc sống, liên quan đến sự lưu tâm thường xuyên đến công ích và quan tâm đến sự phát triển toàn diện của con người”. (276)

Tự do tôn giáo theo cả hai chiều: “Kitô hữu chúng ta yêu cầu, ở những quốc gia mà ta là thiểu số, ta phải được bảo đảm quyền tự do, ngay cả khi chính ta quảng bá quyền tự do đó cho những người không Kitô giáo ở những nơi họ là thiểu số. Một quyền cơ bản của con người không được quên trong hành trình hướng tới tình huynh đệ và hòa bình”. (279)

“Một hành trình hòa bình là có thể giữa các tôn giáo. Điểm xuất phát của nó phải là cách nhìn các sự việc theo Thiên Chúa. “Thiên Chúa không thấy bằng mắt của mình, Thiên Chúa thấy bằng trái tim. Và tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người là như nhau, không phân biệt tôn giáo. Ngay cả khi họ là những người vô thần, tình yêu của Ngài vẫn vậy”. (281)

Sự thờ phượng sinh hoa trái yêu thương chứ không phải hận thù: “Sự thờ phượng chân thành và khiêm tốn đối với Thiên Chúa ‘không sinh hoa trái phân biệt đối xử, hận thù và bạo lực, mà tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống, tôn trọng phẩm giá và tự do của tha nhân, và dấn thân yêu thương vì phúc lạc của mọi người’. Quả thật, ‘ai không yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu’ (1 Gioan 4, 8)”. (283)

Chúng ta nên đem đến hòa bình: “Mỗi người chúng ta được kêu gọi trở thành một người thợ của hòa bình, bằng cách hợp nhất chứ không chia rẽ, bằng cách dập tắt chứ không nắm chặt hận thù, bằng cách mở ra các con đường đối thoại chứ không xây các bức tường mới”. (284)

Ta hãy kết thúc bằng một lời cầu nguyện mà Đức Phanxicô trích dẫn trong đoạn trước (287):

Lạy Chúa, là Cha của gia đình nhân loại chúng con,

Chúa đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về phẩm giá:

xin tuôn đổ tâm hồn chúng con một tinh thần huynh đệ

và khơi dậy trong chúng con giấc mơ gặp gỡ,

đối thoại, công lý và hòa bình mới.

Xin thúc đẩy chúng con kiến tạo các xã hội lành mạnh hơn

và một thế giới đàng hoàng hơn,

một thế giới không có đói nghèo, bạo lực và chiến tranh.

Xin cho trái tim chúng con rộng mở

với tất cả các dân tộc và các quốc gia trên trái đất.

Nguyện xin chúng con nhận ra những điều tốt đẹp

mà Chúa đã gieo vào trong mỗi người chúng con,

và nhờ đó tạo nên những mối dây hợp nhất, những dự án chung

và những ước mơ chung. Amen.

 

Đó là tất cả. Tôi hy vọng điều đó sẽ giúp bạn.