24/12/2024

Làn sóng phản đối gia tăng tại Pakistan sau khi Toà án đồng thuận với vụ bắt cóc trẻ vị thành niên Công giáo

Làn sóng phản đối gia tăng tại Pakistan sau khi Toà án đồng thuận với vụ bắt cóc trẻ vị thành niên Công giáo

Trẻ nữ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số là đối tượng dễ bị bắt cóc, buộc cải đạo và ép kết hôn với thanh niên Hồi giáo (AFP or licensors)

Sau quyết định hôm 27/10 của Toà án tại Pakistan về sự đồng thuận với Ali Azhar, người Hồi giáo đã bắt cóc Arzoo Raja, người Công giáo 13 tuổi, để bắt bé Arzoo cải đạo sang Hồi giáo và kết hôn anh, các cuộc phản đối tại nước này ngày càng trở nên gay gắt.

Hôm 28/10, Cha Saleh Diego, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Karachi, dẫn đầu hơn 300 người biểu tình trước Nhà thờ Saint Patrick, “yêu cầu công lý cho bé Arzoo Raja”. Cha lên tiếng: “Cô bé bị bắt cóc và đã ở 2 tuần với kẻ bắt cóc. Và cuối cùng tòa án đã ra phán quyết có lợi cho kẻ bắt cóc, điều đó thật khủng khiếp.”

Đức Hồng y Joseph Coutts, Tổng Giám mục Karachi, đã kêu gọi “các cơ quan chức năng của chính phủ Sindh, các sĩ quan cảnh sát và cơ quan tư pháp xét xử công bằng và theo công lý”. Đồng thời, Đức Hồng y Coutts cũng kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền sử dụng các biện pháp nghiêm khắc để ngăn chặn các vụ bắt cóc nhgày càng gia tăng, cưỡng bức cải đạo và ép kết hôn đối với các trẻ em nữ thuộc các tôn giáo thiểu số ở Pakistan. Đức Hồng y nói rằng “các công dân thiểu số không cảm thấy an toàn và không thấy mình có quyền bình đẳng”.

Tuyên bố của Toà án hôm 27/10 viết: “Arzoo Fatima ban đầu là một người Công giáo, tuy nhiên, theo thời gian, cô hiểu rằng Hồi giáo là một tôn giáo phổ quát và đã yêu cầu cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình theo đạo Hồi, nhưng họ đã thẳng thừng từ chối. Sau đó, Arzoo đã gia nhập Hồi giáo theo ý muốn tự do của mình và ký kết hôn ước với một người đàn ông Hồi giáo, Ali Azhar, kẻ bắt cóc cô.”

Lệnh của Toà án cũng đồng thời yêu cầu cảnh sát không thực hiện bất kỳ vụ bắt giữ nào liên quan đến thông tin báo cáo ban đầu theo Điều 364-A của Bộ luật Hình sự Pakistan (liên quan đến việc bắt cóc một người dưới 14 tuổi). Như thế, cảnh sát buộc phải bảo vệ cô gái mới cưới.

Ghazala Shafiq, nhà hoạt động Công giáo vì quyền con người và quyền phụ nữ, cho biết: “Thẩm phán thậm chí không yêu cầu khai sinh để chứng minh tuổi của cô bé, và họ đã không cho phép cô bé gặp cha mẹ của mình.”

Theo Luật Hôn nhân Trẻ em của tỉnh Sindh, không ai được phép kết hôn dưới 18 tuổi, chính quyền phải bắt giữ và trừng phạt thủ phạm. (Fides 29/10/2020)

Văn Yên, SJ