Giải mã bí ẩn về khí quyển lạ lùng của mặt trăng có hơn 400 núi lửa
Giải mã bí ẩn về khí quyển lạ lùng của mặt trăng có hơn 400 núi lửa
Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã thu thập được chứng cứ rõ ràng về sự tồn tại của các cột khí độc sulfur dioxide, được phun ra từ những ngọn núi lửa trên bề mặt Io, một trong các mặt trăng của sao Mộc.
Những hình ảnh vô tuyến mới về mặt trăng của sao Mộc cuối cùng đã giúp giới chuyên gia phần nào giải mã được câu đố đầy bí ẩn và khí quyển của nó, theo Đài CNN hôm 24.10.
Io là thiên thể đang trải qua hoạt động núi lửa khủng khiếp nhất trong toàn bộ hệ mặt trời. Hơn 400 núi lửa đang phun trào trên bề mặt của nó, dưới tác động xâu xé của trọng lực đến từ sao Mộc và cả 3 mặt trăng còn lại thuộc nhóm Galileo.
Io có khí quyển, nhưng rất mỏng manh, mỏng gấp cả tỉ lần so với của Trái đất. Cả khí quyển và cả bề mặt của Io đều tràn ngập hợp chất dưới dạng khí sulfur dioxide (SO₂), mang đến màu sắc cam – vàng đầy sặc sỡ cho mặt trăng này.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là bao nhiêu % khí sulfur dioxide trực tiếp xuất phát từ núi lửa, so với hàm lượng khí bốc hơi từ quá trình băng tan trên bề mặt thiên thể.
Đội ngũ chuyên gia của Đại học California tại Berkeley và Đại học Columbia (Mỹ) đã sử dụng kính viễn vọng ALMA ở Chile để phân tích thành phần cấu tạo của khí quyển Io.
Dựa vào những hình ảnh do ALMA chụp được, đội ngũ chuyên gia lần đầu tiên đã có thể thấy được chứng cứ rõ ràng về các cột khí sulfur dioxide và sulfur monoxide tỏa ra từ các miệng núi lửa của mặt trăng sao Mộc.
Họ tính toán dược khoảng 30 – 50% lượng khí sulfur dioxide xuất phát trực tiếp từ hoạt động núi lửa, theo báo cáo chuẩn bị được công bố trên chuyên san Planetary Science Journal
HẠO NHIÊN
TNO