Mảng kiến tạo mất tích 40 triệu năm vừa được ‘phục sinh’
Mảng kiến tạo mất tích 40 triệu năm vừa được ‘phục sinh’
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra chứng cứ xác thực cho thấy một mảng kiến tạo bí ẩn đang vùi sâu bên dưới lòng đất ở miền Bắc Canada, mang đến lời giải cho cuộc tranh luận nảy lửa về sự tồn tại của nó.
Trong báo cáo đăng trên Tập san học thuật Geological Society, các nhà nghiên cứu của Đại học Houston (Mỹ) đã tình cờ phát hiện tàn tích của một mảng kiến tạo cổ xưa, được cho đã biến mất cách đây khoảng 40 triệu năm. Nó đang nằm ở độ sâu từ 400 – 600 km bên dưới vùng Yukon của Canada.
Mảng kiến tạo, được đặt tên là “sự Phục sinh” (tên tiếng Anh là Resurrection), từ lâu là đề tài tranh luận khá kịch liệt trong lĩnh vực nghiên cứu địa chất.
Các mảng kiến tạo là những phiến trải rộng của lớp vỏ Trái đất, và luôn di chuyển với tốc độ vô cùng chậm chạp. Những khu vực giao nhau giữa các mảng kiến tạo thường xảy ra động đất và núi lửa phun trào.
Giới địa chất học lâu nay vẫn biết rằng có hai mạng kiến tạo lần lượt là Kula và Farallon ở Thái Bình Dương, khu vực ngoài khơi Bờ Tây Bắc Mỹ, vào buổi đầu của Đại Tân Sinh (66 triệu năm trước đến ngày nay).
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng bên cạnh 2 mảng kiến tạo trên, ắt hẳn phải còn mảng kiến tạo thứ ba, trước khi nó chìm xuống bên dưới bề mặt Trái đất cách đây 60 đến 40 triệu năm trước.
Trong quá trình trượt xuống bên dưới mảng kiến tạo Bắc Mỹ, vốn chứa hầu hết khu vực Bắc Mỹ cũng như Greenland, phía bắc Caribê và các phần của Siberia, Iceland và Azores, “sự Phục sinh” có lẽ đã bị tan chảy và biến dạng trước sức nóng khủng khiếp của lõi Trái đất, và từ đó bị thu nhỏ diện tích một cách đáng kể.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Houston cho hay đã phát hiện một mảng lớn của vỏ Trái đất mà họ cho là phần còn sót lại của “sự Phục sinh”, chứng tỏ mảng kiến tạo bí ẩn thực sự tồn tại chứ không phải chỉ là một giả thuyết mông lung.
HẠO NHIÊN
TNO