ĐTC Phanxicô: Nói yêu Chúa nhưng lại thù ghét tha nhân là vô thần thực hành
Các Thánh vịnh nhắc chúng ta rằng lời cầu nguyện phải bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta trên thế giới này. Đôi khi, lời cầu nguyện bắt đầu trong nhà thờ của chúng ta nhưng sau đó dẫn chúng ta đến việc phục vụ người khác trên các con đường của thành phố. Đôi khi lời cầu nguyện bắt nguồn từ công việc hằng ngày của chúng ta, và sau đó được hoàn thành trong phụng vụ của Giáo Hội. Các Thánh vịnh dạy chúng ta cầu nguyện cho chính mình và cho cả ơn cứu độ của tha nhân và thế giới.
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 21/10, tiếp tục nói về việc cầu nguyện trong sách Thánh vịnh. Trong sách Thánh vịnh, cầu nguyện là điều thiết yếu của một đời sống tốt lành và thật sự nhân bản. Các Thánh vịnh hướng dẫn chúng ta bước đi theo thánh ý Chúa và dạy chúng ta tránh những cạm bẫy của sự ác. Lời cầu nguyện thật sự giúp chúng ta, ngay cả trong những lúc khốn cùng, có thể nhìn thấy thực tại bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhìn anh chị em của chúng ta với lòng trắc ẩn và tôn trọng.
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong sách Thánh vịnh có một nhân vật tiêu cực, là “kẻ gian ác”, người sống như thể không có Thiên Chúa. Đó là người không hề nghĩ đến cõi siêu việt, không kiềm chế sự kiêu ngạo của mình, người không sợ những phán xét về những gì mình nghĩ và những gì mình làm.
Cầu nguyện là sự cứu rỗi của con người
Ngược với thái độ của kẻ gian ác, sách Thánh vịnh trình bày việc cầu nguyện thật sự như một thực tế cơ bản của cuộc sống. Đức Thánh Cha giải thích: Việc quy chiếu đến tuyệt đối và siêu việt – điều mà các bậc thầy tu đức gọi là “sự kính sợ thánh thiêng đối với Thiên Chúa” – là điều khiến chúng ta hoàn toàn là con người, là giới hạn cứu chúng ta khỏi chính mình, bằng cách ngăn cản chúng ta lao vào cuộc sống này theo cách săn mồi và phàm ăn. Cầu nguyện là sự cứu rỗi của con người.
Kiểu cầu nguyện giả dối: muốn được người khác ngưỡng mộ
Nhưng Đức Thánh Cha nhận định rằng cũng có một cách cầu nguyện giả dối, cách cầu nguyện được thực hiện chỉ để được người khác ngưỡng mộ. Có những người đi dự Thánh lễ chỉ để chứng tỏ rằng họ là người Công giáo hoặc để khoe mốt mới nhất mà họ đã mua, hoặc để làm một nhân vật xã hội tốt. Họ cầu nguyện giả dối. Chúa Giêsu đã khiển trách nặng nề về điều này (x. Mt 6,5-6; Lc 9,14). Nhưng khi tinh thần cầu nguyện thực sự được đón nhận cách chân thành và đi vào trái tim, thì nó khiến chúng ta chiêm ngưỡng thực tại bằng chính đôi mắt của Thiên Chúa.
Khi cầu nguyện, các anh chị em trở nên quan trọng
Theo Đức Thánh Cha, khi chúng ta cầu nguyện như thế, mọi điều đều đạt đến “chiều sâu”, như thể Thiên Chúa cầm lấy nó và biến đổi nó. Việc phụng tự tồi tệ nhất mà chúng ta có thể dâng cho Chúa và cho cả con người, là cầu nguyện cách mệt mỏi, theo thói quen. Cầu nguyện như vẹt. Không. Xin hãy cầu nguyện bằng trái tim. Cầu nguyện là trung tâm của cuộc sống. Nếu có cầu nguyện, thì ngay cả một người anh em, một người chị em, thậm chí là kẻ thù, cũng trở nên quan trọng (x. Evagrius Ponticus, Luận về Cầu nguyện, n. 123). Ai thờ phượng Thiên Chúa thì yêu thương con cái của Người. Ai tôn kính Thiên Chúa thì tôn trọng con người.
Cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần
Đức Thánh Cha nói tiếp: Và vì vậy, cầu nguyện không phải là liều thuốc an thần để xoa dịu những lo lắng trong cuộc sống; kiểu cầu nguyện này chắc chắn không phải là của Kitô giáo. Đúng hơn, cầu nguyện làm cho con người có trách nhiệm. Chúng ta thấy rõ điều này trong “Kinh lạy Cha” mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người.
Để học cách cầu nguyện theo cách này, sách Thánh vịnh là một trường học tuyệt vời. Chúng ta đã thấy cách các Thánh vịnh không luôn luôn sử dụng ngôn ngữ tinh tế và nhẹ nhàng, và cách chúng thường bày tỏ những vết sẹo của cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những lời cầu nguyện này lần đầu tiên được sử dụng trong Đền thờ, và sau đó là trong các hội đường; ngay cả những lời cầu nguyện sâu kín và cá nhân nhất. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo diễn đạt như thế này: “Nhiều hình thức cầu nguyện của sách Thánh vịnh hình thành cả trong phụng vụ Đền thờ và trong tâm hồn con người” (n. 2588).
Lời cầu nguyện xuất phát từ bóng giáo đường, đến các đường phố
Theo cách này, Đức Thánh Cha khẳng định: lời cầu nguyện cá nhân xuất phát từ và được nuôi dưỡng trước hết bằng lời cầu nguyện của dân Israel, sau đó là lời cầu nguyện của Giáo hội. Ngay cả những Thánh vịnh ở ngôi thứ nhất số ít, bày tỏ những suy tư và vấn đề sâu kín nhất của một cá nhân, cũng là một gia sản tập thể, đến mức chúng được mọi người cầu nguyện và cầu nguyện cho mọi người.
Lời cầu nguyện của Kitô hữu có “hơi thở” này, “sự căng thẳng” tâm linh này liên kết đền thờ và thế giới lại với nhau. Lời cầu nguyện có thể bắt đầu trong bóng tối của nhà thờ, nhưng sẽ kết thúc trên đường phố thành phố. Và ngược lại, nó có thể nảy sinh trong các hoạt động hàng ngày và đạt đến sự hoàn thiện trong phụng vụ. Cửa nhà thờ không phải là rào cản, mà là các “màng” thấm nước, sẵn sàng đón nhận tiếng kêu than của mọi người.
Cầu nguyện cho người nghèo
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Thế giới luôn hiện diện trong lời cầu nguyện được tìm thấy trong sách Thánh vịnh. Ví dụ, các Thánh vịnh nói lên lời hứa cứu độ của Thiên Chúa dành cho những người yếu đuối nhất: “Chúa phán: ‘Trước cảnh người nghèo bị áp bức, kẻ khốn cùng rên siết thở than, giờ đây Ta đứng dậy, ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ.” (12,6). Hoặc các Thánh vịnh cảnh báo về nguy hiểm của sự giàu sang thế gian bởi vì “dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (49,21). Hoặc chúng cho thấy cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử: “Chúa đảo lộn chương trình muôn nước, Người phá tan ý định chư dân. Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn.” (33,10-11).
Không thể cầu nguyện với Thiên Chúa mà không yêu thương anh em
Đức Thánh Cha kết luận: Tóm lại, ở đâu có Thượng đế, thì con người cũng phải ở đó. Sách Thánh phân loại: “Chúng ta yêu thương, vì Người đã yêu chúng ta trước. Nếu ai nói, ‘tôi yêu Chúa’ và ghét anh em mình, thì người đó là kẻ nói dối; vì ai không yêu anh em người mình nhìn thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa là Đấng họ không nhìn thấy”. Nếu bạn đọc nhiều Kinh Mân Côi mỗi ngày nhưng lại nói xấu người khác, lại mang lòng giận dữ, thù ghét người khác, thì đây là giả dối, không phải là chân lý. “Và chúng tôi nhận điều răn này từ Người, đó là ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải yêu thương anh em mình.” (1Ga 4,19-21).
Vô thần thực hành: Không nhận ra tha nhân là hình ảnh Thiên Chúa
Kinh Thánh nhìn nhận trường hợp một người dù thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng không bao giờ gặp được Người; Kinh Thánh cũng khẳng định rằng không bao giờ được chối bỏ nước mắt của người nghèo, nếu không sẽ không gặp được Thiên Chúa. Thiên Chúa không ủng hộ chủ nghĩa “vô thần” của những người phủ nhận hình ảnh Thiên Chúa đã in sâu trong mỗi con người. Thái độ vô thần đó có ở mọi thời đại: tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi xa lánh tha nhân và tôi cho phép mình thù ghét người khác. Đây là vô thần thực hành. Không nhận ra con người là hình ảnh Thiên Chúa thì đó là một sự phạm thánh, một sự ô uế, một hành vi xúc phạm tồi tệ nhất mà người ta có thể làm đối với đền thờ và bàn thờ.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc rằng lời cầu nguyện trong các Thánh vịnh giúp chúng ta không rơi vào sự cám dỗ của “kẻ gian ác”, nghĩa là sống, và có lẽ cầu nguyện, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và như thể người nghèo không tồn tại.