27/12/2024

Mỗi năm Việt Nam vẫn mất hơn 2.500 ha rừng

Mỗi năm Việt Nam vẫn mất hơn 2.500 ha rừng

Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri nhiều địa phương yêu cầu phải có các biện pháp hiệu quả hơn nữa để bảo vệ rừng, đặc biệt trước những biến đổi khắc nghiệt của khí hậu hiện nay.
Mưa lũ nghiêm trọng ở miền Trung khiến cử tri càng sốt ruột về bảo vệ thiên nhiên, môi trường /// Ảnh Trương Quang Nam
Mưa lũ nghiêm trọng ở miền Trung khiến cử tri càng sốt ruột về bảo vệ thiên nhiên, môi trường  ẢNH TRƯƠNG QUANG NAM

Số vụ phá rừng giảm một nửa nhưng diện tích rừng mất đi chỉ giảm 11%

Cụ thể, theo thống kê kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 9 của Ban Dân nguyện Quốc hội, cử tri tỉnh Long An kiến nghị tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý thật nghiêm các hành vi chặt phá rừng tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trả lời kiến nghị này, Bộ NN-PTNT khẳng định, trong những năm qua, việc quản lý, bảo vệ rừng đã “nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương” và số vụ vi phạm về lâm nghiệp đã giảm rõ rệt.
Bộ Nn-PTNT đưa ra con số minh họa cho thấy, nếu năm 2017 xảy ra 16.531 vụ vi phạm, năm 2018 xảy ra 12.954 vụ thì năm 2019 xảy ra 10.731 vụ vi phạm, giảm 2.223 vụ (17%) so với cùng kỳ năm 2018.
Về cơ bản, các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô, theo Bộ NN-PTNT.
Tuy vậy, Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là người dân thiếu đất sản xuất; di dân tự do; chuyển đất rừng sang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp; khai thác gỗ tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý.
Có tâm tư tương tự, cử tri tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt nâng cao trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, kịp thời ngăn chặn từ đầu các vụ án phá rừng, tránh tình trạng như thời gian qua khi các cơ quan báo chí phát hiện vụ việc, thì lực lượng chức năng mới có mặt để xử lý vi phạm.
Trả lời ý kiến này, Bộ NN-PTNT cho biết, từ năm 2019 đến nay, Bộ đã phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra cao điểm thuộc các tỉnh Tây nguyên, xử lý 8 vụ phạm pháp nghiêm trọng về quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có 2 vụ tại Gia Lai.
Riêng 6 tháng đầu năm 2020, kiểm lâm các tỉnh Tây nguyên đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 1.779 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 58 vụ (3,4%) so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện rừng Việt Nam còn bao nhiêu?

Báo cáo kết quả giai đoạn 2016 – 2020, Bộ NN-PTNT cho biết tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng qua các năm, bình quân tăng khoảng 0,2%/năm. Ước tính năm 2020 đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra là 42%. Thống kê đến năm 2019 của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết Việt Nam còn khoảng 14,45 triệu ha rừng.
Về bảo tồn đa dạng sinh học, cả nước có 164 khu rừng đặc dụng với 30 vườn quốc gia, 69 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học với tổng diện tích trên 2 triệu ha.
Năm 2019 số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng là 10.731 vụ và diện tích rừng bị thiệt hại 2.575 ha, dù giảm hơn 50% về số vụ (giảm 10.923 vụ) so với 2015, nhưng số diện tích thiệt hại chỉ giảm có 11,9% (giảm 349 ha).
8 tháng năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.881,1 ha, trong đó, thiệt hại do cháy là 1.362,9 ha.
Sau 6 năm, đã có kết quả xử lý cán bộ chịu trách nhiệm về việc cho phá rừng khộp, rừng nghèo trồng cao su
Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ NN-PTNT kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân đã thẩm tra, đánh giá tác động môi trường, đồng ý phê duyệt dự án cho phép phá rừng khộp, rừng nghèo trồng cây cao su, khiến khu vực miền núi cả nước đều trồng cao su và hiện nay để lại hậu quả môi trường không thể khắc phục, bởi hàng nghìn héc ta cao su không đạt hiệu quả và hàng nghìn héc ta đất đang bị để trống, “hậu quả lãng phí thua lỗ cũng không kém các dự án nghìn tỉ…”.
Bộ NN-PTNT cho biết, từ năm 2011, Thủ tướng đã yêu cầu tạm dừng các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên. Theo đó, năm 2013, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng về kết quả rà soát các dự án trên địa bàn khu vực Tây nguyên, trong đó đề nghị các tỉnh không tiếp tục triển khai các dự án mới (trong đó có các dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp) để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Về kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm trong việc chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, ngày 19.11.2014 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra một số sai phạm trong quá trình thực hiện việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su và xác định trách nhiệm thuộc về thường trực UBND tỉnh, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, các ngành chuyên môn và UBND các huyện của tỉnh Gia Lai.
Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm trên.
Sau 6 năm, ngày 8.5.2020 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai mới có báo cáo số 51/BC-UBND kết quả xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
VŨ HÂN
TNO