09/01/2025

ĐTC Phanxicô (18/10): Mỗi người đều mắc nợ về sự hiện hữu của mình

ĐTC Phanxicô (18/10): Mỗi người đều mắc nợ về sự hiện hữu của mình

Trưa Chúa Nhật 18/10, ĐTC đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với rất đông các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ĐTC đã có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu dựa trên bài Tin Mừng Chúa Nhật 29 thường niên.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mt 22,15-21) cho chúng ta thấy Chúa Giêsu phải đối diện với thói đạo đức giả của những kẻ thù nghịch với Người. Lúc đầu thì dành cho Ngài nhiều lời khen nhưng sau đó họ lại hỏi một câu gài bẫy, gây khó khăn cho Ngài và làm cho Ngài mất uy tín trước dân chúng. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (câu 17). Vào thời đó, đế quốc Roma thống trị vùng Palestine. Đối với dân chúng, việc sùng bái hoàng đế, cũng được thể hiện qua hình ảnh của hoàng đế trên đồng tiền, là một sự xúc phạm đối với Thiên Chúa của Israel.

Những người chất vấn Chúa Giê-su tin chắc rằng không có một cách trả lời nào khác cho câu hỏi của họ ngoài “có” hoặc “không”. Họ chờ đợi, bởi vì với câu hỏi này, họ chắc chắn đã dồn Chúa Giê-su vào chân tường và khiến Ngài rơi vào bẫy. Nhưng Ngài biết được ác ý của họ và đã thoát khỏi cạm bẫy. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem đồng tiền, đồng tiền nộp thuế. Ngài cầm đồng tiền trên tay và hỏi ai là hình ảnh được in trên đồng tiền. Người ta trả lời, đó là của Xê-da, tức là, hoàng đế. Rồi Chúa Giêsu đáp: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (câu 21).

Với câu trả lời này, Chúa Giê-su vượt lên trên cuộc tranh luận. Một mặt, Ngài công nhận rằng phải nộp thuế cho Xêda – cũng như đối với tất cả chúng ta, thuế thì phải nộp – vì hình ảnh trên đồng tiền là của hoàng đế; nhưng trên tất cả, hãy nhớ rằng mỗi người mang trong mình một hình ảnh khác, mà chúng ta mang trong trái tim, trong linh hồn, đó là hình ảnh của Thiên Chúa, và do đó nó thuộc về Ngài, và chỉ thuộc về Ngài, như thế mỗi người đều mắc nợ về sự hiện hữu của mình, về sự sống của chính mình.

Trong câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ tìm thấy tiêu chuẩn phân biệt giữa lĩnh vực chính trị và tôn giáo, mà còn có những hướng dẫn rõ ràng cho sứ mạng của các tín hữu trong mọi thời đại, ngay cả đối với chúng ta ngày nay. Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân, cũng như tuân thủ luật pháp của nhà nước. Đồng thời, cần khẳng định quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống con người và trong lịch sử, tôn trọng quyền của Thiên Chúa đối với những gì thuộc về Ngài.

Do đó, sứ mạng của Giáo Hội và của các Kitô hữu là nói về Thiên Chúa và làm chứng về Ngài cho những người nam nữ trong thời đại của mình. Mỗi người chúng ta, nhờ Bí tích Rửa tội, được mời gọi trở thành một sự hiện diện sống động trong xã hội, làm cho nó sống động bằng Tin Mừng và bằng nhựa sống của Chúa Thánh Thần. Đó là việc dấn thân với lòng khiêm nhường và với lòng can đảm, góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu, nơi công lý và tình huynh đệ ngự trị.

Xin Đức Maria rất thánh giúp tất cả chúng ta thoát khỏi mọi thói đạo đức giả và trở thành những công dân chân thực và xây dựng. Và xin Mẹ nâng đỡ chúng ta là những môn đệ của Chúa Kitô trong sứ mạng làm chứng rằng Thiên Chúa là trung tâm và ý nghĩa của cuộc sống.

Văn Yên, SJ