Chúa Nhật, 18.10.2020
Trần Thế, Nước Trời?

“Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21).

Chúa Nhật, 18.10.2020
Trần Thế, Nước Trời?

Chúa Nhật tuần XXIX Mùa Thường Niên

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Is 45,1.4-6 • Tv 95,1 và 3.4-5.7-8.9-10a và c • 1 Tx 1,1-5b • Mt 22,15-21

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

Sống Lời Chúa:

“Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21).

Trần Thế, Nước Trời?

Câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu là chìa khoá giúp chúng ta giải đáp vấn nạn muôn thuở về mối tương quan giữa trần thế và Nước Trời. Lịch sử cho thấy có những thời kỳ mà thế quyền lấn át thần quyền, hoặc ngược lại giáo quyền lấn át chính quyền dân sự, gây ra bao tranh chấp, xung đột.

Con người gồm xác và hồn. Xác thể thì gắn với đất, chịu sự chi phối của chính quyền dân sự, còn hồn thiêng thì hướng lên trời và thuộc về Thiên Chúa. Làm thế nào để có thể sống hài hoà hai thực tại khác biệt này?

Thứ nhất: Hoà hợp. Mỗi người chịu trách nhiệm cá nhân về cuộc sống hữu hạn ở trần thế cũng như vĩnh cửu trên Nước Trời. Kitô hữu xây dựng xã hội nhưng không quên kiến tạo nước trời, chu toàn cả hai nghĩa vụ với xã hội và Thiên Chúa. Bạn sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 17,16), làm sao để hai thực thể này không đối kháng mà bổ túc hoà hợp, như hình ảnh người có hai vai, mỗi vai một gánh.

Thứ hai: Tôn trọng. Mỗi bên có những lãnh vực và giá trị riêng, nên cần tôn trọng nhau. Là công dân trần thế, người tín hữu cần phải xây dựng đất nước, hầu đem lại công ích cho mọi người. Thư Rôma dạy phải tuân phục nhà cầm quyền (Rm 13,1), dĩ nhiên là trong những điều chính đáng! Trong thời gian dịch Covid-19, khi nhà nước ban hành qui định giãn cách mọi hoạt động công cộng để tránh dịch bệnh lây lan, thì các tôn giáo phải tuân theo mà ngưng các sinh hoạt tập trung.

Thứ ba: Ưu thế Nước Trời. Nước Trời vì vĩnh cửu và hoàn hảo nên giá trị hơn nước trần gian, vốn hữu hạn và tương đối. Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu, quyền năng, và yêu thương muôn đời muốn cho mọi người dự phần vào cuộc sống viên mãn Nước Trời. Còn ở trần gian, chẳng thể chế chính trị nào trường tồn bất diệt, không vị thủ lãnh nào như Thiên Chúa cả. Chúa Giêsu dạy “Tiên vàn, hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6,33). Kitô hữu không chê chối những giá trị trần thế để chăm chú nhìn về Trời, nhưng là tìm Nước Trời ngay từ cuộc sống này: “Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng bỡ ngỡ nhìn trời…!” (Cv 1,11).

Bạn thân mến, hãy sống thế nào để đạt được hạnh phúc hữu hạn đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Đừng để được đời này, mất đời sau! Như thế bạn mới là Kitô hữu khôn ngoan đích thực.

+ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Phong

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam