24/11/2024

TP.HCM ‘tổng tấn công’ rác thải

TP.HCM ‘tổng tấn công’ rác thải

TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp từ thu gom đến vận chuyển, xử lý để giải quyết “vấn nạn” rác thải, ô nhiễm môi trường.
TP.HCM bắt đầu thí điểm máy gom rác công nghệ mới /// H.MAI
TP.HCM bắt đầu thí điểm máy gom rác công nghệ mới H.MAI

Sức người vớt rác không xuể

Mạng lưới sông, kênh, rạch của TP.HCM phân bố trên toàn địa bàn, nhưng mọi nỗ lực phát triển du lịch đường sông và giao thông đường thủy đặt ra trong nhiều năm qua đều thất bại. Một trong những nguyên nhân chính là rác thải gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Từ những dòng kênh lớn đang thực hiện nhiệm vụ giao thông thủy, du lịch đường sông cho tới những con rạch nhỏ len lỏi trong khu dân cư… đâu đâu cũng khốn khổ vì rác.
Vận động mãi, xử phạt mãi nhưng đâu lại vào đó, việc người dân xả rác bừa bãi đã trở thành “vấn nạn” của TP.HCM. Để tạm thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian qua, từ các sở, ngành cùng từng địa phương phải thường xuyên tổ chức nhiều chương trình vớt rác trên sông, kênh, rạch, đặc biệt trên các tuyến đang được triển khai nhiều hệ thống giao thông thủy như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Lò Gốm, kênh Đôi, kênh Tẻ. Mỗi đợt vớt rác, hình ảnh những người công nhân đầm mình dưới dòng kênh rác hoặc ngồi trên xuồng với cây vợt bé xíu cặm cụi thu lượm từng chút rác trên sông… khiến không ít người lắc đầu cám cảnh. Đáng nói, chỉ khoảng 1 tháng sau, rác thải lại tiếp tục tràn ngập, lấp kín lòng sông, lòng kênh. Điển hình như Mương A41 (đoạn chảy qua khu dân cư P.4, Q.Tân Bình), kênh Hy Vọng đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình) hay rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, đoạn từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)… dù có mặt ngay sau khi các địa phương vừa tổ chức đợt vớt rác, nạo vét, tình trạng nước thải, mùi hôi thối hoặc lềnh bềnh hộp xốp, túi nhựa vẫn liên tục diễn ra.
Trước thực trạng đó, mới đây Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức thí điểm thực hiện công tác vớt, thu gom rác trên sông Vàm Thuật – Bến Cát, sử dụng bộ thiết bị hiện đại với công nghệ mới, do Công ty CP công trình giao thông Sài Gòn trực tiếp nghiên cứu, thực hiện. Một tổ hợp vớt rác công nghệ mới bao gồm 5 thiết bị, kết hợp giữa 2 máy gom rác nhập khẩu từ Mỹ và 3 thiết bị do đội ngũ kỹ sư của Việt Nam phát triển, tổng giá trị khoảng 20 tỉ đồng. Cụ thể, các tàu thu gom rác với sải tay 12 m sẽ chạy trên luồng chính, thu gom tự động, chứa rác ở khoang phía sau có hệ thống nén để tiết kiệm diện tích. Sau khi đầy khoang chứa, thiết bị gắp rác sẽ gắp từ máy gom qua sà lan chứa rồi vận chuyển vào khu vực thu gom tập trung trên bờ. Sau đó, các công ty công ích của quận, huyện sẽ thu gom rác về các điểm tập trung để xử lý. Trung bình mỗi ca, tổ hợp thiết bị này có thể vớt được trên 40 tấn rác. Đồng thời có thể thu gom được lượng rác sát bờ mà trước đây không thể thu gom bằng phương pháp thủ công.
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT), đánh giá từ trước đến nay việc vớt, thu gom rác thường được thực hiện theo hình thức thủ công, với những thiết bị thủ công, đơn sơ nên hiệu quả còn thấp, chưa được như mong muốn. “Trước mắt, Sở GTVT đang tham mưu cho UBND TP ứng dụng thử nghiệm bộ thiết bị vớt rác công nghệ trong 2 tháng 11 và 12, tập trung trên các tuyến giao thông thủy. Nếu hiệu quả, Sở sẽ đề xuất tiếp tục triển khai đại trà trên các tuyến sông, kênh, rạch của TP. Tất nhiên việc thu gom rác hiệu quả chỉ giải quyết tốt phần “ngọn”. Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 19 của UBND TP: không xả rác trên sông, kênh, rạch để bảo vệ môi trường”, ông Sơn thông tin.

Cần quản lý đồng bộ các dây gom rác

Thực tế hiện nay, việc thu gom rác tại TP.HCM có rất nhiều bất cập nên người dân có thói quen để rác tràn lan ra đường. Thậm chí, miệng các hố thu nước nghiễm nhiên trở thành các bãi tập kết rác. Mưa xuống, rác thải, túi ni lông cứ thế trôi thẳng vào các cống thoát nước, là một trong những nguyên nhân chính khiến đường sá ngập lụt nặng nề. Chưa kể những người thu gom ve chai có thói quen lục trong các túi rác, rồi vật nuôi bới tung thêm, ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.
Theo số liệu của Sở TN-MT TP.HCM, mỗi ngày toàn TP có gần 10.000 tấn rác thải cần xử lý. Trong đó, rác thải sinh hoạt là khoảng 9.200 tấn, còn lại là rác thải công nghiệp, rác thải y tế.
GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường – Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng hiện nay có đến hơn 60% rác được thu gom do dân lập. Những dây gom rác này chủ yếu thu gom, vận chuyển tùy tiện bằng nhiều loại phương tiện, có khi treo lủng lẳng hoặc kéo lê túi rác sau xe, vừa gây mùi hôi, vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Do đó, để việc thu gom rác hiệu quả, cần quản lý đồng bộ các dây gom rác dân lập và nhà nước.
“Thời đại 4.0, khâu quản lý, tổ chức khoa học, bài bản cũng cần có sự tham gia của công nghệ. Phải kết hợp hiện đại hóa, tự động hóa trong tất cả các khâu từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải. Dịch vụ thu gom rác nếu chi phí cao hơn thì phải thật sự hiệu quả để người dân thấy họ đóng tiền cao hơn nhưng bù lại nhận được chất lượng cuộc sống tốt hơn”, ông Bá nói.

Thu gom rác theo cơ chế thị trường

Mới đây, UBND TP.HCM đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận – huyện hoặc đơn vị trúng thầu cung ứng dịch vụ quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận – huyện xây dựng đề án, tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh.
Cụ thể, xây dựng phương thức tổ chức thu gom tại nguồn; xác định địa điểm tại địa phương để thiết lập điểm tập kết tiếp nhận và xử lý sơ bộ (tháo rã, giảm thể tích…) các loại chất thải rắn cồng kềnh theo cơ chế thị trường. Nghĩa là người dân tự thỏa thuận chi phí để cung cấp dịch vụ thu gom tại nguồn đối với loại chất thải này. Đồng thời, tăng cường tái sử dụng và tái chế các loại chất thải rắn cồng kềnh đã tiếp nhận, các thành phần không thể tái sử dụng, tái chế được vận chuyển đến các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP để xử lý.
Bên cạnh đó, UBND quận, huyện có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ quét dọn, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định vị trí để thiết lập điểm tập kết tiếp nhận, xử lý sơ bộ chất thải rắn cồng kềnh.
Các điểm tập kết này được xem là điểm hẹn hoặc trạm trung chuyển để đưa vào lộ trình thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong nội dung đấu thầu, đặt hàng cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận – huyện.
Chi phí vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh từ điểm hẹn hoặc từ trạm trung chuyển hoặc điểm tập kết chất thải rắn cồng kềnh về các khu xử lý được ngân sách chi trả theo hợp đồng đấu thầu hoặc đặt hàng cung ứng dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Để tổ chức khâu thu gom rác, cần có sự phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý, đơn vị thu gom và người dân. Có quy định rõ ràng, phân chia theo từng vùng. Khu vực này sẽ thực hiện thu gom rác vào ngày này, trong khung giờ từ bao nhiêu đến bao nhiêu. Người dân bỏ rác sớm hơn hay muộn hơn, ngoài khung giờ quy định sẽ phải đóng phạt. Ngược lại, đơn vị thu gom không đến đúng giờ cũng sẽ phải có chế tài xử phạt.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ,
Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
HÀ MAI
TNO