Chúa Nhật XXVIII TN A 2020: Xây dựng Nước Trời
Người Công giáo thường được nghe giảng về Nước Trời. Nhưng từ “Trời” dễ khiến người tín hữu hiểu lầm là nước ở trên trời, hay là nước thiên đàng sau khi chết. Chính vì hiểu lầm như thế nên nhiều người không biết giải thích thế nào về bữa tiệc trên núi trong Bài đọc I (x. Is 26,6-10), hay tiệc cưới của hoàng tử trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 22,1-14)
Chúa Nhật XXVIII TN A 2020
Xây dựng Nước Trời
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Người Công giáo thường được nghe giảng về Nước Trời. Nhưng từ “Trời” dễ khiến người tín hữu hiểu lầm là nước ở trên trời, hay là nước thiên đàng sau khi chết. Chính vì hiểu lầm như thế nên nhiều người không biết giải thích thế nào về bữa tiệc trên núi trong Bài đọc I (x. Is 26,6-10), hay tiệc cưới của hoàng tử trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 22,1-14), và họ có những thái độ gọi là lãnh đạm đối với việc xây dựng Nước Trời hay những giá trị của Đức Kitô ở trần gian. Vì thế, chúng ta dành ít phút để tìm hiểu về nước của Thiên Chúa và ý nghĩa dụ ngôn bữa tiệc trong các bài Thánh Kinh.
1. Ý nghĩa về Nước Trời
Chúa Giêsu dùng nhiều dụ ngôn để giảng về Nước Trời: Nước Trời giống như hạt cải, Nước Trời giống như mười cô trinh nữ, Nước Trời giống như vua kia mở tiệc cưới cho con mình… Vì là người Do Thái, Đức Giêsu dùng từ Nước Trời với ý nghĩa là Nước Thiên Chúa hay vương quốc của Thiên Chúa, bởi vì người Do Thái không dám kêu tên trực tiếp “Thiên Chúa” để tránh phạm huý, nên dùng từ “Trời”. Vì thế nên chúng ta thấy, ngoại trừ Tin Mừng theo thánh Matthêu viết cho người Do Thái dùng từ “Nước Trời”, còn ba Tin Mừng theo thánh Marcô, Luca, Gioan đều dùng từ “Nước Thiên Chúa” hay “Vương quốc Thiên Chúa” vì các ngài viết cho lương dân, không kiêng cữ như người Do Thái.
Nói tới Nước Thiên Chúa, hay vương quốc Thiên Chúa, là người ta nghĩ tới một vùng đất, một lãnh thổ như nước Việt Nam, vương quốc Anh… trong đó có một hay nhiều dân tộc sống chung trong một chế độ chính trị, có chính quyền hay vua cai trị, có luật pháp chi phối, có những giá trị đặc biệt của dân tộc đó. Nhưng, Đức Giêsu đã nói cho chúng ta rằng: “Nước Thiên Chúa không phải là chỗ này hay chỗ kia, mà đang ở giữa anh chị em” (x. Lc 17,21). Điều đó có nghĩa: Nước Thiên Chúa chính là Đức Giêsu và những giá trị cao cả mà Người mang đến cho nhân loại. Thánh Phaolô cũng nhắc đến Thiên Chúa là vua và Đức Giêsu là vua hiển trị mọi dân tộc cho đến muôn đời. “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là công lý, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần (x. Rm 14,17).
ĐGH Bênêđictô XVI đã nói: “Giáo Hội hiện hữu để thế giới có được một nơi dành cho Thiên Chúa cư ngụ và thế gian này có thể hoá thành vương quốc Thiên Chúa”. ĐTC Phanxicô nói cho chúng ta rằng: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, vương quốc của Thiên Chúa đã thật sự khởi đầu ở thế gian. Bất cứ nơi đâu các bí tích được cử hành, thì thế giới cũ của tội lỗi và sự chết bị đánh bại đến tận cội rễ của nó và thế giới cũ được biến đổi. Một công trình sáng tạo đang thành hình và vương quốc của Thiên Chúa trở nên hữu hình. Tuy nhiên, nếu các Kitô hữu không chuyển đổi sự sống mới, đã được ban tặng cho họ, thành hành động đích thực, thì các bí tích sẽ chỉ là những dấu chỉ trống rỗng. Một người không thể nào đến nhà thờ đón nhận Thánh Thể, mà đồng thời lại chối từ không cho kẻ khác bánh ăn hằng ngày. Các bí tích đòi hỏi chúng ta một tình yêu sẵn sàng ra khỏi chính mình để đi đến vùng ngoại vi, không chỉ về mặt địa lý, mà còn về mặt hiện sinh, nghĩa là đến với những con người đang bị chi phối bởi mầu nhiệm của tội lỗi, của nỗi đau, của bất công, dốt nát, của sự dửng dưng tôn giáo, của những trào lưu tư tưởng và mọi hình thức nghèo khổ”. Đây là bài diễn văn mà ĐHY Bergoglio trước thời điểm mật tuyển viện năm 2013 (x. Docat, số 21). Chính vì bài diễn văn này mà các hồng y đã bầu ngài làm giáo hoàng.
Như thế, Nước Trời không phải là một nơi chốn hay một ân huệ mà con người đón nhận cách thụ động sau khi chết, nhưng là một tình trạng sống cần phải được tín hữu tích cực thực hiện ngay trong cuộc đời trần thế. Nước Trời gồm những giá trị văn hoá cao quý tột điểm, mà Đức Giêsu thực hiện và chuyển giao cho chúng ta: đó là sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa Ba Ngôi, là sự sống kỳ diệu, là con đường tình yêu, là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử để biến đổi con người, là sự cứu độ trọn vẹn của con người và vũ trụ… Tất cả những giá trị ấy đều là chất liệu để xây dựng một nền văn hoá cao cả nhất cho muôn loài, mà mỗi người chúng ta phải bắt đầu ngay từ hôm nay trong đời sống trần thế của mình.
2. Dụ ngôn bữa tiệc
Khi hiểu Nước Trời như thế, ta mới dễ dàng hiểu được ý nghĩa bữa tiệc, mà các bài Kinh Thánh vừa nói cho ta. Nếu đọc kỹ dụ ngôn Tin Mừng, ta thấy có nhiều điểm khác thường:
– Trước hết, những quan khách được mời hết sức dửng dưng với bữa tiệc của vua. Sau nhiều lần vua sai đầy tớ đến kêu mời, họ chỉ lo công việc riêng tư của mình, bỏ không tham dự vì những lý do không chính đáng: người thì đi thăm nông trại, kẻ thì đi buôn.
– Hơn nữa, bữa tiệc có quá nhiều máu đổ: một số quan khách được mời đã bắt các đầy tớ, hành hạ và giết chết. Nhà vua cũng trả đũa bằng cách sai quân lính đi tru diệt bọn sát nhân và thiêu huỷ thành phố của chúng. Vậy ta tự hỏi: nếu Thiên Chúa mời dự mà ta không đến thì Ngài có giết ta không?
– Rồi, vua mở rộng bữa tiệc cho tất cả những kẻ qua đường, bất luận tốt xấu. Chúng ta hỏi: tại sao nhà vua lại thực hiện điều đó? Có phải để dạy cho quan khách được mời lần đầu hiểu được lòng thương xót vô bờ của ông, hay ông không muốn bỏ phí những thức ăn đã dọn sẵn?
– Điểm cuối cùng còn lạ hơn cả vì khi vào quan sát khách dự tiệc, ông thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Ông hỏi thì người đó im lặng không trả lời, nên ông tức giận, sai đầy tớ trói chân tay hắn lại, ném vào nơi tối tăm, ở đó phải khóc lóc nghiến răng. Kiểu hành xử như thế này thật quá đáng! Tự nhiên người ta đang đi ngoài đường, bị lôi vào dự tiệc, rồi lại bảo không mặc y phục lễ cưới! Có vài nhà Thánh Kinh giải thích rằng vua đã treo sẵn y phục, khách đến lấy mặc rồi ngồi vào bàn ăn. Nhưng dân tộc Do Thái không có thói quen đó.
Vậy tất cả những điểm bất thường trên có ý nghĩa gì đối với Nước Trời và với những giá trị mà ta cần phải xây dựng?
+ Trước hết, khách mời dửng dưng với Nước Thiên Chúa không phải chỉ là người Do Thái, thượng tế, kỳ mục, mà họ có mặt trong mọi thời đại, có thể là chính chúng ta. Người ta mải mê tìm kiếm những bất động sản, ruộng vườn, đất cát. Thậm chí nhiều linh mục chúng tôi lo đi kiếm đất mới để lập dòng, lập xứ, xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý… Chúng ta nghĩ vậy là làm sáng danh Chúa, mở mang Nước Trời! Nhiều người dồn mọi công sức để buôn bán mà không để ý đến vinh quang, danh dự, vương quyền và những giá trị của Nước Thiên Chúa.
Tất cả đều đã nghe lời nhắc bảo của các tiên tri, của những bạn bè được Chúa gửi đến. Nhưng rất nhiều khi ta coi thường các sứ giả ấy, thậm chí còn nhục mạ, giết hại họ khi họ ngăn cản những việc ác đức ta làm. Kết quả là máu đã đổ. Tuy nhiên chết chóc do bàn tiệc không phải bắt nguồn từ Thiên Chúa mà là từ con người, khi con người từ chối Nước Thiên Chúa, từ chối Đức Giêsu, từ chối những giá trị của sự thật, sự sống, tình yêu, bình an mà Người mang đến. Con người đương nhiên phải chết, phải mất tất cả và trở thành tàn ác với nhau.
+ Tiên tri Isaia đã nhắc: “Thiên Chúa sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, Ngài sẽ lau khô dòng lệ trên mọi khuôn mặt, Ngài sẽ cất chiếc khăn tang bao trùm muôn dân và vĩnh viễn tiêu diệt tử thần”. Đó là ý nghĩa của bữa tiệc Nước Trời.
+ Chúa mở rộng bữa tiệc cho muôn dân, bất luận tốt xấu, vì Ngài đã gửi đứa Con Một của Ngài đến để cứu độ mọi người, giải thoát tất cả chúng ta. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, mỗi người cần có y phục lễ cưới. Y phục đó được thánh Phaolô giải thích: chúng ta hãy “mặc lấy Đức Kitô” (x. Gl 3,25), mặc lấy những tâm tình của Người (x. Cl 3, 7-15).
Lời kết
Khi đó ta mới cảm nhận được Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta và những giá trị Nước Trời được ta thực hiện trong đời sống của mình, nhờ được Thánh Thần nâng đỡ, để ta trở thành chứng nhân Nước Trời trong thế giới hôm nay.
HKK