26/12/2024

ĐTC tiếp nhóm chuyên viên đánh giá các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

ĐTC tiếp nhóm chuyên viên đánh giá các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố

(Vatican Media)

Trong buổi tiếp kiến dành cho nhóm chuyên viên của Châu Âu đánh giá các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hôm 8/10, Đức Thánh Cha nhận định rằng minh bạch tài chính, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là thực thi nguyên tắc “tiền bạc phục vụ chứ không cai trị con người”. Ngài nêu bật sự cần thiết của nền kinh tế trong sạch để phục vụ con người, nhất là những người yếu đuối nhất.

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha đề cao công việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của nhóm: “Nó được kết nối chặt chẽ với việc bảo vệ sự sống, với sự chung sống hoà bình của nhân loại trên trái đất và với một nền tài chính không áp bức những người yếu đuối nhất và những người thiếu thốn.”

Sự thống trị của tiền bạc trên con người

Đức Thánh Cha nhắc lại điều ngài đã viết trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: cần suy nghĩ lại về tương quan của chúng ta với tiền bạc. Bởi vì, theo Đức Thánh Cha, có những trường hợp chúng ta chấp nhận sự thống trị của tiền bạc trên con người. Để làm giàu, người ta không quan tâm đến nguồn gốc của tiền bạc, không quan tâm đến các hoạt động hay tính hợp pháp của việc làm giàu, hay cách lý luận bóc lột. Ngài nói rằng trong một vài lĩnh vực “người ta đụng đến tiền và người ta làm cho đôi bàn tay vấy máu, máu của anh em”.

Dùng các nguồn lực để phát triển con người thay vì gieo sợ hãi

Trong Thông điệp Tất cả anh em, Đức Thánh Cha đề nghị “thay vì đầu tư vào nỗi sợ hãi, vào các mối đe doạ hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, những nguồn lực này nên được sử dụng ‘để xoá hoàn toàn đói kém và cho sự phát triển của các nước nghèo hơn, để cư dân của họ không sử dụng các giải pháp bạo lực hoặc lừa đảo và không bị buộc phải từ bỏ quốc gia của họ để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn’.” (số 262).

Tiền bạc phải phục vụ và không cai trị!

Đức Thánh Cha cũng lên án sự sai lạc của “giáo điều” tự do mới, theo đó, các quy luật kinh tế và luân lý tách rời nhau, độc lập với nhau. Ngài gọi đó là một phiên bản “thờ bò vàng” mới của nền kinh tế không có mục đích nhân bản. Khi đó, tiền bạc không phục vụ chúng ta nhưng chúng ta phục vụ tiền bạc. Chúng ta được mời gọi đề xuất lại trật tự hợp lý của những điều đưa đến công ích, theo đó “tiền bạc phải phục vụ và không cai trị!”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khẳng định rằng để thực hiện các nguyên tắc này, Vatican đã thực hiện một số biện pháp về tính minh bạch trong quản lý tiền và chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. (CSR_7305_2020)

Hồng Thuỷ