24/12/2024

THÁCH ĐỐ ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM ĐỂ LÀM TÍN HỮU CÔNG DÂN

Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân là tài liệu giáo huấn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về trách nhiệm chính trị của người Công Giáo. Nó cung cấp các hướng dẫn cho tất cả những ai tìm cách thực thi quyền lợi và nghĩa vụ của mình như những công dân. Là người Công Giáo, chúng ta đem sự phong phú của đức tin của mình vào nơi công cộng. Chúng ta rút ra từ cả đức tin lẫn lý trí khi chúng ta xác quyết về phẩm giá con người và công ích cho mọi người.

THÁCH ĐỐ ĐÀO LUYỆN LƯƠNG TÂM ĐỂ LÀM TÍN HỮU CÔNG DÂN

Tài liệu ngắn này được dịch theo bản tóm lược chính thức về suy tư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân được ấn hành năm 2020 trên trang web: https://www.usccb.org/issues-and-action/faithful-citizenship/upload/The-Challenge-of-Forming- Consciences-for-Faithful-Citizenship-Part-1.pdf https://www.usccb.org/issues-and-action/faithful-citizenship/upload/The-Challenge-of-Forming-Consciences-for-Faithful-Citizenship-Part-2.pdf.

Phần I: Ơn gọi của Chúng Ta như những Công Dân Công Giáo

Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân là tài liệu giáo huấn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về trách nhiệm chính trị của người Công Giáo. Nó cung cấp các hướng dẫn cho tất cả những ai tìm cách thực thi quyền lợi và nghĩa vụ của mình như những công dân. Là người Công Giáo, chúng ta đem sự phong phú của đức tin của mình vào nơi công cộng. Chúng ta rút ra từ cả đức tin lẫn lý trí khi chúng ta xác quyết về phẩm giá con người và công ích cho mọi người.
Mọi người đang sống trên đất nước này đều được mời gọi tham gia vào đời sống công cộng và góp phần vào công ích[mfn]Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1913-15[/mfn]. Trong Thông Điệp Vui Mừng và Hân Hoan [Gaudete et exsultate], Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

Sự đồng hoá của anh chị em với Đức Kitô và ý muốn của Người liên quan đến cam kết cùng Người xây dựng một vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình phổ quát. . . . Anh chị em không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không tự mình dấn thân, bằng cả thân xác lẫn linh hồn, để cố gắng hết sức cho nỗ lực này[mfn]Gaudete et exsultate, số 25[/mfn].

Là người Công Giáo, chúng ta là phần tử của một cộng đồng với những giáo huấn sâu xa giúp chúng ta kể đến những thách đố trong đời sống công cộng, đóng góp vào nền công lý và hòa bình lớn lao hơn cho mọi người, và lượng giá các lập trường của các chính sách, các cương lĩnh của đảng phái, cùng các hứa hẹn và các hành động của các ứng cử viên theo ánh sáng Tin Mừng để giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

TẠI SAO HỘI THÁNH DẠY VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHÍNH SÁCH CÔNG CỘNG?

Nhiệm vụ của Hội Thánh phải tham gia vào việc hình thành căn tính luân lý của xã hội là một đòi buộc của đức tin chúng ta, là một phần của sứ vụ mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã trao phó cho chúng ta. Như những người có cả đức tin lẫn lý trí, người Công Giáo được Thiên Chúa mời gọi để đem chân lý vào đời sống chính trị và thực thi mệnh lệnh của Đức Kitô là “hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34).

Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền rao giảng và sống đức tin của cá nhân tín hữu cùng của các tổ chức tôn giáo, mà chính phủ không được phép can thiệp, thiên vị, hay kỳ thị. Dân luật phải nhìn nhận và bảo vệ quyền cùng nhiệm vụ tham gia vào xã hội của Hội Thánh mà không phải chối bỏ những xác tín chính về luân lý của mình. Truyền thống đa nguyên của dân tộc chúng ta được bồi dưỡng, chứ không bị đe dọa, khi các nhóm tôn giáo và những người có tín ngưỡng đưa những xác tín của họ vào đời sống công cộng. Cộng đồng Công Giáo đem vào cuộc đối thoại chính trị một khuôn mẫu luân lý kiên định và kinh nghiệm rộng rãi trong việc phục vụ những người thiếu thốn.

AI TRONG HỘI THÁNH PHẢI THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ?

Theo truyền thống Công Giáo, làm công dân có trách nhiệm là một nhân đức, và tham gia vào đời sống chính trị là một nhiệm vụ luân lý. Là người Công Giáo, chúng ta phải được hướng dẫn bởi những xác tín về luân lý của mình hơn là những ràng buộc với một đảng phái chính trị hoặc những nhóm tư lợi. Trong hoàn cảnh hiện nay, người Công Giáo có thể cảm thấy bị mất quyền về chính trị, khi cảm nhận rằng không có đảng nào hoặc rất ít ứng cử viên hoàn toàn chia sẻ quyết tâm bảo vệ sự sống và nhân phẩm của mình. Điều này không thể làm chúng ta nản lòng. Trái lại nó làm cho nhiệm vụ phải hành động của chúng ta càng thêm cấp bách hơn. Các tín hữu Công Giáo nam nữ cần phải hành động theo những nguyên tắc luân lý của Hội Thánh và phải dấn thân hơn nữa: ứng cử vào các chức vụ, hoạt động trong các đảng phái chính trị, và thông báo cho những vị đại diện dân cử biết những mối quan tâm của mình. Ngay cả những người không có thể bỏ phiếu cũng phải lên tiếng về những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của họ và công ích. Công dân trung tín là một trách nhiệm liên tục, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ trong năm bầu cử.

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO GIÚP HƯỚNG DẪN VIỆC THAM GIA CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

Theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô, “sự tiến triển trong việc xây dựng một dân trong hòa bình, công lý và tình huynh đệ lệ thuộc vào bốn nguyên tắc liên hệ đến những sự căng thẳng không ngừng có mặt trong mọi thực tại xã hội. Những nguyên tắc này được rút ra từ bốn cột trụ của học thuyết xã hội của Hội Thánh, vốn được coi là ‘những điểm tham chiếu chính yếu và cơ bản cho việc giải thích và lượng giá những hiện tượng xã hội’”[mfn]Evangelii Gaudium, s. 221[/mfn]. Bốn nguyên tắc này bao gồm phẩm giá con người, công ích, bổ trợ và đoàn kết. Cùng nhau, những nguyên tắc này cung cấp một khung sườn luân lý cho việc tham gia của người Công Giáo vào việc đẩy mạnh điều mà chúng ta gọi là “nền đạo đức kiên định về sự sống” (Sống Tin Mừng Sự Sống, số 22).

Được hiểu đúng, nền đạo đức này không coi tất cả các vấn đề như ngang hàng với nhau về luân lý; mà cũng không thu gọn giáo huấn Công Giáo vào môt hay hai vấn đề. Nó gắn chặt quyết tâm dấn thân của người Công Giáo vào việc bảo vệ sự sống con người và các quyền khác của con người, từ khi thụ thai đến lúc chết tự nhiên, trong nhiệm vụ căn bản là tôn trọng phẩm giá của mỗi con người như một người con của Thiên Chúa.

Các cử tri Công Giáo phải dùng giáo huấn của Công Giáo để điều nghiên những lập trường của các ứng cử viên về những vấn đề và cũng phải kể đến sự liêm chính, triết lý, và thành tích của các ứng cử viên. Điều quan trọng cho tất cả mọi công dân là “nhìn vượt qua chính trị đảng phái, để phân tích những bài diễn thuyết khi tranh cử một cách kỹ lưỡng, và phải chọn người lãnh đạo chính trị của họ theo nguyên tắc, chứ không theo liên hệ đảng phái hay thuần túy vì tư lợi” (HĐGMHK, Sống Tin Mừng Sự Sống, số 33). Sau đây là tóm lược của bốn nguyên tắc nhấn mạnh đến môt vài chủ đề của Giáo huấn Xã Hội Công Giáo để mọi người đặc biệt kể đến: những điều ấy bao gồm quyền lợi và các trách nhiệm của con người, tôn trọng việc làm và quyền lợi của người làm việc, chăm lo cho các thụ tạo của Thiên Chúa, và ưu tiên chọn lựa cho người nghèo và dễ bị tổn thương [mfn] Các nguyên tắc này được rút ra từ truyền thống phong phú được trình bày đầy đủ trong Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình. Muốn biết thêm chi tiết về việc chúng tôi, các giám mục Hoa Kỳ, áp dụng giáo huấn về Xã Hội Công Giáo vào những vấn đề chính sách như thế nào, xin xem www.faithfulcitizenship.org [/mfn].

Phẩm Giá Con Người

Sự sống con người là thánh thiêng vì mỗi người đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Có một giáo huấn phong phú và đa diện về phẩm giá con người được tóm tắt trong sách Tóm Lươc về Hoc Thuyết Xã Hôi của Hôi Thánh.Phải luôn hiểu con người trong sự độc đáo, không thể sao chép và không thể xâm phạm…. Điều này trước hết đòi hỏi mọi con người trên trái đất, nam cũng như nữ, không chỉ đơn thuần là phải được người khác tôn trọng, đặc biệt là các cơ quan chính trị và xã hội và các nhà lãnh đạo các cơ quan ấy, mà hơn thế nữa, điều này còn có nghĩa là mối bận tâm trước hết của mỗi người đối với người khác, và đặc biệt là mối quan tâm của các cơ quan nói trên, là phải làm sao để thăng tiến và phát triển toàn diện con người” (số 131). Sách Tóm Lược tiếp tục “Cần phải ‘coi mọi người lân cận không trừ ai như cái tôi khác của mình, trong đó trước hết phải xét tới đời sống của họ và các phương tiện cần thiết để sống xứng với phẩm giá’ (Gaudium et Spes, s. 27). Mọi chương trình chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học và văn hoá đều phải được soi sáng từ ý thức về sự ưu việt của từng con người vượt trên cả xã hội” [mfn]Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh, s. 132. Tóm lược này chỉ trình bày một số điều được nhấn mạnh trong việc nói về con người trong Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh. Xem bàn luận đầy đủ hơn ở các số 124-159 ở đó nhiều bình diện quan trọng hơn về nhân phẩm được bàn đến. 6 Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh.[/mfn].

Nguyên Tắc Bổ Trợ

Không thể tích cực thăng tiến phẩm giá con người nếu không tỏ ra quan tâm đến gia đình, các nhóm, các đoàn thể, và các thực tại địa phương – tóm lại là đến các cộng đồng kinh tế, xã hội, văn hóa, giải trí, nghề nghiệp và chính trị mà trong đó con người tự nguyện dấn thân vào và giúp họ có khả năng đạt được sự phát triển xã hội [mfn]Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh, s. 185.[/mfn]. Gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và dưỡng dục con cái không thể được tái định nghĩa, bị xoi mòn, hay chối bỏ. Nâng đỡ các gia đình phải là một ưu tiên cho các chính sách kinh tế và xã hội. Cách tổ chức xã hội của chúng ta – về kinh tế và chính trị, luật pháp và chính sách công cộng — ảnh hưởng đến hạnh phúc của các cá nhân và xã hội. Mọi người và đoàn thể đều có quyền và nhiệm vụ tham gia vào việc uốn nắn xã hội để thăng tiến phúc lợi của cá nhân và công ích.

Nguyên tắc bổ trợ nhắc nhở chúng ta rẳng các cơ chế lớn hơn không được lấn áp hay can thiệp vào các cơ chế địa phương hoặc nhỏ hơn; nhưng các cơn chế lớn hơn có những trách nhiệm thiết yếu khi nhiều cơ chế địa phương không đủ khả năng để bảo vệ nhân phẩm, đáp ứng với nhu cầu của con người, và thăng tiến công ích[mfn]Centesimus Annus, no. 48; Dignitatis Humanae, s. 4-6.[/mfn].

Công Ích

Công ích gồm “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn” [mfn]Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh, s. 164[/mfn].

Nhân phẩm chỉ được tôn trọng và công ích chỉ được nuôi dưỡng nếu nhân quyền được bảo vệ và những trách nhiệm cơ bản được chu toàn. Mỗi con người có quyền sống, quyền tự do tôn giáo, và quyền có được những điều cần thiết để sống thích hợp với con người – thực phẩm, chỗ ở, giáo dục và công ăn việc làm, chăm sóc sức khẻo và nhà cửa. Tương ứng với những quyền này là các bổn phận và trách nhiệm – với chính mình, với gia đình mình và với xã hội rộng lớn hơn.

Kinh tế phải phục vụ con người chứ không ngược lại. Một hệ thống kinh tế phải phục vụ phẩm giá của con người và công ích bằng cách tôn trọng phẩm giá của việc làm và quyền lợi của người làm việc.

Công bằng về kinh tế đòi phải có công việc tử tế với đồng lương công bằng và đủ sống, một chương trình hợp thức hóa một cách rộng rãi và công bằng với con đường dẫn đến việc trở thành công dân của những người công nhân di dân, và cơ hội cho tất cả mọi người cùng nhau làm việc cho công ích qua việc làm, làm chủ, kinh doanh, đầu tư, tham gia các công đoàn, và những hình thức hoạt động kinh tế khác. Các công nhân cũng có các trách nhiệm – cung cấp một ngày làm việc công bằng cho một số thù lao công bằng, đối xử với chủ và đồng nghiệp cách tôn trọng, và làm công việc của mình một cách nào đó để góp phần vào công ích. Công nhân, chủ nhân, và công đoàn không những chỉ cổ võ quyền lợi riêng của mình mà còn phải hợp tác với nhau để thăng tiến công bằng kinh tế và hạnh phúc của mọi người.

Chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc cho thụ tạo của Thiên Chúa, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến trong Laudato Si’ như “căn nhà chung”[mfn]Laudato Si’, s. 77.[/mfn]. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành những người quản lý cẩn thận của thụ tạo của Thiên Chúa và đảm bảo một môi trường an toàn và hiếu khách đối với những người dễ bị tổn thương bây giờ và trong tương lai. Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênẹđictô XVI (các Sứ điệp Ngày Thế Giới Hoàn Bình, 1990 và 2000), đã nâng việc ô nhiễm, thay đổi khí hậu, thiếu tiếp cận nước sạch, và thiếu sự đa dạng về sinh môi lên thành những thách đố đặc biệt. Đức Phanxicô nói về “món nợ môi sinh” (số 51) mà những nước giàu hơn có đang thiếu những nước đang phát triển. Và ngài kêu gọi chúng ta đến một cuộc “hoán cải về môi sinh” (số 219), mà qua đó “các hiệu quả của cộc gặp gỡ Đức Kitô của chúng ta trở nên tỏ tường trong mối tương quan của chúng ta với thế giới chung quanh mình”[mfn]Laudato Si’, s. 217.[/mfn]. Quả thật, quan tâm này về “môi sinh tự nhiên” là một phần không thể thiếu được của “môi sinh nhân loại” rộng lớn hơn, là điều bao gồm không những chỉ vật chất mà cả những bình diện xã hội nữa.

Đoàn Kết

Đoàn kết là “một quyết tâm chắc chắn và kiên trì mà một người dấn thân cho … sự tốt lành của tất cả mọi người và của mỗi cá nhân, bởi vì tất cả chúng ta thật sự có trách nhiệm với mọi người”. Nó được tìm thấy trong: “một dấn thân lo cho ích lợi của người lân cận tới mức, theo nghĩa của Tin Mừng, sẵn sàng ‘liều mất bản thân mình’ vì người khác thay vì khai thác người khác, và sẵn sàng “phục vụ người khác” thay vì áp bức người khác vì ích lợi riêng”.[mfn]Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh, s.. 193. (x. Mt 10:40-42, 20:25; Mc 10:42-45; Lc 22:25-27)[/mfn]. Chúng ta là một gia đình nhân loại duy nhất, bất chấp những khác biệt về quốc gia, chủng tộc, mầu da, kinh tế, và ý thức. Sự dấn thân của người Công Giáo chúng ta vào việc đoàn kết đòi hỏi chúng ta theo đuổi công lý, loại trừ nạn kỳ thị chủng tộc, chấm dứt nạn buôn người, bảo vệ nhân quyền, tìm kiếm hòa bình, tránh việc sử dụng vũ lực trừ khi đó là một phương sách cuối cùng cần thiết.

Bằng một cách đặc biệt, tình đoàn kết của chúng ta phải được thể hiện trong lựa chọn ưu tiên dành cho những người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Một thử thách về luân lý cho xã hội là

chúng ta đối xử với những người yếu đuối nhất trong chúng ta – các trẻ em chưa sinh ra, những người đang bị tàn tật hay bị bệnh nan y, người nghèo, và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội như thế nào.

KẾT LUẬN

Trong ánh sáng của giáo huấn Công Giáo, các Giám Mục mạnh mẽ nhắc lại lời kêu gọi của mình về một nền chính trị được đổi mới đặt trọng tâm vào những nguyên tắc luân lý, ủng hộ sự sống và phẩm giá con người, cùng theo đuổi công ích. Tham gia chính trị trong tinh thần này không những phản ảnh giáo huấn của Hội Thánh mà còn phản ảnh cả những truyền thống tốt đẹp nhất của quốc gia chúng ta

.

 

Phần II – Việc Chọn Những Chọn Lựa Luân Lý và Áp Dụng Những Nguyên Tắc của Chúng Ta

Phần I của tóm lược suy tư của các Giám Mục Hoa Kỳ, Đào Luyện Lương Tâm để Làm Tín Hữu Công Dân, đã bàn đến những nguyên tắc nòng cốt làm căn bản cho việc tham gia của người Công Giáo vào lãnh vực chính trị. Phần II là một sự cân nhắc về tiến trình mà qua đó những nguyên tắc này được áp dụng trong việc bỏ phiếu và có những lập trường về những vấn đề chính sách. Nó bắt đầu với suy nghĩ tổng quát về bản chất của lương tâm và vai trò của nhân đức khôn ngoan cẩn trọng. Việc áp dụng phán đoán cẩn trọng không có nghĩa là tất cả mọi chọn lựa đều có giá trị đồng đều hoặc hướng dẫn của các Giám Mục và của các nhà lãnh đạo Hội Thánh khác chỉ là ý kiến về chính trị hay tài liệu tham khảo về chính sách trong số nhiều tài liệu khác. Ngược lại, chúng tôi thôi thúc những người Công Giáo hãy cẩn thận lắng nghe các thầy giáo của Hội Thánh khi các ngài áp dụng giáo huấn xã hội Công Giáo vào những đề nghị và những hoàn cảnh cụ thể.

HỘI THÁNH GIÚP NGƯỜI CÔNG GIÁO TRÌNH BÀY NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI THẾ NÀO?

Một Lương Tâm Được Đào Luyện Chu Đáo

Hội Thánh trang bị cho các phần tử của mình để bàn đến những vấn đề chính trị bằng cách giúp họ phát triển một lương tâm được đào luyện chu đáo. “Lương tâm là một phán quyết của lý trí mà trong đó con người nhận ra đặc tính luân lý của một hành động cụ thể…. [Mọi người] đều bắt buộc phải trung thành tuân theo những gì mà mình biết là công bằng và đúng” (GLCG, số 1778). Chúng ta là những người Công Giáo có nhiệm vụ suốt đời đào luyện lương tâm mình cho phù hợp với lý trí, được soi sáng bởi giáo huấn của Đức Kitô như được truyền lại cho chúng ta qua Hội Thánh.

Nhân Đức Khôn Ngoan Cẩn Trọng

Hội Thánh cũng khuyến khích người Công Giáo vun trồng nhân đức khôn ngoan cẩn trọng, là nhân đức giúp chúng ta “trong mọi hoàn cảnh nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới điều thiện ấy” (GLCG, số 1806). Đức khôn ngoan cẩn trọng hình thành và thông tri cho khả năng của chúng ta để cân nhắc những chọn lựa khác nhau, hầu quyết định lựa chọn nào thích hợp nhất cho một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, và hành động. Đức khôn ngoan cẩn trọng phải được đi kèm bằng đức can đảm là nhân đức mời gọi chúng ta hành động. Trong khi người Công Giáo tìm cách thăng tiến công ích, chúng ta phải cẩn thận phân định xem những chính sách công cộng nào là vững chắc về luân lý. Đôi khi, người Công Giáo có thể chọn những cách khác nhau để đáp ứng những vấn đề xã hội, nhưng không thể khác nhau về nhiệm vụ bảo vệ sự sống và phẩm giá con người cùng giúp xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn bằng nhiều phương tiện phù hợp với luân lý khác nhau.

Làm Lành Lánh Dữ

Có những điều mà chúng ta không bao giờ được phép làm, dù là với tư cách cá nhân hay xã hội, bởi vì những điều ấy luôn luôn không phù hợp với tình yêu đối với Thiên Chúa và những người lân cận. Chúng ta phải luôn luôn loại trừ và không bao giờ được ủng hộ những hành động tự bản chất là ác. Thí dụ cụ thể nhất là việc cố tình hủy diệt mạng sống con người qua việc phá thai. Tương tự như thế, việc sao người, việc hủy diệt các phôi thai con người khi nghiên cứu, và những hành động khác trực tiếp phạm đến tính thánh thiêng và phẩm giá con người bao gồm việc diệt chủng, tra tấn, nhắm đến những người không chiến đấu trong hành động khủng bố hay chiến tranh, không bao giờ có thể biện minh được. Cũng như những vi phạm nhân phẩm, những hành động như kỳ thị chủng tộc, đối xử với nhân công như chỉ là phương tiện để đạt được một mục đích, cố tình bắt nhân công sống trong những điều kiện không phù hợp với con người, đối xử với những người nghèo như những người có thể bị tùy tiện vất bỏ, hay tái định nghĩa hôn nhân để chối bỏ ý nghĩa thiết yếu của nó, là những điều không bao giờ có thể chấp nhân được.

Việc chống lại những hành động ác tự bản chất cũng thúc đẩy chúng ta nhận ra nhiệm vụ tích cực của mình là đóng góp vào công ích và hành động trong sự đoàn kết với những người túng thiếu. Cả hai việc chống lại sự dữ và làm việc lành đều cần thiết. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói, “sư kiện là chỉ có những giới răn tiêu cực bắt buộc phải theo luôn luôn và dưới mọi hoàn cảnh không có nghĩa là trong đời sống luân lý, những giới răn tiêu cực quan trọng hơn nhiệm vụ phải làm việc lành được đề ra bởi những mệnh lệnh tích cực”[mfn]Tóm Lược về Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh, s.. 193. (x. Mt 10:40-42, 20:25; Mc 10:42-45; Lc 22:25-27)[/mfn]. Quyền sống căn bản ngụ ý và liên kết với những quyền làm người khác để có được những điều tốt lành mà mọi người đều cần để sống và phát đạt – bao gồm thực phẩm, nhà ở, y tế và công việc làm có ý nghĩa.

Hai Cám Dỗ Cần Phải Tránh

Có hai cám dỗ trong đời sống công cộng có thể bóp méo việc bảo vệ sự sống và phẩm giá con người: Cám dỗ thứ nhất là một chủ trương bình đẳng về luân lý không phân biệt giữa những vấn đề khác nhau liên quan đế sự sống và phẩm giá con người. Việc trực tiếp hủy hoại sự sống con người từ giây phút thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên luôn luôn là sai và không phải chỉ là một vấn đề trong nhiều vấn đề. Phải luôn luôn chống lại nó. Cám dỗ thứ hai là lạm dụng những sự phân biệt về luân lý cần thiết này như một cách để gạt đi hay coi thường những đe dọa trầm trọng khác đến sự sống và phẩm giá con người. Việc kỳ thị chủng tộc và những phân biệt bất công khác, việc sử dụng án tử hình, việc dùng đến chiến tranh cách bất công, việc làm thoái hóa môi trường, việc xử dụng tra tấn, các tội ác chiến tranh, việc không đáp ứng lại những người đang gánh chịu nạn đói hoặc thiếu chăm sóc sức khỏe hay nhà ở, nạn phim ảnh sách báo khiêu dâm, nạn buôn người, việc tái định nghĩa hôn nhân, việc làm tổn thương đến tự do tôn giáo hay những chính sách di dân bất công, tất cả đều là những vấn đề luân lý trầm trọng thách đố lương tâm của chúng ta và đòi chúng ta phải hành động.

Việc Chọn Những Chọn Lựa Luân Lý

Các Giám Mục không bảo người Công Giáo phải bầu cử thế nào; nhiệm vụ có những chọn lựa chính trị là của mỗi người và lương tâm được hình thành đúng cách của người ấy, được giúp đỡ bởi nhân đức khôn ngoan cẩn trọng. Việc thực hành này của lương tâm bắt đầu với việc luôn luôn chống lại những chính sách xâm phạm đến sự sống con người và làm yếu đi việc bảo vệ nó.

Một khi mà những luật khiếm khuyết về luân lý đã được ban hành, cần phải có những phán đoán khôn ngoan cẩn trọng để quyết định phải làm gì có thể được để phục hồi công lý – thậm chí từng phần hay từ từ – mà không bao giờ từ bỏ một quyết tâm hoàn toàn bảo vệ sự sống của tất cả mọi người từ khi thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên (X. Thánh Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, số 73).

Cũng cần có những phán đoán khôn ngoan cẩn trọng để quyết định cách tốt nhất ngõ hầu cổ động cho công ích trong những lãnh vực như gia cư, y tế, và di dân. Khi các nhà lãnh đạo Hội Thánh đưa ra phán quyết về cách áp dụng giáo huấn Công Giáo về những chính sách đặc biệt này, giáo huấn ấy không có cùng một quyền bắt buộc như những nguyên tắc luân lý phổ quát, nhưng không được coi thường nó như là một ý kiến về chính trị trong số những ý kiến khác. Những áp dụng luân lý này phải cung cấp dữ kiện cho lương tâm và hướng dẫn hành động của người Công Giáo.

Là người Công Giáo, chúng ta không phải là những cử tri chỉ tranh đấu cho một vấn đề duy nhất. Lập trường của một ứng cử viên về một vấn đề duy nhất không đủ để đảm bảo sự ủng hộ của các cử tri. Nhưng lập trường của một ứng cử viên về một vấn đề duy nhất liên quan đến một sự dữ tự bản chất, như ủng hộ phá thai hợp pháp hay cổ võ việc kỳ thị chủng tộc, có thể đưa đến việc ứng cử viên ấy không đáng nhận được sự ủng hộ của một cử tri.

NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG CHÍNH SÁCH CÔNG CỘNG NÀO NHẤT?

Là người Công Giáo, chúng ta được dẫn đến việc thắc mắc về đời sống chính trị hơn những người chỉ chú tâm đến phúc lợi vật chất cá nhân. Chúng ta chú tâm cách rộng rãi hơn vào những gì bảo vệ hay đe dọa phẩm giá của mọi sự sống con người. Các giáo huấn Công Giáo thách đố các cử tri và các ứng cử viên, các công dân và các người được dân bầu lên, phải kể đến bình diện luân lý và đạo đức của các vấn đề liên quan đến chính sách công cộng. Theo những nguyên tắc luân lý này, các Giám Mục cung cấp các mục tiêu về chính sách mà chúng tôi hy vọng sẽ hướng dẫn người Công Giáo khi họ đào luyện lương tâm và suy nghĩ về khía cạnh luân lý của những chọn lựa công cộng:

  • Nói lên đòi hỏi tiên quyết để bảo vệ sự sống con người – bằng cách giới hạn hay chấm dứt việc hủy hoại những trẻ em chưa được sinh ra qua việc phá thai và cung cấp cho các phụ nữ trong những vụ khủng hoảng mang thai những nâng đỡ mà họ cần đến. Chấm dứt những thực hành dưới đây: việc sử dụng thuốc an tử, và tự vận được giúp đỡ để giải quyết những gánh nặng của bệnh tật và tàn tật; việc hủy diệt phôi thai con người nhân danh việc nghiên cứu; việc sử dụng án tử hình để chống tội ác; và việc dựa vào chiến tranh cách thiếu thận trọng để giải quyết những tranh chấp quốc tế.
  • Bảo vệ sự hiểu biết cơ bản về hôn nhân như một sự kết hợp suốt đời và chung thủy của một người nam và một người nữ như một cơ chế trung tâm của xã hội; ủng hộ sự bổ túc của hai phái và bác bỏ những ý tưởng sai lầm về “phái tính”; cung cấp sự nâng đỡ tốt hơn cho đời sống gia đình về mặt luân lý, xã hội và kinh tế, ngõ hầu đất nước chúng ta giúp các phụ huynh dưỡng dục con cái họ với lòng kính trọng sự sống, các giá trị luân lý vững chắc, và một thái độ đạo đức về việc quản lý và tinh thần trách nhiệm.
  • Đạt được một cuộc cải tổ toàn diện về di dân cung cấp một con đường trở thành công dân, đối xử công bằng với những công nhân di cư, tránh việc phân tách các gia đình, duy trì sự toàn vẹn của biên giới, tôn trọng luật pháp, và đề cập đến những yếu tố buộc người ta phải rời bỏ quê hương.
  • Giúp các gia đình và trẻ em thắng vượt cảnh nghèo khổ và đảm bảo việc có được và được chọn lựa trong việc giáo dục, cũng như những công việc tử tế với đồng lương công bằng và đủ sống, cùng có đủ sự trợ giúp cho những người dễ bị tổn thương trong đất nước chúng ta, trong khi giúp thắng vượt sự đói nghèo đang lan rộng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong các lãnh vực chính sách viện trợ phát triển, giảm nợ, và thương mại quốc tế.
  • Đảm bảo việc hoàn toàn bảo vệ lương tâm và tự do tôn giáo cho những cá nhân và nhóm để đáp ứng các nhu cầu xã hội, và như thế giúp cho các gia đình, các nhóm công đoàn, các cấu trúc kinh tế, và chính phủ có thể cùng nhau làm việc để thắng vượt nạn nghèo đói, theo đuổi công ích và chăm lo cho thụ tạo.
  • Cung cấp việc chăm sóc sức khỏe trong khi tôn trọng sự sống con người, nhân phẩm và tự do tôn giáo trong hệ thống y tế của chúng ta.
  • Tiếp tục chống lại những chính sách phản ảnh thái độ kỳ thị chủng tộc, thù địch với những người di cư, kỳ thị tôn giáo, và những hình thức phân biệt bất công khác.
  • Thiết lập và tuân theo những giới hạn luân lý trong việc sử dụng quân lực — bằng cách điều nghiên xem nó được sử dụng với mục đích gì, dưới quyền của ai, và giá phải trả về nhân sự ra sao – với một cái nhìn đặc biệt đến việc tìm một giải pháp có trách nhiệm và hữu hiệu để chấm dứt việc ngược đãi các Kitô hữu và những người thiểu số thuộc tôn giáo khác ở Trung Đông và các nơi khác của thế giới.
  • Hợp tác với những người khác khắp thế giới để theo đuổi hòa bình, bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, cùng thăng tiến công bằng kinh tế và chăm sóc cho thụ tạo.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ