24/01/2025

Chứng rụng tóc bất thường trong đại dịch Covid-19

Chứng rụng tóc bất thường trong đại dịch Covid-19

Một cuộc khảo sát mới đây về các vấn đề gặp phải sau khi mắc bệnh Covid-19 của 1.567 người đã bình phục cho hay 423 người trong số họ đang bị rụng tóc bất thường.
Tóc rụng từng mảng, do ảnh hưởng từ hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch, tấn công trực tiếp trên các nang tóc. /// Ảnh: Shutterstock
Tóc rụng từng mảng, do ảnh hưởng từ hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch, tấn công trực tiếp trên các nang tóc.  ẢNH: SHUTTERSTOCK
Các bác sĩ cũng cho biết trên tờ The New York Times (Mỹ) rằng có rất nhiều bệnh nhân hồi phục sau Covid-19 đang đối mặt với chứng rụng tóc nghiêm trọng, tuy nhiên, theo họ, đó không phải là từ tác động trực tiếp của virus SARS-CoV-2 mà do sang chấn tâm lý của người bệnh trong quá trình điều trị.
Theo Phó giáo sư – tiến sĩ Shilpi Khetarpal, chuyên về da liễu tại Mỹ, tâm lý căng thẳng trong đại dịch Covid-19 rất đa dạng và thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người chưa bao giờ nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng bị rụng tóc bởi trầm cảm do mất việc, khó khăn về tài chính hay đối diện với cái chết của người thân trong gia đình, hoặc các hậu quả nặng nề khác do đại dịch gây ra. Hiện tại, số lượng bệnh nhân bị rụng tóc vì tâm lý căng thẳng vẫn chưa thuyên giảm. Một số người gặp vấn đề này trong thời gian ngắn, một số diễn tiến kéo dài hằng tháng.
Các chuyên gia cho biết có hai kiểu rụng tóc có thể xảy ra trong đại dịch. Loại thứ nhất diễn ra chỉ vài tháng sau khi người bệnh đã bị trầm cảm, tóc sẽ bị rụng nhiều hơn mức thông thường từ 50 – 100 sợi mỗi ngày. Theo tiến sĩ Sara Hogan, bác sĩ da liễu tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California (Los Angeles, Mỹ), hiện tượng trên là do rối loạn hệ thống mọc tóc.
Loại thứ hai là hiện tượng mà một số phụ nữ cũng gặp phải sau khi mang thai, thường kéo dài khoảng 6 tháng, tuy nhiên nếu tình trạng tâm lý căng thẳng vẫn còn hoặc tái diễn sẽ phát triển thành bệnh mãn tính. Lúc này, tóc rụng từng mảng, do ảnh hưởng từ hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch, tấn công trực tiếp trên các nang tóc. Điều nguy hiểm hơn là chứng rụng tóc sẽ khiến bệnh nhân tiếp tục rơi vào tình trạng sang chấn, trầm cảm, đặc biệt đối với phụ nữ.
Bác sĩ tâm thần đồng thời là bác sĩ da liễu Mohammad Jafferany của Trường đại học Central Michigan (Mỹ) khuyến nghị nên dùng liệu pháp tâm lý để giảm căng thẳng như thiền, mát xa đầu, yoga…; không nhất thiết phải dùng thuốc vì một số thuốc chống trầm cảm và chống lo âu có thể làm cho tình trạng rụng tóc nghiêm trọng hơn. Thêm vào đó, cần áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp kích thích mọc tóc.
MINH HOA
TNO