Giáo huấn xã hội và quyền tự do có sáng kiến kinh tế

Giáo huấn xã hội và quyền tự do có sáng kiến kinh tế

Đan Quang Tâm

“Chúng ta không được bỏ qua hình thức đặc biệt của cái nghèo bao gồm việc bị tước đoạt các quyền căn bản của con người, cách riêng là quyền tự do tôn giáo và quyền tự do có sáng kiến kinh tế” (CA, 42).

Đức Gioan Phaolô II rất hay bàn về tự do. Trong lĩnh vực này, ngài cũng được mệnh danh là nhà quán quân. Tự do là chủ đề trung tâm của ngài từ khi còn là giáo sư luân lý tại Đại học Lublin và ngay cả khi đã làm giáo hoàng. Ở đây chúng ta giới hạn việc nghiên cứu, chỉ tìm hiểu xem ngài đã luận bàn thế nào về tự do kinh tế.

Đức Gioan Phaolô II bàn về tự do kinh tế

Năm 1987, trong Thông điệp xã hội Sollicitudo Rei Socialis kỷ niệm 20 năm Thông điệp Populorum Progressio, ngài viết: “Chúng ta không được bỏ qua hình thức đặc biệt của cái nghèo bao gồm việc bị tước đoạt các quyền căn bản của con người, cách riêng là quyền tự do tôn giáoquyền tự do có sáng kiến kinh tế” (42).

Đây là hai nhân quyền cơ bản mà ngài luôn kiên quyết bảo vệ, ủng hộ và đề cao. Khi còn là giám mục trẻ tham dự đủ bốn kỳ họp Công đồng Vatican II, ngài đã tích cực tham gia góp ý cho dự thảo Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo và nhiều lần khẳng định “Không có tự do nếu không có sự thật”. Nhà quán quân về tự do tôn giáo Gioan Phaolô II đã để lại một bộ giáo huấn phong phú về sự liên kết nội tại giữa tự do và sự thật, là chìa khóa mở ra giúp ta hiểu ý định sâu xa của Tuyên ngôn Dignitatis Humanae. Ngoài ra, ngài còn có đóng góp vào từ điển thần học thuật ngữ “quyền tự do có sáng kiến kinh tế”. Đây cũng là đóng góp và bổ sung của ngài vào từ vựng nhân quyền khi ngài ban hành Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis nói trên. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liện hiệp quốc đã không đề cập đến quyền con người này.

Bốn năm sau, ngài viết tiếp một thông điệp xã hội Centesimus Annus, lần này để kỷ niệm 100 năm ngày ban hành Thông điệp Rerum Novarum. Ngài nhắc lại những điểm chính của thông điệp xã hội đầu tiên này: con người phải được tôn trọng vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa và được Người ban sự sống. Ngài nhận định việc bỏ qua sự kiện này đã dẫn đến cảnh đối xử tàn bạo với người lao động vào thời Đức Lêô XIII, rồi hai cuộc thế chiến, lò hơi ngạt, các chế độ độc tài tại phương Đông, hố ngăn cách giàu nghèo. Chủ nghĩa công sản vô thần đã giải thể vì không tôn trọng phẩm giá và các quyền đi kèm với phẩm giá ấy của con người. Con người được ban tặng tự do, nhưng do vết thương nguyên tội nên dù có hướng thiện nhưng vẫn còn có khả năng làm điều ác:

“Hơn nữa, con người, được tạo dựng để hưởng tự do, mang nơi bản thân mình vết thương nguyên tội, thường xuyên lôi kéo con người hướng về điều ác, vì thế con người cần đến ơn cứu độ. Không những giáo thuyết này là một bộ phận hợp thành của mạc khải Kitô giáo, mà còn có giá trị thông diễn (hermeneutical value) lớn lao giúp ta hiểu được thực tại con người. Con người hướng đến điều thiện, nhưng cũng có thể làm điều ác. Con người có thể vượt lên trên lợi lộc trước mắt, mà vẫn gắn bó với nó” (42).

Ngài cảnh báo sự đàn áp quyền tư hữu sẽ “làm cạn kiệt nguồn sáng kiến và sáng tạo” (trong đó có sáng kiến kinh tế) và xuất hiện nguy cơ biến chính trị trở thành một thứ “tôn giáo thế tục”:

“Trật tự xã hội càng được ổn định, thì càng lưu ý đến sự kiện này, và không đặt quyền lợi cá nhân đối nghịch với quyền lợi của xã hội xét như một tổng thể, nhưng đúng hơn, tìm cách hòa hợp với quyền lợi xã hội một cách hiệu quả. Thật vậy, nơi đâu quyền lợi cá nhân bị xã hội tước đoạt, thì thay vào đó là một chế độ cồng kềnh nắm quyền kiểm soát một cách quan liêu, làm cạn kiệt nguồn sáng kiến và sáng tạo. Khi người ta nghĩ rằng mình nắm được bí quyết tổ chức một xã hội hoàn hảo không còn điều ác thì họ cũng tưởng là có thể sử dụng mọi phương tiện, kể cả bạo lực và lừa dối, để thực hiện tổ chức đó. Khi ấy chính trị trở thành một thứ “tôn giáo thế tục”, có tham vọng xây dựng thiên đàng ngay ở trần gian này. Nhưng không có một xã hội chính trị nào có quyền tự quyết và pháp luật của xã hội đó có thể lẫn lộn với Vương Quốc của Thiên Chúa” (25).

Đức Gioan Phaolô ủng hộ có điều kiện nền kinh tế thị trường được xây dựng trên tự do, khuyến khích phát huy tự do có sáng kiến trong kinh tế, chủ trương quyền lợi cá nhân hài hòa với quyền lợi xã hội.

“Theo chiều hướng này, người ta có lý để nói về một cuộc đấu tranh chống lại một hệ thống kinh tế, được hiểu là một phương pháp để đảm bảo ưu thế tuyệt đối của tư bản, việc chiếm hữu các tư liệu sản xuất và đất đai, hơn là tự do và phẩm giá lao động của con người. Khi chiến đấu chống lại hệ thống này, người ta không thể đề ra đối nghịch nó, như một kiểu mẫu thay thế, hệ thống chủ nghĩa xã hội, vì hệ thống này thực ra cũng là một thứ chủ nghĩa tư bản Nhà nước, nhưng người ta có thể đề ra đối nghịch nó với xã hội của tự do lao động, kinh doanh và được tham dự. Xã hội này không đối nghịch với thị trường, nhưng đòi hỏi thị trường phải được kiểm soát một cách hợp lý bởi những sức mạnh xã hội và bởi Nhà nước, sao cho bảo đảm được sự thỏa mãn các nhu cầu căn bản của toàn xã hội” (CA, 35).

Ngài nói hai nhân tố quyết định cho sự sụp đổ của các chế độ áp bức là “sự vi phạm đối với quyền của các công nhân” và “sự vi phạm các quyền con người có sáng kiến riêng, được sở hữu tài sản và tự do trong lĩnh vực kinh tế” (CA, 23, 24).

Tóm lại, Đức Gioan Phaolô II xem tự do kinh tế là nền tảng của kinh tế doanh nghiệp hiện đại (SRS, 32). Ngài tái khẳng định Giáo hội quyết tâm dấn thân cho tự do, xem đó như một điều kiện cần thiết để bảo đảm “phẩm giá siêu việt của con người” (CA, 46). Tuy nhiên, ngài nhận rằng tự do trong kinh tế không tuyệt đối, đó chỉ là một nhân tố trong tự do của con người. Khi đời sống kinh tế trở nên tuyệt đối hóa, nghĩa là khi con người được xem là người sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa hơn là một chủ thể sản xuất và tiêu thụ để sống, thì tự do mất đi tương quan cần thiết của nó đối với nhân vị và rút cục tha hóa và áp bức con người (CA, 39).

Quyền tự do có sáng kiến kinh tế

Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội (sách TLHTXH) mô tả hoạt động kinh tế “như một lời đáp lại với tấm lòng tri ân ơn gọi mà Thiên Chúa chìa ra cho mỗi người” (326). Điều này giúp xua tan khái niệm sai lầm là các ơn gọi “chân chính” chỉ được tìm thấy trong giáo dục, y tế, hoạt động bác ái hoặc ở hẳn bên trong Giáo hội. Doanh nhân Công giáo nếu giang tay đón nhận ơn gọi “đặt hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất phục vụ con người và xã hội”, để rồixả thân làm các việc ấy với lòng tin, cậy, mến của các môn đệ Đức Kitô” thì doanh nghiệp và môi trường kinh tế “cũng có thể biến thành những địa điểm cứu độ và thánh hoá” (326).

Sách TLHTXH nhấn mạnh:Học thuyết xã hội của Giáo Hội coi tự do của con người trong các vấn đề kinh tế là một giá trị căn bản và là một quyền bất khả chuyển nhượng cần phát huy và bảo vệ”. Sách khẳng định và kêu gọi:“Mọi người có quyền có sáng kiến về kinh tế, mọi người nên sử dụng hợp pháp các tài năng của mình, để góp phần làm ra nhiều của cải cho mọi người được hưởng, và để thu lượm những hoa trái chính đáng do các nỗ lực của mình” (336). Điều này xây dựng trên những phát biểu tương tự trong các giáo huấn của đức Giáo hoàng Piô XII cũng như những câu phát biểu trong thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (1988) và Centesimus Annus (1991).

Nhưng sách TLHTXH cũng nói thêm rằng giáo huấn này nhắc ta về “các hậu quả tiêu cực có thể phát sinh do việc làm suy yếu hay chối bỏ quyền có sáng kiến về kinh tế” và bảo ta “sáng kiến tự do và có trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế cũng có thể được định nghĩa là một hành vi phản ánh nhân tính của con người với tư cách là những chủ thể sáng tạo và có tương quan. Thế nên, cần trao cho quyền có sáng kiến đó không gian hoạt động rộng lớn. Nhà Nước có nghĩa vụ luân lý áp dụng những giới hạn nghiêm ngặt chỉ trong những trường hợp không tương thích giữa việc theo đuổi công ích và loại hình hoạt động kinh tế được đề xuất hoặc phương thức tiến hành hoạt động kinh tế đó” (336).

Đáng lưu ý, sách TLHTXH áp dụng những chủ đề này trực tiếp đối với chủ doanh nghiệp và những người quản lý doanh nghiệp. “Sáng kiến kinh tế là một thuật ngữ về trí thông minh con người và về sự cần thiết phải đáp ứng các nhu cầu của con người một cách sáng tạo và hợp tác” (343).

Trên cơ sở này, sách TLHTXH mô tả tinh thần doanh nghiệp không chỉ là một “đức tính cá nhân” mà còn là một “đức tính xã hội” bởi vì có tinh thần doanh nghiệp nghĩa là “cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thích đáng nhất để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu nảy sinh” (343). Sách TLHTXH nhận định rằng “Vai trò của các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp có tầm quan trọng trung tâm nhìn từ quan điểm xã hội, vì họ ở ngay tại trung tâm của cả một hệ thống các quan hệ kỹ thuật, thương mại, tài chính và văn hoá là đặc trưng cho thực tại doanh nghiệp hiện đại” (344).

Doanh nhân, như vậy có một vai trò quan trọng, chính yếu trong đời sống kinh tế và có cả một ơn gọi hẳn hòi. Họ cũng được gọi để làm vườn nho của Thiên Chúa. Thiên Chúa thì luôn luôn có sáng kiến đi trước một bước. Chúa Giêsu không những gọi, mà còn chọn họ: “Không phải các con đã chọn Thầy mà Thầy đã chọn các con trước”.

Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa bình không những biên soạn sách TLHTXH để hướng dẫn doanh nhân qua những nguyên tắc và những định hướng như đã nói trên mà còn tìm cách soạn cẩm nang doanh nghiệp giúp các doanh nhân Công giáo sống đạo trong môi trường doanh nghiệp theo tinh thần của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng khắc phục được tình trạng phân rẽ giữa đạo và đời (GS, 13) và làm các quyết định kinh doanh theo đúng các nguyên tắc của giáo huấn xã hội.

Trong đường hướng đó, Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa bình đã phối hợp với John A. Ryan Institute, một viện nghiên cứu và phổ biến giáo huấn xã hội thuộc Đại học St. Thomas Hoa Kỳ để biên soạn tài liệu “Ơn gọi Lãnh đạo Doanh nghiệp” (Vocation of the Business Leader) và tố chức một hội nghị quy tụ khoảng 2.000 chủ doanh nghiệp vào tháng 3 năm 2112 tại Lyon, Pháp để phổ biến và thảo luận tài liệu này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nói theo ngôn ngữ tiếng Anh, được xem là ngôn ngữ thương mại và kinh doanh, thì “The Church takes business seriously”.