24/12/2024

Chúa Nhật XXVII TN A: Mẹ Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa

Đứng trước lời truyền tin của sứ thần, Đức Maria trải qua ba cung bậc khác nhau: từ “bối rối, lo sợ” đến “tìm hiểu, thắc mắc” và cuối cùng là “xác tín” bằng tiếng “Xin vâng”.

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN A

ĐỨC MẸ MÂN CÔI

(Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)

MẸ MARIA TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”
(Lc 1,38)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Dù chỉ nhận mình là một nữ tỳ thấp hèn, khiêm hạ, nhưng Đức Maria lại được Thiên Chúa tuyển chọn, để cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Qua tiếng “Xin vâng” đầy xác tín, khiêm nhu và trách nhiệm, Mẹ đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu (bài Tin mừng), giữa cộng đoàn môn đệ sau khi Chúa Giêsu về trời (bài đọc 1), và trong kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa để nhân loại được thứ tha tội lỗi, được gọi Thiên Chúa là Cha và được đồng thừa kế với Trưởng Tử Giêsu (bài đọc 2).

1. Bài đọc 1:

Đối với tác giả Luca, sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ cần phải ở lại Giêrusalem để chờ đợi “điều Chúa Cha đã hứa” (x. Lc 24,49; Cv 1,4). Trong khi chờ đợi, các ông họp nhau cùng với Mẹ Maria và một số phụ nữ, trong tinh thần hợp nhất và cầu nguyện.

Trước hết, ngoài danh sách mười một tông đồ, tác giả Luca cho thấy có sự hiện diện của Mẹ Maria, thân mẫu của Đức Giêsu, mấy người phụ nữ và anh em của Đức Giêsu (x. Cv 1,14). Sự hiện diện của Đức Mẹ giữa cộng đoàn môn đệ không phải là điều ngẫu nhiên, dù đây là lần đầu tiên trong sách Công vụ, thánh Luca gọi tên “bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu”. Quả vậy, ngay từ đầu Tin Mừng Luca, Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ, để Mẹ cưu mang và sinh ra Con Thiên Chúa (Lc 1,35), thì giờ đây Mẹ hiện diện với cộng đoàn các môn đệ để chờ đón Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các môn đệ và khai sinh Giáo Hội (x. Cv 2,1-12). Sự hiện diện của Đức Mẹ giữa cộng đoàn các môn đệ trong thời khắc có nhiều xáo trộn, âu lo, tạo nên sự nối kết và hợp nhất trong niềm xác tín vào lời hứa của Chúa Giêsu về sức mạnh của Thánh Thần.

Sau nữa, cùng với sự hiện diện của Mẹ Maria, đặc điểm nổi bật của cộng đoàn các tông đồ và môn đệ trong lúc chờ đợi điều Chúa Giêsu đã hứa là sự đồng tâm nhất trí. Vì cầu nguyện là thói quen của Chúa Giêsu (x. Lc 3,21; 5,16; 6,12; 22:41-44) và cũng là thói quen Người dạy cho các môn đệ (x. Lc 9,28-29; 11,1-4; 18,1; 22,46), nên trong giây phút chờ đợi đón nhận Thánh Thần như “quyền năng từ trên cao” (x. Lc 24,49), cộng đoàn các môn đệ một lòng một ý họp nhau cầu nguyện (x. Cv 1,14; 2,46; 4,24). Sau này việc họp nhau cầu nguyện tiếp tục là thói quen của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, nhất là trong những biến cố khó khăn, bách hại (x. Cv 2,42; 6,4; 12,5.12; 20,36). Sự đồng tâm nhất trí cùng nhau cầu nguyện giúp liên kết cộng đoàn môn đệ trong thời khắc khó khăn. Tinh thần hợp nhất – sự đồng tâm nhất trí của các tín hữu, được xem là một trong các đặc điểm nổi bật của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai (x. Cv 2,46; 4,24; 5,12;15,25).

Tóm lại, sau khi Chúa Giêsu về trời, sự hiện diện của Mẹ Maria giữa các môn đệ có một vai trò quan trọng trong việc liên kết họ thành một cộng đoàn hợp nhất trong sự xác tín vào lời hứa của Chúa Giêsu về quyền năng từ trời cao ban xuống; đồng thời giúp họ đồng tâm nhất trí cầu nguyện trong khi chờ đợi đón nhận ơn Thánh Thần.

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô trình bày công trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con, nhờ sự cộng tác của một người phụ nữ là Đức Maria.

Trước hết, “sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật” là cách nói ám chỉ nhân tính của Con Thiên Chúa. Là con của một người phàm, Đức Giêsu là người thật trong một hoàn cảnh lịch sử; là người sống dưới lề luật, Đức Giêsu chịu ảnh hưởng và lệ thuộc vào các định chế của con người. Như thế, dù Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng lại trải nghiệm cách đầy đủ các điều kiện sống của nhân loại trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Hơn nữa, theo thánh Phaolô, Thiên Chúa chấp nhận để Con của Ngài làm người với hai mục đích: một là, để “chuộc những ai sống dưới lề luật”, nghĩa là giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết; hai là, để “được ơn làm nghĩa tử”, nghĩa là được Thiên Chúa ban cho tư cách làm con trong gia đình mới của Ngài là Hội Thánh (x. Gl 4,5).

Sau nữa, vì là Con nên khi cầu nguyện Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha (x. Mt 11,25-26; Mc 14,36; Lc 22,42; 23,34.46) và Người cũng dạy các môn đệ cầu nguyện với Cha (x. Mt 6,9; Lc 11,2). Giờ đây, Thiên Chúa lại sai Thánh Thần đến ngự trong lòng các tín hữu mà dạy cho họ nhận biết mà cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha của họ (x. Gl 4,6). Như thế, qua việc nhập thể của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và nhờ ơn Thánh Thần, nhân loại nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa là Cha; đồng thời, nhận ra phẩm giá của mình như là những người con được quyền thừa kế, nghĩa là được đồng thừa kế với Trưởng Tử là Đức Kitô (Gl 4,7; x. Rm 8,17).

Tóm lại, theo thánh Phaolô, công trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Con, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, để nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, được gọi Thiên Chúa là Cha và được đồng thừa kế với Đức Giêsu.

3. Bài Tin Mừng:

Đứng trước lời truyền tin của sứ thần, Đức Maria trải qua ba cung bậc khác nhau: từ “bối rối, lo sợ” đến “tìm hiểu, thắc mắc” và cuối cùng là “xác tín” bằng tiếng “Xin vâng”.

Trước hết, đứng trước lời chào của sứ thần “mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (1,28), Đức Maria “rất bối rối” và “lo sợ” (x. Lc 1,29-30). Mẹ bối rối và không hiểu được lý do tại sao Mẹ lại được Thiên Chúa đoái nhìn và ban đầy ân sủng, vì Mẹ biết mình chỉ là một nữ tỳ hèn mọn (x. Lc 1,48). Mẹ lo sợ vì thấy mình chỉ là một thụ tạo nhỏ bé và khiêm cung trước một Thiên Chúa quyền năng; Mẹ thấy mình không xứng đáng để được “Đức Chúa ở cùng”. Mẹ bối rối vì chưa thể hiểu được ý nghĩa của niềm vui lớn lao mà thiên sứ loan báo cho Mẹ. Sự “bối rối, lo sợ” của Mẹ là biểu hiện của một tâm hồn khiêm hạ, đơn sơ và đầy lòng kính sợ Chúa.

Thêm vào đó, sau khi nghe sứ thần loan báo về việc Mẹ “sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”, phản ứng của Đức Mẹ chuyển từ “bối rối, lo sợ” sang “thắc mắc, tìm hiểu”. Mẹ thắc mắc vì không biết việc thụ thai sẽ xảy ra thế nào, khi Mẹ chưa về chung sống với người chồng Giuse (1,27). Mẹ thắc mắc vì chưa thể hiểu vì sao con Mẹ sinh ra lại được gọi là “Con Đấng Tối Cao”; thừa kế “ngai vàng vua Đavít” nghĩa là gì? Và “trị vì nhà Jacob đến muôn đời” là thế nào? Sự thắc mắc của Mẹ là biểu hiện của một tâm hồn chiêm niệm và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Sự thắc mắc, tìm hiểu của Mẹ dẫn Mẹ đi sâu hơn vào mầu nhiệm lớn lao, mà Thiên Chúa sắp thực hiện nhờ sự cộng tác đắc lực của Mẹ.

Cuối cùng, sau khi được sứ thần mạc khải về ân sủng Thánh Thần sẽ xuống trên Mẹ và quyền năng của Thiên Chúa sẽ rợp bóng trên Mẹ; sau khi Mẹ nghe biết về việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện trên cuộc đời bà chị họ, Mẹ đã thốt lên lời “Xin vâng” với tất cả lòng xác tín vào Thiên Chúa, Đấng “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Mẹ xác tín bằng tiếng “Xin vâng”, vì Mẹ tin chắc Mẹ được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến và thực hiện nơi cuộc đời Mẹ những điều cao cả, dù Mẹ vẫn chỉ là một nữ tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa (x. Lc 1,38.48-49). Tiếng “Xin vâng” của Mẹ là sự tín thác hoàn toàn Mẹ đặt nơi Thiên Chúa, dù Mẹ hiểu chặng đường phía trước còn lắm mịt mù và chông gai.

Tóm lại, từ “lo âu, sợ hãi”, đến “thắc mắc, tìm hiểu”, để rồi cuối cùng “xác tín” bằng tiếng “Xin vâng”, Mẹ Maria là mẫu mực của một thụ tạo khiêm nhu tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và trao vào tay Ngài cả cuộc đời mình với tất cả sự tín thác, cậy trông hoàn toàn. Sự cộng tác khiêm tốn nhưng đầy xác tín của Mẹ đã mở ra một chương mới trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Đoạn sách Công vụ Tông đồ tường thuật về cuộc họp mặt của cộng đoàn các môn đệ xung quanh Mẹ Maria sau biến cố Chúa Giêsu về trời. Trong lúc hoang mang và lạc hướng, các môn đệ quây quần bên Đức Mẹ; mọi người đều đồng tâm nhất trí cầu nguyện và chờ đợi đón nhận “quyền năng từ trên cao” theo như lời Chúa Giêsu đã hứa (x. Lc 24,49). Sự hiện diện của Đức Mẹ giữa cộng đoàn các môn đệ trong giây phút khó khăn tạo nên sự nối kết và hợp nhất trong niềm xác tín vào lời hứa của Chúa Giêsu về sức mạnh của Thánh Thần. Tất cả những ai đang hoang mang, lo lắng, sợ hãi, mất định hướng, hãy cùng Mẹ Maria lặng thầm cầu nguyện và đặt trọn niềm tin nơi Chúa theo gương Mẹ.

2/ Thánh Phaolô trình bày công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nhờ đó, nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, được làm nghĩa tử của Thiên Chúa là Cha và được đồng thừa kế với Trưởng Tử Giêsu. Trong công trình cứu độ đó, Mẹ Maria đã tích cực cộng tác, để nhờ Con Thiên Chúa làm người mà nhân loại được chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa. Cũng như Mẹ Maria, mỗi Kitô hữu đều được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài, để công trình cứu độ được tiếp nối, nhờ đó mỗi ngày có thêm nhiều người con nhận ra và tôn thờ Thiên Chúa là Cha của họ, Đức Giêsu là anh em của họ, nhờ đó họ cũng được đồng thừa kế gia tài ơn cứu độ với Người.

3/ Trong biến cố truyền tin, Đức Maria đã đi từ cảm giác bối rối, lo sợ đến sự xác tín qua tiếng “Xin vâng” theo thánh ý Chúa sau khi được sứ thần giải thích cặn kẽ. Lời “Xin vâng” của Mẹ là cả một tiến trình đón nhận mặc khải, tìm hiểu và cầu nguyện, để có thể nhận ra và vâng theo ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Với tâm hồn trinh trong, khiêm hạ và phó thác, Mẹ Maria đã mở lòng ra đón nhận ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, dù Mẹ hiểu rằng: tương lai phía trước còn lắm chông gai và thử thách. Theo gương Mẹ Maria, mỗi Kitô hữu đều được mời gọi khám phá ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình và sẵn sàng cộng tác với Thiên Chúa, để chương trình cứu độ của Ngài được hiện thực hoá trong thế giới hôm nay.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Với tiếng thưa “Xin vâng” khiêm tốn, Ðức Maria đã quảng đại cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho mọi Kitô hữu. Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta cùng chung lời ngợi khen Chúa và tha thiết cầu xin:

1. Đồng tâm nhất trí và cầu nguyện là các đặc tính căn bản của đời sống Giáo Hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hàng Giám mục trong tinh thần vâng phục yêu mến; đồng thời, luôn hiệp thông với các ngài trong mọi hoạt động và lời cầu nguyện.

2. Đức Maria đã tích cực cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới được tràn đầy Chúa Thánh Thần, luôn có những sáng kiến và chính sách phù hợp với Tin Mừng, tôn trọng tự do và quyền lợi của người dân, nhằm xây dựng một xã hội văn minh đích thực.

3. Đức Maria là mẫu gương sống Phúc Âm qua thái độ “Xin vâng” trước ý định của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu đang trải qua khó khăn hay đau khổ về tinh thần lẫn thể xác, biết học gương nhân đức của Mẹ, luôn sẵn sàng đón nhận và mau mắn thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời.

4. Kinh Mân Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức giá trị của kinh Mân Côi, hết lòng yêu mến và siêng năng thực hành lời kinh này, như một phương thế hữu hiệu để sống và loan báo Tin Mừng.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn trung thành gắn bó mật thiết với Đức Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. – Amen.

Ban MVPT TGP.