23/12/2024

Hành tinh nóng đến nỗi mọi kim loại đều bốc thành hơi

Hành tinh nóng đến nỗi mọi kim loại đều bốc thành hơi

Một vệ tinh được giao trọng trách săn lùng các thế giới ngoài hệ mặt trời vừa quan sát thành công một trong những hành tinh nóng nhất từng được phát hiện từ trước đến nay.
Hình ảnh mô phỏng một hệ hành tinh nóng /// AFP/Getty
Hình ảnh mô phỏng một hệ hành tinh nóng AFP/GETTY
Vệ tinh phân loại các hành tinh ngoài Trái đất (CHEOPS) của Cơ quan không gian châu Âu (ESA) đã dõi theo hành tinh WASP-189b, đang ở cách địa cầu khoảng 326 năm ánh sáng.
Được xếp vào dạng “sao Mộc nóng”, nhiệt độ của bề mặt hành tinh này lên đến 3.200oC. Trong khi chỉ bằng khoảng phân nửa nhiệt độ bề mặt của mặt trời chúng ta, WASP-189b vẫn là một trong những hành tinh “khủng khiếp nhất” từng lọt vào tầm quan sát của nhân loại, theo AFP.
Với kích thước lớn gấp 1,6 lần sao Mộc, WASP-189b chỉ mất 2,7 ngày để hoàn tất quỹ đạo quanh sao trung tâm, có nghĩa là phân nửa bề mặt hành tinh luôn là ban ngày, và phần đối diện là ban đêm.
“WASP-189b mất không đầy 3 ngày để xoay quanh sao trung tâm, và khoảng cách của nó với sao trung tâm gần gấp 20 lần so với Trái đất-mặt trời”, theo nhà vật lý học thiên thể Monika Lendl của Đại học Geneva (Thụy Sĩ).
Hành tinh nóng đến nỗi mọi kim loại đều bốc thành hơi - ảnh 1

Mô phỏng hành tinh “địa ngục” ở gần sao trung tâm ESA

Điều bất ngờ là ngôi sao mà hành tinh trên xoay quanh, tên HD 133112, có nhiệt độ bề mặt nóng hơn mặt trời của chúng ta khoảng 2.200oC, biến nó thành một trong những ngôi sao nóng nhất từng được phát hiện, mà vẫn duy trì được hệ thống hành tinh.
Tốc độ xoay của HD 133112 nhanh đến nỗi vùng xích đạo của ngôi sao phình to.
CHEOPS đã có thể dõi theo cuộc hành trình của WASP-189b, theo đó hành tinh biến mất ở đằng sau sao trung tâm và kế đến đi ngang trước mặt. Điều này cho phép các chuyên gia ESA khám phá nhiều đặc điểm của hành tinh “địa ngục”, bao gồm độ sáng, nhiệt độ, kích thước và hình dạng của đối tượng.
“Tính đến nay, chỉ có một vài hành tinh mà chúng ta biết đang tồn tại xung quanh các ngôi sao nóng tương đương, và cho đến nay, đây là hệ sao – hành tinh sáng nhất từng quan sát được”, tiến sĩ Lendl giải thích.
Phát hiện mới đã chứng tỏ năng lực của CHEOPS, cho phép đo đạc độ sáng của các thiên thể xa xôi với độ chính xác ấn tượng và cung cấp đặc điểm vô cùng chi tiết.
Trong tương lai, những sứ mệnh tiếp theo của vệ tinh này là hàng trăm hành tinh được xếp vào dạng từ siêu Trái đất đến thiên thể cỡ Hải Vương tinh.
HẠO NHIÊN
TNO