Chúa Nhật XXVI TN A 2020: Lời nói và hành động
Các bài Thánh Kinh trong Chúa Nhật hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về mối tương quan giữa lời nói và hành động, cũng như phải hành động thế nào để lời nói đi đôi với việc làm như Đức Giêsu. Người chính là Lời hành động của Thiên Chúa.
Chúa Nhật XXVI TN A 2020
Lời nói và hành động
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh trong Chúa Nhật hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về mối tương quan giữa lời nói và hành động, cũng như phải hành động thế nào để lời nói đi đôi với việc làm như Đức Giêsu. Người chính là Lời hành động của Thiên Chúa .
1. Tương quan giữa lời nói và hành động
Con người chúng ta có ba hoạt động chính: suy nghĩ, nói năng và hành động. Cả 3 liên kết mật thiết với nhau. Con người dùng tinh thần để có những hiểu biết, suy tư, nhận thức rồi dùng ý chí để diễn tả chúng thành lời nói và thể hiện chúng thành những hành động nhờ thân xác của mình. Tuy nhiên, có những lời nói vô nghĩa, vì chúng không đem lại một ích lợi nào. Thậm chí có những lời nói gian dối, đi ngược với sự thật, và những lời tiêu cực gây hại cho người khác. Tương tự, có những hành động vô nghĩa và tiêu cực vì không đem lại ích lợi và làm thiệt hại lớn lao cho người khác, vật khác.
Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 21,28-32), Chúa Giêsu cho ta thấy người con thứ nhất đã tích cực hành động theo ý muốn của người cha, dù lúc đầu anh đã nói lời phản kháng. Người con thứ hai chỉ nói mà không làm, dù rằng ban đầu anh đã nói những lời ngọt ngào, hiếu thảo với cha, nhưng lại không làm theo ý muốn của cha.
Trong thời đại bùng nổ thông tin với các phương tiện truyền thông xã hội như truyền thanh, truyền hình, điện thoại, các mạng xã hội, internet… mối tương quan giữa lời nói và hành động thường rất lỏng lẽo. Rất nhiều mặt hàng người ta quảng cáo trên các phương tiện hằng ngày bằng những lời có cánh, những chiêu trò hấp dẫn, nhưng chỉ để lừa bịp người mua. Nhiều người nắm giữ quyền lực trong xã hội chỉ hứa hẹn suông để quảng cáo tên tuổi của mình, để cử tri dồn phiếu cho mình. Khi đạt được mục đích, họ phủi tay trốn tránh trách nhiệm và không hành động như lời đã hứa. Do đó, người ta thường khuyên chúng ta rằng: lời nói phải đi đôi với hành động. Nói mà không làm, hoặc làm mà không nói đều là những thái độ không xứng đáng với bản chất biết suy tư của con người.
Trong lĩnh vực đạo đức, con người thường trọng hành động hơn lời nói. Qua dụ ngôn Tin Mừng, Đức Giêsu đã xác định cho chúng ta thấy người con thứ nhất, dù nói lời bất hiếu, nhưng đã hành động theo ý của người cha; còn người con thứ hai dù nói lời thảo hiếu, nhưng lại không hành động. Do đó, hành động có giá trị hơn lời nói. Đức Giêsu đã áp dụng dụ ngôn đó cho những thượng tế và kỳ mục, họ là hình ảnh của người con thứ hai. Họ đã nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa qua ông Gioan Tẩy Giả, nhưng họ đã không hành động, không hối cải. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm, khi nghe được lời mời gọi của Chúa, đã hối cải và đi vào con đường ngay chính. Đức Giêsu cũng đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Không phải những ai nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có những ai hành động theo ý Chúa Cha mà thôi” (Mt 7,21).
Trong đời sống tín hữu, chúng ta có thể nói nhiều lời tốt đẹp qua những giờ cử hành phụng vụ, cầu nguyện với Chúa hay đối thoại với nhau, nhưng chúng ta được mời gọi hành động theo những lời đó. Hơn nữa, lòng dạ con người có thể đổi thay, nên lời nói và hành động có thể không đi đôi với nhau. Tuy nhiên, thái độ sau cùng mới có giá trị để xác định bản chất con người.
Tiên tri Êzêkiel trong Bài đọc I (x. Ez 18,25-28) đã giải thích cho chúng ta rằng: người công chính có thể từ bỏ đường ngay nẻo chính để sống một cuộc đời gian ác; cũng như người gian ác có thể bỏ con đường bất chính để sống theo giới răn tốt đẹp của Thiên Chúa. Cả hai đều bị xét xử, luận phạt theo lẽ công bằng của Người. Nên thái độ cuối cùng mới xác định con người của họ. Nếu hành động cuối cùng của con người là công chính thì họ sẽ được thưởng, còn bất chính sẽ bị phạt.
2. Đức Giêsu là lời hành động của Thiên Chúa
Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, người ta đã nghe rất nhiều những lý thuyết về lời nói và hành động. Các bậc thánh hiền, danh nhân dạy ta phải nói như thế nào, phải hành động ra sao. Ví dụ: “ Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Nhưng vì người ta đặt ra quá nhiều lý thuyết theo từng chủ nghĩa hay hệ tư tưởng, khiến chúng ta hỗn loạn không biết phải theo ai hay chọn lý thuyết nào. Ví dụ, những người theo hệ tư tưởng hay chủ nghĩa tư bản nhấn mạnh đến tự do cá nhân, đến những quyền lợi riêng tư của con người. Trong khi những người theo chủ nghĩa cộng sản lại nhấn mạnh đến ý thức tập thể, đến giá trị của cộng đồng, nên chỉ những lời nói và hành động nào phục vụ cộng đồng xã hội mới có giá trị.
Còn tín hữu Công giáo đã được Giáo Hội giới thiệu Đức Giêsu: Người chính là lời hành động của Thiên Chúa. Nhìn vào Đức Giêsu, chúng ta biết mình phải nói như thế nào vì Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa và sẽ hành động ra sao, vì Người đã trở thành con người, giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Hiến chế tín lý về mạc khải Dei Verbum của công đồng Vaticano II dạy ta về những điểm này (x. số 1-4).
Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê trong Bài đọc II (x. Phl 2,1-11) diễn tả cho chúng ta toàn thể con người Đức Giêsu: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự”. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta noi gương Đức Giêsu: “Anh em hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Khi làm mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Khi hành động: anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô”.
Giáo Hội thấy chúng ta bị chao đảo giữa vô vàn lý thuyết và hành động nên đã hướng dẫn chúng ta hãy nhìn vào Đức Giêsu và giới thiệu cho chúng ta những nguyên tắc hành động. Năm 2014, Giáo Hội giới thiệu cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (HTXHCG) giúp chúng ta biết phải hành động như thế nào và các lĩnh vực nào. Vì lý thuyết đó rất rõ ràng và phong phú, nhưng lại hơi phức tạp, nên năm 2016, ĐTC Phanxicô giới thiệu cuốn Docat để tóm tắt những điểm cần thiết. Do theo nghĩa tiếng Anh là hành động, cat là từ viết tắt của “catholicism”, có nghĩa là giáo lý; Docat là giáo lý hành động.
Có 4 nguyên tắc phải theo khi hành động: nhân vị, công ích, bổ trợ và liên đới.
– Hành động theo nguyên tắc nhân vị (x. Tóm lược HTXHCG, số 105-159; Docat, số 47-83). Chủ thể hành động và đối tượng nhận hành động đều là những con người có phẩm giá cao quý, vì được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, nên phải hành động với ý thức và ý chí tự do, đồng thời cũng nhận trách nhiệm về hành động của mình.
– Hành động theo nguyên tắc công ích (x. Tóm lược HTXHCG, số 164-184; Docat, số 87-94): làm không vì tư lợi, để chiều theo tham vọng hay dục vọng, nhưng làm vì ích lợi chung của toàn thể cộng đồng.
– Hành động theo nguyên tắc bổ trợ (x. Tóm lược HTXHCG, số 185-188; Docat, số 95-99): làm để trợ giúp và bổ túc cho người khác chứ không làm thay họ.
– Hành động theo nguyên tắc liên đới (x. Tóm lược HTXHCG, số 192-196; Docat, số 100-103): luôn làm với người khác, cộng tác với người khác. Công việc nào càng liên đới nhiều càng có giá trị lớn.
Lời kết
Hôm nay chúng ta được mời gọi liên kết hành động và lời nói thành một như Đức Giêsu. Khi nói và hành động giống như Người, chúng ta sẽ đem lại cho con người và thế giới nhiều niềm vui, an lành và ơn cứu độ, để thấy mỗi giây phút ta sống đều có giá trị vình hằng.
HKK