27/12/2024

Đồng bằng sông Cửu Long lo ‘đói lũ’

Đồng bằng sông Cửu Long lo ‘đói lũ’

Với dự báo lũ sẽ về chậm với mực nước thấp, thậm chí “đói lũ” năm nay, nhiều người dân các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL sẽ đối diện với nhiều khó khăn, không chỉ mất mùa đánh bắt cá mà mùa màng cũng thất bát do chuột bọ, sâu rầy tấn công.

 

Đồng bằng sông Cửu Long lo đói lũ - Ảnh 1.

Nông dân xã Phú Long, huyện Phú Tân, An Giang giăng lưới trên kênh Phú Lạc nhưng nước thấp không có cá như những năm trước – Ảnh: BỬU ĐẤU

Trong khi thấp thỏm chờ nước lũ về, nhiều người dân Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng chưa biết xoay xở mưu sinh như thế nào bởi đã quá quen với việc kiếm sống nhờ lũ bao năm nay, làng nghề đóng xuồng cũng vắng khách, ruộng đồng thiếu phù sa và có nguy cơ bị thiên địch phá hoại…

Nhiều người dân đã đóng cửa nhà, đưa gia đình đi Bình Dương hay Đồng Nai để làm công nhân, kiếm sống qua mùa… không có lũ.

Thấp thỏm chờ nước lên

Chỉ về khoảnh ruộng phía sau nhà, ông Đỗ Văn Sang (ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, An Phú, An Giang) cho biết vào thời điểm này mọi năm, nước đã lênh láng tràn đồng nhưng năm nay nước vẫn còn sát đáy sông. Do đó, bao nhiêu hi vọng về một mùa đánh bắt cá của ông Sang và nhiều ngư dân khác trong vùng đã trở thành nỗi thất vọng lớn.

“Tui đã đầu tư gần chục triệu để mua lưới mới. Nhưng giờ câu, lưới đành xếp xó bên hông nhà” – ông Sang nói.

Theo ông Huỳnh Văn Đằng (xã Phú Hữu), sau một mùa nước 2019 khan hiếm cá, nhiều ngư dân kỳ vọng sẽ “gỡ gạc” trong mùa nước nổi năm nay, bởi kinh nghiệm cho thấy sẽ có “năm trúng năm thất”.

Nhưng qua tháng 7 âm lịch, thời điểm mà dân gian vẫn thường nói “tháng bảy nước nhảy tràn bờ”, mực nước vẫn thấp lè tè, khác xa với hình ảnh nước lên 3m và tràn đồng lênh láng vào cùng thời điểm này năm trước.

“Nước không lên nên cuộc sống bà con đang khó khăn lắm. Ai ai cũng mong chờ có nước để đặt cua, lọp tôm, dớn đủ thứ hết. Trông chờ vào lũ mà không có, nhiều gia đình đã bỏ quê, kéo nhau đi lên Đồng Nai hay Bình Dương… để làm thuê làm mướn. Nhà tui chắc cũng phải chuyển nghề thôi vì chưa có lũ, chứ biết sao bây giờ” – ông Đằng nói.

Ông Mai Văn Bộ – trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Phú – cho biết so với cùng kỳ, mực nước trên các nhánh sông hiện thấp hơn 1m. Với tình trạng nước lên thấp và không xuất hiện lũ như hiện nay, nông dân trồng hoa màu sẽ tốn nhiều chi phí sản xuất hơn, nhất là các chi phí cày, xới hay phun xịt thuốc trừ cỏ. Không có lũ, người dân biên giới An Phú sẽ gặp khó khăn khi không được mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản.

“Đến thời điểm này chỉ có 2 xã Phú Hội và Nhơn Hội giáp với Campuchia có chút nước lũ nhưng thấp hơn nhiều so với những năm trước. Nếu có lũ, sau khi nước rút, người dân chỉ làm đất nhẹ rồi xuống giống lúa. Còn không có lũ và mực nước thấp kéo dài, người dân sản xuất lúa sẽ gặp khó khăn và tốn chi phí nhiều hơn cho sản xuất lúa, do phải phun xịt thuốc diệt cỏ và nhiều phí khác mới xuống giống được” – ông Bộ nói thêm.

Đồng bằng sông Cửu Long lo đói lũ - Ảnh 2.

Ngư dân thu hoạch sản vật trông chờ vào nước sông Mekong – Ảnh: CHÍ QUỐC

Lo sâu rầy, chuột bọ phá lúa

Ông Ngô Quốc Liệp (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết để chuẩn bị trước cho mỗi mùa nước lên, nhiều gia đình đã đi vay mượn để mua ngư cụ, đầu tư lớn nhằm chuẩn bị đánh bắt thủy sản.

“Với nhiều người dân tại Hồng Ngự, lũ là cả gia tài mà sông Mekong mang lại cho người dân vùng hạ nguồn. Tâm lý đón mùa nước nổi với bao nhiêu kế hoạch từ lâu đã trở thành thói quen, tập quán. Thậm chí, bao nhiêu hi vọng đói no cũng chờ vào mấy tháng này. Nhưng bao nhiêu chờ đợi và chuẩn bị lại phá sản hết vì lũ vẫn chưa thấy, mực nước vẫn đang rất thấp” – ông Liệp nói.

Cũng theo ông Liệp, những năm trước đây, người nhiều kinh nghiệm có thể dự báo được nước lên bao nhiêu, lũ cao hay thấp nhưng hiện nay thì không thể do quy luật con nước đã bị đảo lộn, bởi thời tiết trở nên thất thường hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của việc ngăn dòng chảy để làm thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

Và hệ lụy của tình trạng “đói nước” trong mùa nước lên đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành nghề. Chẳng hạn, tại làng nghề đóng xuồng (rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) nơi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chỉ lác đác vài hộ có đơn đặt hàng mà toàn là đóng xuồng cho các khu, điểm du lịch.

Anh Nguyễn Văn Măng – người vừa nhận đơn hàng 5 chiếc ghe tam bản cho miệt Bến Tre – cho biết không ai đặt xuồng để đánh bắt thủy hải sản do không có lũ, nước không lên. “Mấy cái ghe này là khách hàng dưới Bến Tre họ đặt để trong các khu du lịch cho khách chèo. Cả năm chờ có mùa nước mà kiểu này thì khó sống quá” – anh Măng than.

Dù huyện đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp) có kế hoạch xả lũ lấy phù sa cho khoảng 9.000ha đất sản xuất lúa của nông dân nhưng vẫn đang mỏi mắt chờ nước lên. Nếu không có nước vào đồng, sẽ không có phù sa bồi đắp mà nông dân cũng gặp khó tứ bề, nhất là không thể diệt được mầm bệnh, diệt cỏ mà chuột cũng hoành hành nhiều hơn.

“Mấy năm trước cỡ rày là đã đi giăng lưới, giăng câu rồi. Còn năm nay nằm chèo queo ở nhà, mấy tháng nước mà không có đồng ra đồng vô thì phải thắt lưng buộc bụng chứ sao giờ. Tới chừng sạ lúa sẽ khó tránh khỏi bị chuột bọ và sâu rầy phá hoại” – ông Phan Văn Minh (xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) nói.

Đồng bằng sông Cửu Long lo đói lũ - Ảnh 3.

Các kỹ thuật viên hỗ trợ nông dân An Giang thả tôm vào vùng thực hiện dự án “chuyển đổi sinh kế bền vững” bằng mô hình lúa – tôm – Ảnh: BỬU ĐẤU

Chủ động sống chung với không có lũ

Trong khi nhiều người còn trông đứng trông ngồi chờ tình hình nước lên hay xuống, ông Nguyễn Chí Công (xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) đã chuẩn bị cho mình cả 2 phương án đối phó với tình huống nước dâng cao hoặc khi lũ không về. Nếu nước lên cao, ông Công đã có sẵn ngư cụ để đánh bắt thủy hải sản.

“Với tình huống thiếu nước như hiện nay, tui đã có máy bơm chuẩn bị trước đó để bơm nước vào nội đồng bảo vệ đàn cá nuôi. Chứ sớm hôm chờ nước về mà bỏ đồng hoang thì lấy gì mà sống qua ngày đây, nhất là mùa nước nổi rất thất thường những năm gần đây” – ông Công nói.

Tương tự, nhiều nông dân khác tại Hồng Ngự cũng đã chủ động tôn tạo bờ để thả cá nuôi lẫn bao giữ cá tự nhiên cho hiệu quả ổn định.

“Quan trọng nhất là phải thoát khỏi tâm lý “chim trời cá nước”, cứ lệ thuộc vào lũ. Nhiều năm nay lũ có còn ổn định như trước nữa đâu. Mình không tìm hướng đi khác để tự ứng phó nếu lũ không về thì sẽ chịu thiệt thòi” – nông dân Bùi Văn Bình (Hồng Ngự) đúc kết.

Trước đó, ngay từ sau vụ mùa, ông Bình đã đầu tư nuôi 1.000 con vịt trên đồng để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Đến mùa nước lên, đàn vịt nhà này cũng đến lứa thu hoạch. Diện tích mặt nước được bao ví để giữ cá tự nhiên và thả cá nuôi. Cũng bằng cách này, nhiều nông dân ở Hồng Ngự vẫn kiếm sống được dù không có lũ, nước không lên.

“Không giao phó sinh kế cho thiên nhiên” là những gì mà những nông dân tham gia tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và sinh kế bền vững thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” (tiểu dự án ICRSL – WB9), với mô hình sinh kế 2 lúa – 1 cá đồng/cá tự nhiên, đã làm trong 2 năm qua.

Theo những hộ dân tham gia mô hình sinh kế 2 lúa – 1 cá, sau khi thu hoạch cá xong sẽ chuẩn bị cho vụ lúa mới. Ruộng lúa vừa được bồi đắp lớp phù sa, các loại sinh vật gây hại được cá ăn bớt nên chi phí phân thuốc sẽ giảm xuống, lúa làm ra cũng sạch hơn.

Ông Trương Danh Lam (xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, An Giang), một trong những hộ được chọn làm điểm triển khai thực hiện dự án “chuyển đổi sinh kế bền vững” thông qua mô hình lúa – tôm, cho biết rất thích mô hình này, bởi làm 2 vụ lúa xong sẽ bắt tay nuôi tôm khi không có lũ về.

Do được WB9 hỗ trợ 50% (gần 150 triệu đồng) chi phí con giống, tiền thức ăn, hóa chất, thuốc…, nhiều hộ dân tại địa phương này, trong đó có gia đình ông, đã được tiếp sức để ứng phó với sự thất thường của thời tiết.

“Tui thấy phấn khởi khi được hỗ trợ thực hiện dự án chuyển đổi sinh kế bền vững như thế này” – ông Lam nói .

Đồng bằng sông Cửu Long lo đói lũ - Ảnh 4.

Ông Đỗ Văn Sang bên mớ lưới xếp xó sau nhà chờ nước lên – Ảnh: TIẾN TRÌNH

Chỉ bằng 45% trung bình nhiều năm

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguồn nước ở vùng thượng và trung lưu sông Mekong, tổng lượng nước mùa lũ (từ ngày 1-6 đến 20-9) tại trạm Kratie (Campuchia) – trạm khống chế toàn bộ nước trên dòng chính sông Mekong về hạ lưu – bị sụt giảm rất mạnh, đạt khoảng 92 tỉ mét khối, bằng 45% trung bình nhiều năm và thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 106,5 tỉ mét khối.

Cũng theo báo cáo này, nếu lũ về muộn và thấp sẽ ảnh hưởng đến bà con ở phía đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là ở Đồng Tháp và An Giang, nhất là người nuôi thủy sản đang chuẩn bị con giống để thả lên đồng khi có lũ. Do đó, người nuôi thủy sản nên cẩn thận, tránh đầu tư vào con giống quá nhiều cho năm nay.

Yêu cầu Trung Quốc xả nước ở thượng nguồn

Theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong (MRC), có nhiều nguyên nhân dẫn đến dòng chảy thấp và hạn hán trong năm nay như lượng mưa thấp bất thường do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, dòng chảy thấp kéo dài từ năm 2019 và đóng góp của lưu lượng nước thấp hơn từ các nhánh sông Mekong.

Đặc biệt, các đập thủy điện trên dòng chính ở lưu vực thượng lưu sông Mekong và các đập phụ lưu ở khu vực hạ nguồn con sông này cũng gây ảnh hưởng đến dòng chảy.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có thể bị giảm năng suất ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó năng suất nông nghiệp ở Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng. Do đó, MRC khuyến cáo các nước thành viên (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) nên tìm kiếm các nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp nước, đồng thời yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và các nhà khai thác thủy lợi điều chỉnh các hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát khả năng xói mòn bờ.

Đặc biệt, nếu các dòng chảy thấp vẫn tiếp tục, MRC đề nghị các quốc gia thành viên nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả “nước bổ sung” như đã từng làm vào năm 2016, nhất là trong mùa khô sắp tới.

* Ông Vũ Đức Long (phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia):

Mùa lũ thấp nhất 10 năm qua

Khoảng cuối tháng 9 và tháng 10-2020, lượng mưa trên lưu vực thượng lưu sông Mekong có thể sẽ được cải thiện và tăng tới mức trung bình nhiều năm. Nhưng vào đầu mùa lũ, các hồ chứa thường bắt đầu tích nước theo quy trình nên mực nước dọc dòng chính sông Mekong không thể tăng cao, vẫn thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Những tháng tiếp theo, vùng hạ lưu sông Mekong vẫn tiếp tục có mưa nhưng tổng lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mekong vẫn thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc ở mức thấp (dưới báo động 1) và xuất hiện muộn vào giữa tháng 10 (chậm khoảng 3 tuần và thấp hơn giá trị đỉnh lũ trung bình nhiều năm khoảng 5.000 m3/s) và sẽ giảm nhanh sau đó. Tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này trong toàn bộ mùa lũ năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% (thiếu khoảng 130 tỉ m3) và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 15%. Như vậy, năm 2020 có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Mưa ít khiến tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2020 – 2021 từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt 20-35% so với trung bình nhiều năm nên tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt. Thời gian xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện khoảng đầu tháng 12, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung vào tháng 2 và tháng 3, sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn vào tháng 3, tháng 4.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 – 2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL. Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nước, mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính.

C.TUỆ

TIẾN TRÌNH – BỬU ĐẤU – NGỌC TÀI
TTO