Giám đốc điều hành theo mô thức giáo huấn xã hội Công giáo:
Kế hoạch chiến lược của Vatican cho cộng đồng doanh nghiệp

Các nguyên tắc của giáo huấn xã hội Công giáo về phẩm giá con người, công ích, liên đới và bổ trợ gợi hứng một ‎ý thức cảm thức sâu đậm rằng có điều gì đó hơn là đơn thuần chỉ tìm cách tối đa hóa khối tài sản của các chủ doanh nghiệp.

Giám đốc điều hành theo mô thức giáo huấn xã hội Công giáo:

Kế hoạch chiến lược của Vatican cho cộng đồng doanh nghiệp

MICHAEL NAUGHTON

Sư huynh Tùng dịch

Michael Naughton là giám đốc Viện John A. Ryan về Tư tưởng Xã hội Công giáo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Công giáo tại Đại Học Thánh Thomas tại Minneapolis, Minn

Khi đối mặt với những nguyên tắc xã hội Công Giáo, nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường có một ứng đáp nước đôi mà Andre Delbecq, nguyên Khoa trưởng Trường Kinh Doanh của Đại Học Santa Clara đã diễn tả tinh tế nhất: “Ta dường như nhận thức điều mà lòng ta mong chờ, nhưng thể hiện bằng hành vi cụ thể còn mong manh”. Các nguyên tắc của giáo huấn xã hội Công giáo về phẩm giá con người, công ích, liên đới và bổ trợ gợi hứng một ‎ý thức cảm thức sâu đậm rằng có điều gì đó hơn là đơn thuần chỉ tìm cách tối đa hóa khối tài sản của các chủ doanh nghiệp. Nhưng một khi ơn linh hứng‎ này đi vào thực hành, các hành vi cụ thể khó định vị và khát vọng trở thành cảm xúc mông lung.

Dù truyền thống xã hội Công giáo rất quan trọng và phong phú, những nguyên tắc của truyền thống không được thông truyền hữu hiệu đến cộng đồng doanh nghiệp. Đối với nhiều doanh nhân, tiếng là cảm nhận là hảo ý từ những nguyên tắc xã hội của Giáo hội nhưng lại rất đỗi trừu tượng để gây bất kỳ tác động nào. Những nguyên tắc này hầu như chẳng đâu vào đâu cả, chỉ phiêu diêu trên tầng l‎ý thuyết. Như một vị giám đốc điều hành đã nói với tôi mới đây: “Tôi chẳng biết công ích là cái quái gì sất”. Đa phần thì các doanh nhân những muốn đi từ nguyên tắc đến thực hành mà chỉ nhận được sự trợ giúp quá ít của Giáo Hội hay học viện.

Khoảng cách này không dễ bắc cầu, nhưng mới rồi có một tài liệu được Hội đồng Giáo hoàng về Công l‎ý và Hòa bình ban hành là một bước đi đúng hướng. Ngày 30/03/2012, Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng đã giới thiệu một tài liệu có tựa đề ”Ơn gọi lãnh đạo doanh nghiệp” với 2.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Đại hội Thế giới Liên hiệp Kitô giáo Quốc tế các Lãnh đạo Doanh nghiệp tại Lyon , Pháp. Tài liệu mà tôi đã phối hợp và giúp soạn thảo với sự cộng tác của các vị đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, báo hiệu một bước ngoặt. Giáo Hội kín múc ra từ kho tàng truyền thống phong phú của mình mọi thứ nhưng hầu như muốn tuyên bố rằng “Chúa yêu các doanh nghiệp” và đưa ra những cách thức cụ thể để kết nối nguyên tắc với thực hành.

Kế họach kinh doanh

“Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp” ứng đáp lời kêu gọi của Đức Bênêđictô XVI trong “Caritas in Veritate” (2009) về “một cách hiểu mới thâm sâu về doanh nghiệp kinh doanh.”

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng giới kinh tế cần phải tái khám phá sâu sắc những nguyên tắc luân l‎ý và tâm linh, những nguyên tắc này sẽ hướng giới kinh tế đến những thực hành kinh doanh tốt hơn, hữu hiệu hơn và nhân bản hơn. Như tất cả các định chế, dù là giáo hội, chính phủ hay giáo dục, doanh nghiệp cần phải canh tân và cải cách. Doanh nghiệp cần tư duy lại mục đích, cứu cánh của mình, doanh nghiệp phải đóng góp cho công ích thay vì bòn rút từ công ích.

Các nguyên tắc xã hội Công giáo giúp làm rõ cách hiểu mới này. Với những sự việc đang xảy ra với chúng ta, nhu cầu đã rõ ràng và không thể có dịp nào tốt hơn để chú tâm đến bộ nguyên tắc này. Tại tâm điểm của tài liệu là xác tín rằng các viên chức điều hành doanh nghiệp được kêu gọi không chỉ để làm kinh doanh, nhưng làm một loại lãnh dạo trong kinh doanh.

Các hoạt động của doanh nhân có ý nghĩa vì chúng khảm một dấu ấn đặc thù trên các cộng đồng lao động của họ, một dâu ấn sẽ đưa họ và những người khác đến một nơi nào đó. Cách đây mười năm, cha John Kavanaugh, S.J. đã viết trong tạp chí này rằng “những lựa chọn của chúng ta sẽ là những dấu chỉ hàng đầu của định mệnh chúng ta…” Công việc của con người, đặc biệt là công việc của các nhà lãnh đạo kinh doanh, không phải là một ơn gọi bậc hai, nhưng như tài liệu “Ơn gọi” đã khẳng định, là “một ơn gọi đích thực của con người và của Kitô hữu” xuất phát từ Thiên Chúa. Tài liệu đã xem kinh doanh không chỉ dưới ánh sáng của những đòi hỏi pháp l‎ý tối thiểu – “chớ ăn gian, nói dối hay lường gạt” – nhưng như một ơn gọi mang lại “một sự đóng góp không thể thay thế cho cuộc sống vật chất và ngay cả sự hưng thịnh tâm linh của nhân loại.” Không có gì là hạng hai ở đây cả.

Điều các doanh nghiệp nên làm

Đáp ứng những nhu cầu của thế giới. Doanh nghiệp phải sản xuất hàng hóa thực sự tốt và những dịch vụ thực sự phục vụ; điều đó đóng góp cho công ích. Các doanh nghiệp phải liên đới với người nghèo bằng cách sẵn sàng trước những cơ hội phục vụ thay vì tước đoạt, phục vụ tồi những người đang thiếu thốn.

Tổ chức công việc tốt và hữu hiệu. Doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng bằng cách cổ vũ phẩm giá đặc biệt của lao động con người. Chúng cung cấp, qua việc bổ trợ, những cơ hội cho nhân viên để thực thi quyền bính thích hợp trong khi đóng góp vào tổn chỉ của tổ chức.

Tạo ra của cải bền vững và phân chia công bằng. Doanh nghiệp xây dựng một mô hình quản lý tài nguyên – vốn, con người hoặc môi trường – mà chúng đã nhận. Doanh nghiệp phải công bằng trong việc phân phát các nguồn lực cho tất cả các người có lợi ích: nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp, và cộng đồng.

Nhưng ơn gọi này không phải không có những thách đố, đặc biệt trong thế giới ngày nay. Đứng hàng đầu trong những khó khăn đó là một cuộc sống phân lập, hay điều mà “Hiến chế mục vụ của Giáo hội về thế giới ngày nay” của Công đồng Vatican II gọi là “sự phân cách giữa đức tin mà nhiều người tuyên xưng với đời sống hằng ngày của họ” (số 43). Công đồng đã xem sự phân cách đó như “một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta”. Tôn giáo và gia đình rất thường được xem như chưa hẳn là một thành tố của cơ cấu xã hội mà chỉ là một vùng riêng tư nơi mà các cá nhân sống những sở thích riêng tư của mình. Doanh nghiệp được xem như một hoạt động máy móc nhập và xuất đòi hỏi phải được tổ chức để đạt được hiệu suất tối đa. Đời sống phân cách này sẽ làm câm lặng những đòi hỏi xã hội của đức tin và che khuất thay vì tỏ lộ “gương mặt đích thực của Thiên Chúa và của đạo giáo” (số 19).

Để chỉ rõ những ý nghĩa của ơn gọi này, “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” được trình bày theo cấu trúc chung trong truyền thống xã hội Công giáo: “XEM, XÉT, LÀM.” Mọi người trong kinh doanh đều “xem” thấy sự phức tạp càng ngày càng gia tăng trong việc kinh doanh. “Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp” không tránh né những xu hướng nghiêm trọng và phức tạp trong kinh doanh và những vấn đề luân l‎ý và tâm linh mà chúng tạo ra. Trong khi công nhận những thách đố và cơ hội đa dạng, tài liệu tập trung trên bốn điểm: toàn cầu hóa, công nghệ truyền thông, tài chính hóa và thay đổi văn hóa. Những xu hướng hay dấu hiệu này, như tài liệu giải thích, là “một sự pha trộn phức tạp những yếu tố” đã gây ra “một sự giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa sự thật và sai lầm, giữa cơ hội và đe dọa.”

Tài liệu mô tả, chẳng hạn, hiện tượng “tài chính hóa” đang tăng, một hạn từ học thuật để chỉ sự chuyển đổi trong nền kinh tế tư bản từ sản xuất sang tài chính, được xem như là yếu tố quyết định của phát triển kinh tế. Trong một nền kinh tế thị trường thực sự trật tự lớp lang, tàì chánh phục vụ cho sản xuất, phát triển và tạo nên của cải, cho phép đầu tư sản xuất và cải thiện nguồn nhân lực. Ngược lại, “tài chính hóa” sẽ hoán chuyển mối quan hệ này, và sản xuất sẽ phải phục vụ cho tài chính.

Hãy hỏi bất cứ một doanh nhân nào ngày nay, và hầu hết họ sẽ nói với bạn rằng việc kinh doanh trên toàn thế giới đã tăng cường xu hướng sản phẩm hóa các mối quan hệ và biến chúng thành một giá trị – giá cả – giá của một sản phẩm, trả lương lao động và giá trị tiền bạc của một công ty. Câu cửa miệng trong kinh doanh và càng ngày càng lan sang các lãnh vực khác của đời sống, là “nếu không thể đo lường được thì nó không hiện hữu”. Và một đo lường rõ ràng trong kinh doanh là tài chính. Nếu không có một ý‎ thức mạnh mẽ về ơn gọi, tài chính hóa sẽ trở thành một cơ chế mặc định, nó sẽ chuyển kinh doanh từ những các tương quan nhân đức sang sợi chỉ mỏng manh giá cả.

Những nguyên tắc thực hành

Tâm điểm của tài liệu là việc làm rõ lại những nguyên tắc xã hội của Giáo hội cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để “phán đoán” và biện phân điều gì là tốt hay chưa tốt trong kinh doanh. Tài liệu đề ra sáu nguyên tắc thực hành trong mối quan hệ với ba mục tiêu thiết yếu trong kinh doanh. Sáu nguyên tắc này cố gắng giúp các doanh nhân nhìn mọi sự một cách tổng thể chứ không chỉ từng phần. Các doanh nhân bị cám dỗ gắn bó hơn với một nguyên tắc hay một lãnh vực kinh doanh so với một điều khác. Mối gắn bó thường nhất là gắn bó với việc làm giàu và dịch vụ mà bỏ mặc việc phân bố của cải và công bằng, tập trung vào những cổ đông hơn mà không đến xỉa gì đến phẩm giá của nhân viên. Doanh nhân khôn ngoan và công bằng sẽ tránh sự phân lập này và tìm cách đạt đến mức độ hòa nhập sâu xa hơn.

Việc hình thành một văn bản giáo huấn

Việc phát hành “Ơn gọi lãnh đạo doanh nghiệp” là một dấu chỉ của việc lãnh đạo của Hồng Y Peter Turkson và Giám mục Mario Toso tại HĐGH Công Lý‎ và Hòa Bình, những vị này đã kêu gọi đến sự đóng góp rộng rãi của giới học giả và doanh nhân hầu Phúc âm hóa tốt hơn thế giới xã hội. Nguồn gốc là một hội nghị chuyên đề được tổ chức và tài trợ bởi hội đồng mang danh hiệu “Lý lẽ của Ơn và Ý nghĩa của KinhDoanh”(xem bit.ly/businessvocation).Hội đồng Giáo Hoàng đã qui tụ các lãnh đạo doanh nghiệp và các học giả nhiều ngành như kinh tế, thần học, triết học, quản trị, đạo đức kinh doanh và công nghệ để suy gẫm tư tưởng của Đức Bênêdictô XVI trong “Caritas in Veritate”. Một hoa trái của việc khai phá này là tài liệu “Ơn gọi lãnh đạo doanh nghiệp”.

Tài liệu chống lại cám dỗ vạch ra một danh sách chi tiết những đề xuất ‎chính sách, đổi lại, tài liệu đưa ra một bộ khung hành động phản ảnh nhịp độ của đời sống chiêm niệm và hoạt động. Trong thông điệp “Caritas in Veritate” Đức Bênêđictô XVI đã nắm bắt được nhịp độ này khi định nghĩa đức ái như là “tình yêu tiếp nhận và cho đi.” Tài liệu giải thích rằng “hành động” đầu tiên, và đối với một số người, hành động khó khăn nhất là “tiếp nhận điều mà Thiên Chúa đã làm cho mình.” Một thách đố chính cho doanh nhân là điều “có thể làm” và định hướng hành động của họ có thể cám dỗ họ xem mình là người quyết định và đặt ra những nguyên tắc riêng của mình, mà không phải là người tiếp nhận chúng”. Điều cần thiết nhất đối với các doanh nhân trước tiên là tiếp nhận, đặc biệt là “đón nhận các bí tích, đón nhận Thánh kinh, tôn trọng ngày Sabbath, cầu nguyện, tham gia vào thinh lặng và các kỷ luật khác của đời sống thiêng liêng. Đấy chẳng phải là những hành động tùy ‎ý của người Kitô hữu, hoặc đơn thuần là những hành động riêng tư xa rời và chẳng dính dáng gì đến kinh doanh”. Đây là là một sự dịch chuyển mạnh mẽ ra khỏi chủ nghĩa hoạt động quá mức. Không có bề dày sâu thẳm suy tư, chiêm niệm và cầu nguyện, sẽ khó mà thấy làm sao các doanh nhân hay những người chuyên nghiệp khác, có thể cưỡng lại những chiều kích tiêu cực xuất phát từ sự tài chính hóa, gánh nặng công nghệ, bối cảnh cạnh tranh khốc liệt v.v.…

Hành vi thứ hai Giáo hội kêu gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp là đi theo cách nào mà có thể đáp ứng lại những gì đã được lãnh nhận. Việc cho này không chỉ là những tối thiểu về pháp lý, mà phải là một cuộc hiệp thông đích thực với tha nhân để biến thế giới thành một nơi chốn thiện lành hơn. Đặc biệt, việc cho đi của các lãnh đạo doanh nghiệp phải kéo theo những hành động và chính sách vun trồng giúp đẩy mạnh việc phát triển toàn diện con người. Đó là giá cả hợp l‎ý, trả thù lao công bằng, thiết kế công việc nhân bản hơn, việc làm có trách nhiệm với môi trướng, đầu tư xã hội và có trách nhiệm với xã hội. Sự vun trồng như thế cũng nhằm đến hàng loạt các việc như thuê mướn, cho thôi việc, tiếp thị và quảng cáo, các khoản phải thu, các khoản phải trả, ban quản trị, việc huấn luyện nhân viên, phát triển cấp lãnh đạo, quan hệ với nhà cung cấp và còn nhiều thứ khác.

Hoàn vốn

Tài liệu “Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp” đòi hỏi nhiều nơi các doanh nhân, nó cũng thấy trước những thách đố mới cho các nhà giáo dục Công giáo. Tài liệu yêu cầu các đai học Công giáo và đặc biệt các trường kinh doanh Công giáo phải đẩy mạnh cách tiếp cận hướng-sứ-mạng trong chương trình học và nghiên cứu. Trong khi các trường kinh doanh Công giáo đã đóng góp tốt trong lãnh vực đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của tập đoàn, chúng chưa đẩy mạnh truyền thống xã hội Công giaó liên quan đến kinh doanh một cách rốt ráo đủ. Thay vào đó, các trường này phần lớn chỉ nại đến những truyền thống đạo đức như chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa Kant duy nhiệm vụ và những hệ thống trần tục để hiểu vai trò của đạo đức trong kinh doanh.

Trong thông điệp “Caritas in Veritate”, Đức Bênêdictô nhận xét rằng đạo đức doanh nghiệp tách ra khỏi nhân chủng thần học “sẽ có nguy cơ lụy thuộc vào kinh tế hiện hữu và các hệ thống tài chính thay vì chỉnh sửa những khía cạnh trục trặc của chúng” (số 45). Các đại học Công giáo cần phải duyệt rà xoát lại truyền thống của mình và bàn thảo nó trong bối cảnh những cách tiếp cận khác, nếu không, truyền thống này sẽ không thể phát triển mạnh cũng như đóng góp cho một nền văn hóa rộng lớn hơn.

Truyền thống xã hội Công giáo mang đến một sự tương tác phong phú những giáo huấn, tư tưởng và hành động trong lãnh vực kinh doanh và thấm sâu vào ‎ ý nghĩa của hành động con người. Tài liệu “Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp” là một ứng đáp đúng lúc, giúp làm rõ một bộ các nguyên tắc nhất quán chỉ đạo hoạt động kinh doanh xuất phát từ truyền thống xã hội Công giáo. Hội đồng Giáo hoàng yêu cầu các doanh nhân hãy suy nghĩ về ơn gọi của mình dưới ánh sáng của giáo huấn của Giáo hội với hy vọng một cuộc đối thoại nhiều kết quả trong tương lai và một sự hoàn vốn đầu tư tâm linh và thực tế đầy ý nghĩa cho những nguyên tắc kinh doanh Công giáo đó.