09/01/2025

Caritas Châu Phi và Châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo hai châu lục hợp tác vì con người

Caritas Châu Phi và Châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo hai châu lục hợp tác vì con người

Nhân Ngày Quốc tế Hoà bình, Caritas Châu Phi và Châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo Châu Âu và Châu Phi áp dụng một khuôn khổ mới cho mối quan hệ Châu Âu – Châu Phi, đặt con người vào trọng tâm của các nỗ lực hoà bình và an ninh.

Lo ngại về rủi ro của mối quan hệ đối tác trong tương lai được đánh dấu bằng các cách tiếp cận từ trên xuống, Caritas châu Phi và châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo lấy cảm hứng từ chủ đề Ngày Quốc tế Hoà bình năm nay “Cùng nhau định hình hoà bình” và cam kết thực hiện các cách thức thiết thực xây dựng hoà bình qua các quá trình mang tính toàn diện.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Phi – Liên minh Châu Âu lần thứ sáu dự kiến diễn ra tại Brussels trong 2 ngày 28 và 29/10, nhưng hiện đã bị hoãn lại cho đến năm sau. Hội nghị sẽ đưa ra một tuyên bố chung, trong đó ưu tiên và hành động cụ thể cho quan hệ Châu Âu – Châu Phi trong vài năm tới, bao gồm cả các lĩnh vực hoà bình và an ninh.

Ông Albert Mashika, Thư ký điều hành Caritas Châu Phi, nói: “Để đặt mọi người vào trung tâm của các nỗ lực hoà bình và an ninh, cần phải vượt lên trên cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm, nhìn nhận năng lực của mọi người và xây dựng các chiến lược đầy khát vọng cho hoà bình và xây dựng khả năng phục hồ.”

Bà Maria Nyman, Tổng Thư ký Caritas Châu Âu, bày tỏ: “Nếu cả hai bên cam kết cùng nhau định hình hòa bình, các hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác Châu Âu – Châu Phi trong tương lai sẽ thành công trong việc giải quyết các vấn đề an ninh, và giảm xung đột và bất ổn, điều đang làm suy yếu nghiêm trọng các nỗ lực phát triển trong việc xây dựng lại một thời kỳ hậu Covid-19.”

Cả Caritas Châu Phi và Châu Âu đều tin rằng đã đến lúc các cuộc đàm phán giữa Châu Phi và Châu Âu không chỉ là thảo luận về các vấn đề an ninh ở cấp nhà nước. Theo tổ chức Caritas của hai lục địa, quan hệ Liên minh Châu Âu – Châu Phi cần dựa trên quan hệ đối tác nhiều bên, liên quan đến xã hội dân sự và các bên khác, không chỉ là quan hệ giữa các chính phủ hoặc các tổ chức liên chính phủ. Điều này đặc biệt phù hợp cho việc xây dựng hòa bình là một quá trình tổng thể đòi hỏi phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và đầu tư vào việc ngăn ngừa xung đột cấp cộng đồng và gắn kết xã hội. Việc xây dựng hòa bình cũng đòi hỏi những nỗ lực quan trọng nhằm xoá bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và duy trì pháp quyền.

Ngày Quốc tế Hoà bình 21/9 được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1981. Vào năm 2001, Đại hội đồng đã chỉ định Ngày này là thời gian bất bạo động và ngừng bắn. Trong Ngày này, Liên Hiệp Quốc mời gọi tất cả các quốc gia và người dân tôn trọng việc chấm dứt các hành động thù địch, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến hòa bình.

Theo Liên Hiệp Quốc, “Năm nay, hơn bao giờ hết chúng ta thấy rõ chúng ta không phải là kẻ thù của nhau. Đúng hơn, kẻ thù chung của chúng ta là một loại virút không mệt mỏi đe doạ sức khoẻ, an ninh và lối sống của chúng ta. Covid-19 đã khiến thế giới rơi vào tình trạng rối loạn và buộc chúng ta nhớ rằng những gì xảy ra ở một phần của hành tinh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở khắp mọi nơi.”

Ngọc Yến