23/01/2025

Chúa Nhật XXV TN A 2020: Công bằng và bác ái

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta khám phá ra đường lối cao cả của Thiên Chúa (x. Is 55,6-9), so sánh với lý lẽ công bằng của con người (x. Mt 20,1-16), để ta có thể hành động theo Đức Kitô như thánh Phaolô đã sống (x. Phl 1,20-24.27). Chỉ hành động như thế ta mới cảm nhận được niềm vui, bình an, hạnh phúc giữa bao thăng trầm của cuộc đời và mới làm cho xã hội phát triển.

Chúa Nhật XXV TN A 2020

Công bằng và bác ái

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta khám phá ra đường lối cao cả của Thiên Chúa (x. Is 55,6-9), so sánh với lý lẽ công bằng của con người (x. Mt 20,1-16), để ta có thể hành động theo Đức Kitô như thánh Phaolô đã sống (x. Phl 1,20-24.27). Chỉ hành động như thế ta mới cảm nhận được niềm vui, bình an, hạnh phúc giữa bao thăng trầm của cuộc đời và mới làm cho xã hội phát triển.

F:\BAI GIANG 2020\1 dong.jpg

1. Lẽ công bằng của con người

Trong quan hệ xã hội, mọi hoạt động của con người đều bị chi phối bởi luật lệ dựa trên công lý hay công bằng. Công bằng có nghĩa là “theo đúng lẽ phải, không thiên vị”; còn công lý là “lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội”.

Vì thế, trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo… mỗi cá nhân, mỗi chính quyền, mỗi tổ chức xã hội đều phải tuân giữ và làm đúng những điều đã quy định trong luật pháp hay hợp đồng đã ký kết, để bảo đảm công lý và công bằng cho mọi người dân cũng như các thành phần xã hội.

Trong dụ ngôn Tin Mừng, người chủ nhà đã trả đúng theo hợp đồng là một quan tiền cho người làm từ tảng sáng. Ông đã giữ đúng lẽ công bằng, nhưng có vẻ thiên vị, vì lại trả công cho người mới làm được có một giờ bằng người vất vả làm suốt cả ngày. Những lời cằn nhằn có thể đã không xảy ra, nếu ông chủ sai người quản lý trả tiền công cách ngược lại, nghĩa là trả một quan tiền cho người vào làm sớm nhất, khi lãnh tiền rồi những người này đi ra, và tiếp theo trả cho những người làm muộn hơn. Mọi người lãnh một quan tiền như nhau, tất cả đều ra về và không so sánh tiền công của mình với ai. Vì thế, những tranh chấp, bất hoà, xung đột, thường chỉ xảy ra khi người ta so sánh mình với người khác, do lòng ghen tương và tham lam, vì muốn lãnh nhận nhiều hơn cái mình được nhận theo lẽ công bằng.

Trong đời sống siêu nhiên và lĩnh vực đạo đức, không ít người cũng đã hành động như thế. Họ phàn nàn, kêu trách Chúa vì mình đã dự lễ, cầu kinh, sống lương thiện hơn nhiều người khác, vậy mà khi xin một ơn lành nào đó, Chúa lại không đáp ứng cho mình. Còn những kẻ tội lỗi, ngoại đạo, chỉ cầu nguyện hay làm một việc bác ái nhỏ nhỏ nào đó, thì Chúa lại ban cho đủ thứ ơn lành. Họ cảm thấy như Chúa bất công với mình, không đối xử đẹp với mình như những con cái trong nhà. Có người còn tệ hơn: họ nghi ngờ không biết Chúa có thật không, có nhìn thấy rõ những đóng góp lớn lao của họ cho Chúa để ban thưởng không?

2. Đường lối tình yêu của Chúa

Tiên tri Isaia nhắc đến lời Chúa nói với chúng ta: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối và tư tưởng của Ta cũng cao hơn đường lối và tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Đức Giêsu đã không kể dụ ngôn theo hướng ngược lại để tránh xung đột. Người kể theo cách của Người để chúng ta khám phá ra đường lối tình yêu của Thiên Chúa qua vai trò của ông chủ vườn nho: Ông là người nhân hậu, thấy rõ những người mòn mỏi đứng ngoài chợ, chờ người đến thuê để có tiền công mua lương thực cho gia đình và ông đã trả cho mọi người thợ đến sau vượt quá lẽ công bằng của con người, bởi vì ông chính là hiện thân của tình yêu.

Không phải là ông không biết đến những công việc khó nhọc, bị nắng nôi thiêu đốt của đám thợ đầu tiên. Ông đã trả cho họ đúng số tiền trong hợp đồng và sẵn sàng ban thưởng thêm, nếu như họ lãnh tiền công trong niềm vui và lòng biết ơn, vì thấy ông chủ sòng phẳng với mình và lại tốt bụng với bao người khác. Nhưng đôi mắt ghen tỵ của họ và những lời cằn nhằn về sự bất công của ông chủ đã khiến cho họ mất phần thưởng cao quý của ông. Lòng ông không đóng lại, nhưng lòng họ đã khép kín!

Trong đời sống siêu nhiên, nhiều lần chúng ta mất những ơn lành lớn lao của Chúa vì lòng ghen tức nhỏ hẹp của ta. Chúa sẵn sàng ban ơn, nhất là Ngài đã ban Con Một của Ngài cho ta, thì Ngài còn tiếc ơn lành nào mà không ban tặng! Tuy nhiên, chúng ta không nhận được ơn lành vì đã nghĩ Chúa xử sự bất công với ta và ta đã đóng lại lòng mình với Chúa! Chúng ta cắt đứt với nguồn hiện hữu và ân sủng vì đã xúc phạm đến Ngài. Vì thế, chúng ta cần quay lại với Ngài như tiên Isaia khuyên nhủ hôm nay: “Người bất lương hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Ngài sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta vì Ngài sẽ rộng lòng tha thứ” (Is 55,7).

3. Sống là Đức Kitô

Vì thế, muốn nhận được tràn đầy ơn lành và được tôn vinh, chúng ta hãy hành động như Chúa Giêsu Kitô, khi Người được Chúa Cha sai đến làm việc trong vườn nho trần thế. Người đã làm việc không ngừng như Chúa Cha. Ngay từ tờ mờ sáng mỗi ngày, Người đã vào nơi thanh vắng và cầu nguyện để nhận được sức mạnh của Cha. Rồi Người đi khắp các làng mạc, thành phố rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi. Người làm biết bao việc ích lợi cho con người. Nhưng Người đã nhận được những gì ngoài những lời nhục mạ, những thủ đoạn, những cạm bẫy người ta đặt ra để cho Người vấp ngã. Cuối cùng, người ta đã bắt giữ, đã kết án bất công và đóng đinh Người trên thập giá. Cho đến lúc chết trên thập giá, chúng ta hỏi xem Người đã được trả công như thế nào?

Đức Giêsu không đòi công bằng cho mình. Người chỉ yêu thương, yêu thương đến cùng, vì Người là hiện thân của tình yêu. Chính từ khi bị treo trên thập giá, Người được Chúa Cha tôn vinh và cho sống lại để xác nhận tất cả những gì Người đã làm cho con người và thế giới. Cách xử sự của Đức Giêsu phải là đường hướng “đối nhân, xử thế” của chúng ta trong vườn nho trần thế này, như thánh Phaolô hôm nay xác nhân: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Phl 1,21).

Chúng ta không nhìn sang các người thợ khác để so sánh cuộc đời mình với họ, vì mỗi người chúng ta đều độc đáo trước mặt Thiên Chúa cũng như con người. Những ơn lành, may mắn, thành công mà họ nhận được trong cuộc sống, phù hợp với ơn gọi và sứ mệnh của họ. Còn những đau khổ, vất vả, rủi ro, thất bại trong đời ta phù hợp với sứ mệnh cao quý và nhiệm vụ độc đáo của ta. Chúng đều là những quà tặng, những ân huệ lớn lao Chúa dành cho ta như đã dành cho Chúa Giêsu, Con yêu quý của Ngài. Vì thế ta đừng ghen tức với ai, nhưng hãy tập trung để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Giống như Đức Giêsu Kitô, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, chúng ta không đòi Thiên Chúa xử công bằng cho mình mà chỉ xin tha thứ cho người bất công với ta. Ta không đóng kín trái tim mình lại nhưng sẵn sàng để bị mở ra bằng ngọn giáo bạo lực và vẫn chảy ra cho trần thế những giọt máu và giọt nước cuối cùng. Chỉ hành động như thế ta mới thấy mình đang noi gương “yêu cho đến cùng” của Đức Giêsu, một tình yêu luôn “cho không, biếu không” theo “logic quà tặng”. Chỉ tình yêu như thế mới làm cho xã hội này mỗi ngày một tốt đẹp hơn, bình an hơn.

Lời kết

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết trong Thông điệp Caritas in Veritate, số 34 và được nhắc lại trong cuốn Docat, trang 300: “Lý lẽ (logic) của quà tặng không loại trừ công bằng. Nhưng, vì Thiên Chúa là tình yêu, nên sự phát triển xã hội, kinh tế, chính trị, nếu muốn thật sự là nhân bản, cần dành chỗ cho nguyên tắc cho không như một biểu hiện của tình huynh đệ”.

Thiên Chúa đã cho không chúng ta và chúng ta cũng hãy cho không người khác để xứng đáng là con cái của Ngài.

 

HKK