Nhóm các nước giàu mua hơn nửa số liều vắc xin COVID-19 được hứa hẹn trong tương lai

Nhóm các nước giàu mua hơn nửa số liều vắc xin COVID-19 được hứa hẹn trong tương lai

Một nhóm các quốc gia giàu có đại diện 13% dân số toàn cầu đã mua hơn một nửa số liều vắc xin COVID-19 được hứa hẹn trong tương lai, theo báo cáo ngày 16-9 của Tổ chức phi chính phủ Oxfam.

 

 

Nhóm các nước giàu mua hơn nửa số liều vắc xin COVID-19 được hứa hẹn trong tương lai - Ảnh 1.

Năm vắc xin COVID-19 tiềm năng nhất hiện nay là của AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik, Moderna, Pfizer và Sinovac – Ảnh: REUTERS

Dựa trên dữ liệu thu thập được của công ty phân tích Airfinity, Oxfam đã phân tích các giao dịch giữa các hãng dược và các nhà sản xuất vắc xin đối với 5 loại vắc xin COVID-19 tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng hiện nay.

“Việc được tiếp cận một vắc xin để bảo vệ tính mạng không nên bị phụ thuộc vào nơi bạn sống hay số tiền bạn có”, ông Robert Silverman của Oxfam Mỹ nhìn nhận.

“Việc phát triển và phê duyệt một vắc xin an toàn và hiệu quả là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là đảm bảo vắc xin sẵn có và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. COVID-19 xuất hiện ở bất kỳ nơi nào cũng có nghĩa là COVID-19 sẽ có mặt ở khắp mọi nơi”, ông Silverman nói thêm.

Hãng tin AFP cho biết 5 vắc xin tiềm năng trong phân tích của Oxfam là của AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik, Moderna, Pfizer và Sinovac.

Theo tính toán của Oxfam, năng lực sản xuất tổng cộng của 5 ứng cử viên vắc xin tiềm năng hiện nay là 5,9 tỉ liều, đủ cho 3 tỉ người trong tương lai.

Các hợp đồng cung ứng vắc xin cho đến nay đã chiếm 5,3 tỉ liều. Trong đó, các vùng lãnh thổ và khu vực, quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, liên minh châu Âu, Úc, Hong Kong và Macau, Nhật, Thụy Sĩ và Israel đã đặt mua 2,7 tỉ liều (51%).

2,6 tỉ liều còn lại đã được mua hoặc hứa hẹn cho các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Mexico cùng những nước khác.

Oxfam nói thêm rằng một trong 5 ứng cử viên vắc xin tiềm năng, do Moderna phát triển, dự định sẽ tính lợi nhuận và đã bán tất cả nguồn cung vắc xin cho các quốc gia giàu có.

Do đó, Oxfam và các tổ chức khác đang kêu gọi “vắc xin cho mọi người” miễn phí, được phân phối công bằng dựa trên nhu cầu.

“Điều này sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu các tập đoàn dược phẩm cho phép vắc xin sản xuất một cách rộng rãi nhất trong khả năng bằng cách chia sẻ kiến thức liên quan đến sáng chế vắc xin, thay vì bảo vệ độc quyền và bán cho người trả giá cao nhất”, báo cáo của Oxfam kết luận.

ANH THƯ
TTO