12/01/2025

ĐTC chia sẻ nỗi đau của người thân của các nạn nhân trong tai nạn ở vũ trường Corinaldo

ĐTC chia sẻ nỗi đau của người thân của các nạn nhân trong tai nạn ở vũ trường Corinaldo

Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau với thân nhân của những người qua đời trong tai nạn tại vũ trường Corinaldo gần thành phố Ancona của Ý và khẳng định rằng Đức Mẹ luôn đồng hành với chúng ta, ngay cả trong giờ chết, như chúng ta vẫn khẩn cầu Mẹ trong Kinh Kính Mừng.

Sáng 12 tháng 9, Đức Thánh Cha đã tiếp người thân các nạn nhân của tai nạn tại vũ trường Corinaldo. Theo điều tra, vào tối ngày 7 tháng 12 năm 2018, có người đã xịt hơi cay vào vũ trường đông nghẹt khiến mọi người chen nhau tìm lối thoát hiểm. Sự cố khiến 5 người trẻ và một bà mẹ trẻ bị chết, cùng hàng trăm người bị thương.

Đức Thánh Cha cảm ơn họ đã chia sẻ với ngài những đau khổ và lời cầu nguyện của họ. Ngài nói rằng cuộc gặp gỡ này nhắc ngài và Giáo hội không quên các nạn nhân và nhất là phó thác họ cho trái tim của Chúa Cha.

Đức Mẹ đồng hành với các nạn nhân trên đường về với Chúa

Đặc biệt, Đức Thánh Cha muốn gửi đến những thân nhân đau khổ này lời của đức tin, an ủi và hy vọng. Trước hết, ngài nhắc đến Đức Mẹ Loreto, một đền thánh không xa nơi xảy ra tai nạn, và nói rằng Đức Mẹ luôn quan tâm đến các nạn nhân và đặc biệt đồng hành với họ trong thảm kịch. Họ đã nhiều lần cầu khẩn Mẹ: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội, bây giờ và trong giờ lâm tử!”, thì tuy trong lúc hỗn loạn họ không thể cầu khẩn Mẹ, Mẹ không quên lời khẩn cầu của họ. Đức Thánh Cha nói: “Chắc chắn Mẹ đã đồng hành với họ đi vào vòng tay thương xót của Chúa Giêsu, Con của Mẹ.”

Đức Thánh Cha cũng cho biết ngài đã cầu nguyện cho các nạn nhânvà gia đình trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, sau khi tai nạn xảy ra. Và ngài tiếp tục cầu nguyện và đồng hành với ho.

Khi mất một đứa con

Và nhìn vào nỗi đau của những người có mặt, Đức Phanxicô mô tả thảm cảnh mất con mà không có từ ngữ nào có thể diễn tả: “Khi chúng ta mất cha hoặc mẹ, chúng ta mồ côi: có một tính từ để gọi tình trạng này. Mồ côi, mồ côi. Khi một người bạn phối ngẫu qua đời, những người ở lại được gọi là goá vợ hoặc goá chồng: cũng có một tính từ chỉ điều này. Nhưng khi mất một đứa con thì không có tính từ để gọi nỗi đau này. Sự mất mát của một đứa con là không thể diễn tả bằng”tính từ”. Con tôi chết, thì sao…? Không, không: Tôi không phải trẻ mồ côi cũng không phải góa phụ. Tôi mất một đứa con. Không có tính từ. Không có. Và đây là nỗi đau lớn của anh chị em.” (CSR_6557-2020)

Hồng Thuỷ