Toà Thánh: tham nhũng, mối nguy hiểm cho hoà bình và an ninh
Hôm 10/9, tại Diễn đàn Kinh tế và Môi trường lần thứ 28 của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Đức Tổng Giám mục Charles Balvo, Sứ thần Toà Thánh tại Cộng hoà Séc, trưởng phái đoàn Vatican đã tuyên bố “tham nhũng là mối nguy thực sự đối với hoà bình và an ninh”.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Đức Tổng Giám mục Charles Balvo đặc biệt lo ngại về thực tế “số tiền lớn dùng chống đại dịch Covid-19 đã thu hút các hoạt động tội phạm”, dẫn đến nguy cơ “những người cần hỗ trợ tài chính nhất vẫn không có sự giúp đỡ cần thiết”. Sứ thần Toà Thánh nói: “Chúng ta phải thật thà nhìn nhận rằng, ở các mức độ khác nhau, tham nhũng đã xảy ra tại các quốc gia tham gia Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu. Chỉ khi nhận ra sự tồn tại của tai hoạ này, chúng ta mới có thể chống lại nó.”
Từ đây, Toà Thánh mời gọi các quốc gia tìm kiếm các giải pháp mới và sáng tạo, nghĩa là các giải pháp không gây chia rẽ, chính trị hoá hay cục bộ, nhưng thực sự tìm kiếm công ích và sự phát triển toàn diện của con người.
Trong cái nhìn này, Toà Thánh nhắc lại Tự sắc do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 01/6/2020, về tính minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh của các hợp đồng công khai của Toà Thánh và Quốc gia Thành Vatican, với mục tiêu giảm đáng kể nguy cơ tham nhũng của những người được kêu gọi điều hành và quản lý các cơ quan của Vatican. Theo Đức Tổng Giám mục Balvo, quyết định này của Đức Thánh Cha dẫn đến trung tâm của nạn tham nhũng, nghĩa là thực tế, khi các công chức chiếm đoạt công quỹ, thì họ đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng mà họ phục vụ. Nếu trên thực tế, việc quản lý các vấn đề công thiếu sự minh bạch và trách nhiệm, tiến bộ kinh tế vững chắc và lâu dài và an ninh bị tổn hại, hoặc thậm chí bị cản trở hoàn toàn.
Đức Tổng Giám mục Balvo kêu gọi đấu tranh chống tham nhũng bằng văn hoá, giáo dục, đào tạo, sự tham gia của người dân, bởi vì luật là cần thiết nhưng chưa đủ. Ngài kết luận, điều quan trọng là hành động với lòng can đảm để lay chuyển lương tâm, để họ vượt qua từ sự thờ ơ lan rộng đến nhận thức về tính nghiêm trọng của những hiện tượng này, nhằm chống lại chúng. (CSR_6514_2020)