31/12/2024

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người

Chỉ trong vòng 50 năm, bằng các hoạt động phá rừng, canh tác, xây dựng, du lịch, loài người đã khiến các quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới giảm hơn 2/3, đẩy thiên nhiên vào tình trạng ‘rơi tự do’, rất khó để cân bằng lại.

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 1.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã là những hoạt động khai thác đất, biển, sông, nước của con người – Ảnh: PA

Chỉ số Hành tinh Sống (LPI) của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) gần đây cho thấy quy mô động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 68% từ năm 1970 đến năm 2016.

Nguyên nhân là do các hoạt động phá rừng, phát triển nông nghiệp không bền vững và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp của con người.

Không chỉ gây mất cân bằng sinh thái, việc phá hủy thiên nhiên hoang dã cũng đang đưa con người đến gần hơn với động vật hoang dã, thúc đẩy sự gia tăng các đại dịch toàn cầu như COVID-19.

Thống kê này được đưa ra sau nghiên cứu quan sát gần 21.000 quần thể trên 4.000 loài động vật có xương sống toàn thế giới trong gần 50 năm qua.

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 2.

Một khu vực rừng ở Amazon thuộc Colombia bị phá hoại – Ảnh: PA

Marco Lambertini, tổng giám đốc WWF, cho biết sự tàn phá thiên nhiên ngày càng tăng của nhân loại đang gây ra “những tác động thảm khốc” đối với quần thể động vật hoang dã và sức khỏe con người.

Sự suy giảm động vật hoang dã sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dinh dưỡng, an ninh lương thực và sinh kế của hàng tỉ người trên hành tinh này.

Ông Lambertini cho biết điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải có hành động phối hợp toàn cầu để ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học và quần thể động vật hoang dã trong vòng một thập kỷ tới.

WWF hiện đang kêu gọi các quốc gia có biện pháp ngăn chặn các chuỗi cung ứng thực phẩm và các sản phẩm khác để giảm nạn phá rừng và phá hủy các khu vực hoang dã; đồng thời khuyến khích mọi người chuyển từ chế độ ăn nhiều thịt và sữa sang chế độ ăn “dựa trên thực vật” nhiều hơn.

Tổ chức này cũng cho biết thế giới cần phải giải quyết lượng lớn thực phẩm bị lãng phí trong các chuỗi cung ứng cũng như các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Theo tổ chức WWF, các nỗ lực để đảo ngược sự suy giảm số lượng các loài sẽ không dễ dàng, nhưng hành động này phải được thực hiện khẩn cấp để đảo ngược tình trạng “rơi tự do” vào năm 2030.

Thực hiện những hành động này không chỉ hỗ trợ bảo vệ sự sống của động vật hoang dã mà còn “bảo vệ sức khỏe và sinh kế trong tương lai của chúng ta” khi mà sự sống còn của loài người ngày càng phụ thuộc vào nó.

Báo cáo của Hiệp hội Động vật học London (ZSL) cũng cho thấy sự liên quan của việc nhiều loài động vật biến mất hoặc mất môi trường sống với khả năng xuất hiện ngày càng nhiều các loại virus chết người.

Những yếu tố này đều liên quan đến các hoạt động của con người, bao gồm việc chuyển đổi rừng thành trang trại, nhà ở; sự bùng nổ buôn bán động vật hoang dã; hoạt động đánh bắt quá mức; các mối đe dọa từ các loài xâm lấn và dịch bệnh; ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 3.

Một con khỉ đột sống ở Vườn quốc gia Kahuzi-Biega, Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là một trong số hàng nghìn quần thể loài được WWF theo dõi – Ảnh: PA

Tiến sĩ Andrew Terry, giám đốc của ZSL, cho biết: “Chỉ số Hành tinh Sống là một trong những thước đo toàn diện nhất về đa dạng sinh học toàn cầu. Sự suy giảm trung bình 68% động vật hoang dã trong gần 50 năm qua là một con số thảm họa. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất về những thiệt hại mà hoạt động của con người gây ra đối với thế giới tự nhiên”.

Theo tiến sĩ Andrew Terry, nếu loài người không có biện pháp gì thay đổi thì các quần thể tự nhiên chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, khiến động vật hoang dã tuyệt chủng và đe dọa tính toàn vẹn của các hệ sinh thái mà tất cả chúng ta đang phụ thuộc.

Các báo cáo của WWF cho thấy một số biện pháp bảo tồn trong nhiều năm qua đã giúp ích cho các loài như voi rừng ở Ghana và hổ ở Nepal, nhưng như thế vẫn không đủ để đảo ngược xu hướng suy giảm quy mô các loài nói chung.

Các loài có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay bao gồm: khỉ đột tại Vườn quốc gia Kahuzi-Biega (Cộng hòa Dân chủ Congo) đã giảm 87% từ năm 1994 đến 2015 do nạn săn bắn trái phép.

Vẹt xám châu Phi ở tây nam Ghana hầu như đã bị xóa sổ do con người đặt bẫy buôn bán chim hoang dã. Mức giảm 99% từ năm 1992 đến năm 2014.

Các quần thể động vật hoang dã trong môi trường sống nước ngọt đã giảm 84%, là mức giảm đáng kể nhất trong bất kỳ quần xã sinh vật nào, tương đương với 4% mỗi năm kể từ năm 1970.

Một ví dụ điển hình là cá tầm Trung Quốc sinh sản ở sông Dương Tử, đã giảm 97% từ năm 1982 đến 2015 do việc xây dựng đập thủy điện ảnh hưởng tới môi trường sống.

Theo các nhà nghiên cứu, tất cả các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường sống và hệ sinh thái, cũng như giảm thiểu chất thải và ủng hộ các chế độ ăn lành mạnh, thân thiện với môi trường cần phải thực hiện cùng lúc mà không nên tách ra từng phần.

Trong giữa tháng 9-2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dự kiến ​​sẽ xem xét các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Thỏa thuận chung Paris và Công ước Đa dạng Sinh học (CBD).

WWF hi vọng những thống kê mới này có thể giúp tổ chức đạt được một Thỏa thuận mới, là chìa khóa cho sự tồn tại lâu dài của thiên nhiên và cả loài người.

Báo cáo toàn diện về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc được công bố vào ngày 6-5-2019 cho thấy các loài (bao gồm cả động vật và thực vật) đang bị mất đi với tốc độ nhanh hơn hàng chục hoặc hàng trăm lần so với trước đây.

5 hành động chính mà con người đang làm khiến suy giảm đa dạng sinh học:

– Biến rừng, đồng cỏ và các khu vực khác thành nông trại, thành phố và các dự án phát triển khác. Môi trường sống mất đi khiến thực vật và động vật gặp nguy hiểm. Khoảng 3/4 diện tích đất, 2/3 đại dương và 85% vùng đất ngập nước quan trọng của Trái đất đã bị biến đổi hoặc suy giảm nghiêm trọng, khiến các loài sinh vật khó tồn tại hơn.

– Đánh bắt quá mức trên các đại dương thế giới. 1/3 trữ lượng cá trên thế giới bị đánh bắt quá mức.

– Gia tăng biến đổi khí hậu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch làm cho gần một nửa số loài động vật có vú trên cạn trên thế giới – không bao gồm dơi – và gần 1/4 số loài chim bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự nóng lên toàn cầu.

– Ô nhiễm đất và nước. Hàng năm, 300 đến 400 triệu tấn kim loại nặng, dung môi và bùn thải độc hại được đổ xuống các vùng biển trên thế giới.

– Gia tăng các loài xâm lấn lấn át thực vật và động vật bản địa. Số lượng các loài ngoại lai xâm hại trên mỗi quốc gia đã tăng 70% kể từ năm 1970.

 

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 5.

Hình ảnh hai mẹ con loài voi châu Phi ở Vườn quốc gia Amboseli, Kenya. Các quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm hơn 2/3 trong vòng chưa đầy 50 năm, trong đó có cả loài voi – Ảnh: PA

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 6.

WWF đang kêu gọi các quốc gia ngăn chặn các chuỗi cung ứng thực phẩm và các sản phẩm khác dẫn đến nạn phá rừng và tàn phá các khu vực hoang dã – Ảnh: PA

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 7.

Chỉ số Hành tinh Sống (LPI) của WWF cho thấy số lượng động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá giảm trung bình 68% từ năm 1970 đến năm 2016 do phá rừng, nông nghiệp không bền vững và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp – Ảnh: PA

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 8.

Việc chuyển chế độ ăn uống từ thịt và sữa sang chế độ ăn nhiều thực vật cũng giúp rất nhiều vào công cuộc bảo vệ động vật hoang dã – Ảnh: PA

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 9.

Theo WWF, các nỗ lực để đảo ngược sự suy giảm số lượng loài sẽ không dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể nếu các biện pháp được cả thế giới cùng thực hiện cùng lúc – Ảnh: PA

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 10.

Ngày càng xuất hiện nhiều những trang trại rộng lớn trên khắp thế giới. Không còn chỗ cho động vật hoang dã sinh sống – Ảnh: PA

Thiên nhiên đang ‘rơi tự do’ vì lối sống của loài người - Ảnh 11.

Việc phá hủy thiên nhiên hoang dã cũng đang đưa quần thể người đến gần hơn với động vật hoang dã, thúc đẩy sự gia tăng các đại dịch toàn cầu như COVID-19 – Ảnh: PA

minh hải (Tổng hợp)
TTO