10/01/2025

Một Giám mục Malaysia trở thành thành viên của Uỷ ban Kế hoạch Thống nhất Quốc gia

Một Giám mục Malaysia trở thành thành viên của Uỷ ban Kế hoạch Thống nhất Quốc gia

“Tôi sống chức vụ này như một sự phục vụ cho công ích để giúp chính phủ thúc đẩy hoà bình, hoà hợp, hiểu biết, liên đới và làm việc vì sự phát triển.” Đức cha Simon Peter Poh Hoon Seng, Tổng Giám mục Kuching, đã tuyên bố như trên trước việc ngài được bổ nhiệm làm thành viên của Uỷ ban Liên bang đặc biệt về Kế hoạch Hành động Thống nhất Quốc gia (2021-2025).

Đức Tổng Giám mục là một trong 20 đại diện của Sarawak, bang duy nhất của Liên bang Malaysia có nhiều Kitô hữu. Uỷ ban Chính phủ đặc biệt, bao gồm các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, các chính trị gia, các nhân vật nổi bật trong thế giới văn hóa và tôn giáo, có nhiệm vụ trợ giúp và hỗ trợ Bộ Thống nhất Quốc gia trong các hoạt động, nhằm tăng cường sự hòa hợp giữa người dân trong xã hội đa văn hoá, đa sắc tộc và đa tôn giáo của Malaysia. Uỷ ban phù hợp với nguyện vọng của chính phủ nhằm củng cố sự thống nhất quốc gia làm nền tảng của nền kinh tế, chính trị và sự ổn định xã hội của Malaysia.

Gần đây, chính phủ Malaysia đã phát động một cuộc thăm dò giữa người dân để thu thập những đóng góp và ý tưởng ​​về Kế hoạch Hành động Thống nhất Quốc gia (2021-2025), cho việc áp dụng “Rukun Negara-Các Nguyên tắc Quốc gia”, cũng như đề xuất các chương trình, sáng kiến ​​và hoạt động phù hợp thúc đẩy sự liên đới. Tài liệu “Các Nguyên tắc Quốc gia” là tuyên ngôn triết lý được phê chuẩn khi “Ngày Quốc gia” được tuyên bố trong năm 1970.

Đức cha Seng là người được các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị đánh giá cao, do các hoạt động dấn thân duy trì các mối tương quan tốt đẹp liên tôn và các tổ chức khác. Trong thời gian qua, dấn thân của ngài đã được ghi nhận trong các chương trình và hoạt động cải thiện xã hội, thúc đẩy sự hoà hợp giữa những người theo các tín ngưỡng khác nhau.

Sarawak là bang lớn nhất trong Liên bang Malaysia và là bang duy nhất ở Malaysia có số người Kitô hữu đông nhất (42,6%), nhiều hơn so với Hồi giáo (32,2%)

Ngọc Yến