24/12/2024

Chúa Nhật XXIII TN A 2020: Món nợ tình yêu

Các bài Thánh Kinh tuần này nói đến những hành động con người phải làm cho nhau, như cảnh báo cho người tội lỗi để họ hối cải trong bài đọc I, sửa lỗi cho người phạm tội trong bài Tin Mừng. Đây là món nợ tương thân tương ái được thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ yêu thương nhau, vì yêu thương là chu toàn lề luật”.

Chúa Nhật XXIII TN A 2020

Món nợ tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này nói đến những hành động con người phải làm cho nhau, như cảnh báo cho người tội lỗi để họ hối cải trong bài đọc I (x. Ed 33,7-9), sửa lỗi cho người phạm tội trong bài Tin Mừng (x. Mt 18,15-20). Đây là món nợ tương thân tương ái được thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ yêu thương nhau, vì yêu thương là chu toàn lề luật” (x. Rm 13,8-10).

Nhưng tại sao ta lại “chõ miệng vào chuyện của người khác” như thế, vì họ có tự do kia mà!? Tại sao ta lại can thiệp vào những chuyện không dính líu tới mình? Ta chỉ có thể hiểu được lý do tại sao, nếu biết con người thật sự là ai, với nhân vị là giá trị độc nhất và vô cùng cao quý của con người.

1. Con người là ai hay là gì?

Kể từ lúc con người biết suy tư, gọi là “homo sapiens”, xuất hiện cách đây khoảng 196.000 năm với 7,7 tỉ người đang sống trên mặt đất, con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời về lai lịch của mình, về chỗ đứng và vai trò của mình trong xã hội và vũ trụ, về cùng đích của đời sống.

Nhờ những khám phá mới mẻ của các ngành khoa học hiện đại, con người có nhiều điều kiện hơn để tìm hiểu về chính mình và trả lời cho các câu hỏi như: Con người là ai hay là gì? Con người bắt nguồn từ đâu hay do ngẫu nhiên mà có trong dòng tiến hoá của vạn vật? Con người là nền tảng của xã hội hay chỉ là một thành phần nhỏ bé của nó? Con người sẽ đi về đâu, đâu là cùng đích của đời sống và mọi hoạt động của con người nơi trần thế?

Sau nhiều thế kỷ chìm đắm trong huyền thoại của các dân tộc và tôn giáo, khiến cho các câu trả lời không còn chính xác, người ta đặt niềm tin vào khoa học. Thí dụ như ngày nay chẳng ai trong chúng ta tin rằng Mẹ Âu Cơ với Lạc Long Quân đã sinh ra trăm quả trứng để nở ra 100 dòng tộc Bách Việt, nên người Việt tự hào mình là con rồng cháu tiên. Người ta tin vào giả thuyết tiến hoá của Darwin (1809-1882), cho rằng con người ngẫu nhiên mà có chứ không phải do Chúa Trời hay thần thánh tạo nên. Người ta xác tín rằng trái đất là hành tinh vỡ ra từ mặt trời cách đây 8 tỉ năm, rồi nguội dần để hình thành nên mọi loài trong vụ nổ Big Bang của vũ trụ.

Những khám phá mới của khoa thiên văn cho ta biết rằng vũ trụ có hàng trăm ngàn thiên hà giống như thiên hà của chúng ta, mỗi thiên hà có mấy trăm triệu ngôi sao như mặt trời và trái đất chỉ như một hạt bụi trong vũ trụ. Nhưng tất cả đều tuân theo luật tự nhiên lạ lùng. Càng nghiên cứu càng thấy rõ Đấng Tạo Hoá kỳ diệu vô cùng đã làm nên tất cả, dù con người không nhìn thấy được người thợ tài ba đó, như chiếc đồng hồ với vài chục bộ phận đang chạy trên tay ta.

Con người còn kỳ diệu và độc đáo hơn nữa, vì các khoa học về con người gần đây cho ta biết những điều không bao giờ ngờ tới. Mặc dù bên ngoài chúng ta khác nhau về màu da, màu tóc, hình thể, ngôn ngữ, nơi chốn…, nhưng cấu trúc căn bản ADN của con người lại đồng nhất với nhau vì chúng ta thuộc giống người. Tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại, vì thế chúng ta có trách nhiệm và bổn phận phải yêu thương nhau, lo lắng cho nhau, sửa lỗi cho nhau, vì hạnh phúc của người này cũng là hạnh phúc của người kia.

Bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ cặp base được sếp chặt lại để có thể chứa hết bên trong cái nhân của một tế bào nhỏ xíu. ADN được tập trung thành những cấu trúc dày đặc, gọi là các nhiễm sắc thể. Mỗi tế bào chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, một bộ từ mẹ và một bộ từ cha. Các nhiễm sắc thể này chứa đựng các đặc điểm di truyền từ vành tai, màu tóc, màu mắt cho đến những nguy cơ bệnh tật của con người. Cấu trúc ADN đó của giống người là hoàn toàn độc đáo, không thể sao chép và chỉ có Thiên Chúa Tạo Hoá mới có thể hình thành nên.

2. Con người là một ngôi vị

Hơn nữa, cơ thể con người trung bình có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào. Mỗi ngày có hàng triệu tế bào cũ chết đi và hàng triệu tế bào mới phát sinh. Những tế bào này được tổ chức chính xác, giữ một vị trí riêng trong một cấu trúc có trật tự. Thế mà, dù những phân tử, nguyên tử, điện tử trong cơ thể ta đổi thay từng giây phút, mỗi người vẫn ý thức về mình qua những năm tháng sống. Ta thấy mình vẫn là một ngôi vị, một chủ thể, chứ không phải là một khối vật chất vô hồn.

Ta đang sống, đang nghĩ, đang yêu, nhưng sự sống, tư tưởng, tình yêu lại không tìm thấy trong bất cứ một bộ phận nào của cơ thể, dù với máy móc tinh vi hiện đại nhất, vì đó là những giá trị tinh thần của con người. Chúng bắt nguồn từ một Đấng gọi là Thiên Chúa. Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, nguồn của tình yêu, hạnh phúc, tự do, chân thiện mỹ, … Nhờ đó ta nhận ra mình có tinh thần không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian và mở ra tới vô biên để tiếp xúc với muôn vật, muôn người.

Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình (x. St 1,26-27). Vì thế, con người là thụ tạo duy nhất thể hiện Đấng Tạo Hoá trong công trình tạo dựng và là “sinh vật duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa muốn có mặt, vì lợi ích riêng của chính họ” (x. Gaudium et Spes, số 24). Vì là một ngôi vị do Thiên Chúa tạo dựng, nên mỗi người không phải là một thứ gì đó, mà là một ai đó và có giá trị độc nhất. Chúng ta gọi đó là nhân vị, là địa vị của con người.

“Vì là một ngôi vị nên con người có khả năng nhận biết bản thân và suy gẫm về chính mình, đưa ra những quyết định tự do và bước vào mối tương quan với những người khác để tạo nên cộng đồng xã hội” (x. Docat, số 47). Hơn nữa, vì được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nên con người có mối liên hệ với Thiên Chúa và chỉ trong Chúa, con người mới có thể phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình.

Vì Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, nên những giá trị con người nhận được đều mang tính vô cùng. Nhân vị là một ơn lành Chúa ban cho từng người với tư cách là người mang hình ảnh Thiên Chúa, nên thuộc về bản chất của mỗi người, chứ không lệ thuộc vào bất cứ điều kiện sống nào: dù họ là nam hay nữ, giàu hay nghèo, xinh đẹp hay xấu xí, cao cả hay thấp hèn.

Từ địa vị cao cả đó, con người có nhân phẩm. Nhân phẩm hay phẩm giá con người chúng ta đều bằng nhau và có giá trị vô cùng như nhau. Dù tổng thống Donalt Trump đã công bố khẩu hiệu chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông sẽ là “Keep America Great” (Giữ cho nước Mỹ vĩ đại) thay cho “Make America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) vào năm 2016, thì nhân phẩm của người Mỹ cũng không vĩ đại hơn những người khác ở trên thế giới. Dù ông Tập Cận Bình có hô hào người Trung Quốc là trung tâm của thế giới và phải chiếm địa vị trung tâm đó bằng tất cả quyền lực, thì người Trung Quốc cũng không có giá trị hơn một người nghèo khổ, bệnh tật ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Do đó, mỗi người phải trân trọng yêu quý nhân phẩm của nhau để xây dựng hoà bình.

Hơn nữa, vì Thiên Chúa yêu thương ta và đã sai Con Một của Ngài làm người để cứu độ ta, muốn tất cả chúng ta trở thành con cái của Ngài. “Vì thế không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả chúng ta chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô” (Gl 3,28). Nếu đã coi nhau như là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô, thì ta có trách nhiệm phải làm cho chi thể đó an toàn, lành mạnh, và phát triển bằng việc cảnh báo lỗi lầm cho nhau, sửa chữa những ai phạm tội, sẵn sàng chịu đựng những nhục mạ và cả cái chết như Đức Giêsu để đền tội cho anh em mình, vì Người đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Lời kết

Chỉ có tình yêu như thế, ta mới phát huy được những ân sủng Chúa ban để trở thành, không phải một con người vĩ đại, nhưng là con Thiên Chúa hằng sống, tuyệt đối và cao cả vô cùng.

 

HKK