Các Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi liên đới trong dịp lễ Labour Day
Vào dịp lễ Labour Day ngày 7 tháng 9 sắp tới, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đang khuyến khích tình liên đới, lòng bác ái và cảm thông thương xót đối với những người lao động làm công việc thiết yếu và có thu nhập thấp.
Trong một tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ hôm Thứ Tư ngày 2 tháng 9, Đức Tổng Giám mục Paul Coakley của Oklahoma City, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Phát triển Con người của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nhận xét: “Ngày Lao động năm nay là một ngày ảm đạm. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.”
Phẩm giá con người hiện không được xã hội chú trọng
Đức Tổng Giám mục Coakley nhận định: “Phẩm giá của con người, được tạo nên theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, hiện không được xã hội chúng ta chú trọng theo cách mà nó cần phải được. Ở một số nơi làm việc, điều này có nghĩa là lợi nhuận được chú trọng hơn là an toàn. Thật là bất công. Chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân dồn thêm áp lực lên các chủ lao động và các nhà hoạch định chính sách, dẫn đến những kết quả này.”
Tác động của virus corona
Ngài cũng nhận định rằng tác động của virus corona lên nền kinh tế đã gây ra thiệt hại cho sức khoẻ tài chính, tinh thần và thể chất của quốc gia: “Hoàn cảnh kinh tế của rất nhiều gia đình rất căng thẳng hoặc thậm chí là thảm khốc. Sự lo lắng gia tăng. Hàng triệu người không có việc làm và tự hỏi họ sẽ thanh toán các hóa đơn như thế nào. Và đối với những công nhân làm những công việc ‘cần thiết’ tiếp tục làm việc bên ngoài nhà, có nguy cơ phơi nhiễm với virus càng cao.”
Sự tái sinh của vẻ đẹp và hy vọng
Giữa tình cảnh nghiêm trọng, Đức Tổng Giám mục Coakley nhắc lại suy tư của Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng sự tàn phá do đại dịch gây ra có thể dẫn đến sự tái sinh của vẻ đẹp và hy vọng. Ngài nói: “Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân của Người, Người luôn ở gần họ, đặc biệt là khi đau khổ nhiều hơn.” Ngài khẳng định rằng Thiên Chúa biết những thử thách và đau khổ mà chúng ta đang đối mặt. Vấn đề là chúng ta có cầu nguyện và sẵn sàng tham gia vào công việc của Chúa để chữa lành những thương tích, mất mất, bất công mà đại dịch gây ra không. Và thậm chí trước khi đại dịch xảy ra, nhiều người Mỹ đã bị khốn khổ bởi đồng lương thấp, sự bấp bênh bởi vấn đề thực phẩm, nhà cửa, chăm sóc y tế, thiếu cơ hội để dành dụm hoặc thăng tiến trong nghề nghiệp.
Liên đới với những người đang gặp khó khăn
Đức Tổng Giám mục Coakley mời gọi các tín hữu Công giáo hãy là những người tiêu thụ cách có ý thức về nguồn gốc sản phẩm và cách các công nhân được các ông chủ đối xử. Ngài mời gọi thực thi tình liên đới với những người đang gặp khó khăn để bảo vệ quyền của người lao động và phẩm giá của họ. Ngài khuyến khích mọi người quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm địa phương và các cơ quan từ thiện Công giáo. (CSR_6344_2020)