Chúa Nhật, 06.09.2020
Phạm Lỗi Và Sửa Lỗi
Chúa Nhật, 06.09.2020
Phạm Lỗi Và Sửa Lỗi
Chúa Nhật Tuần XXIII Mùa Thường Niên
Ed 33,7-9 • Tv 94,1-2.6-7.8-9 • Rm 13,8-10 • Mt 18,15-20
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Nghe suy niệm Lời Chúa
Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa:
Phạm Lỗi Và Sửa Lỗi
Đời sống gia đình thật kỳ diệu! Dù có vui-buồn-sướng-khổ, có vinh-nhục-thăng-trầm, có thương-ghét-hợp-tan, có phúc-hoạ-công-tội, cuối cùng thì các thành viên đều nhận ra họ vẫn là ruột thịt lẫn nhau. Trong lầm lỗi và hoạn nạn, những trái tim ruột thịt thường cùng nhịp đập tương thân tương ái. Có sự ràng buộc tự nhiên và thiêng liêng khó tách rời những người cùng huyết thống.
Cũng vậy, Giáo hội và nhân loại là gia đình của Thiên Chúa. Với Bí tích Rửa tội, Kitô hữu tham gia vào gia đình Giáo hội, cùng với Giáo hội mang ơn gọi làm cho mọi người trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta ý thức về mối liên kết đức tin và tình thương cứu độ được Ngài ban tặng cho mọi thành viên trong gia đình Ngài.
Trước hết, Kitô hữu không thể sống đức tin cách đơn độc. Đức tin được sinh hạ, nuôi dưỡng và tăng trưởng giữa lòng cộng đoàn. Ai nghĩ mình sống đức tin mà không cần đến cộng đoàn Giáo hội, người ấy dễ rơi vào chủ quan và ảo tưởng. Giữa Kitô hữu và cộng đoàn có mối tương quan mật thiết lẫn nhau, và ít nhiều mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm với nhau trong hành trình đức tin, như những thành viên trong một gia đình. Kế đến, Kitô hữu cần quan tâm đến điều thiện hảo nhất cho nhau: ơn cứu độ. Khi có ai lạc lối tâm linh, trách nhiệm của mỗi Kitô hữu không phải là kết án và loại trừ, nhưng là thương xót, khuyên nhủ và cầu nguyện cho nhau, để cùng nhau tìm về nguồn tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Muốn thế, Kitô hữu cần phải có tình yêu lớn và lòng kính trọng sâu xa đối với mỗi con người cũng như vận mệnh vĩnh cửu của nhau, thể hiện qua sự tế nhị, ý ngay lành, lòng khiêm tốn, lời cầu nguyện cho những ai lạc hướng. Nhưng ai là kẻ phạm lỗi và ai là người sửa lỗi? Mọi Kitô hữu. Trước sau, nặng nhẹ, mỗi Kitô hữu đều có lúc đối diện với sự mỏng manh của thân phận trong hành trình đức tin, và vì thế đều cần sự đỡ nâng, lời cầu nguyện và ơn tha thứ cho nhau.
Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam