Dùng chó phát hiện người nhiễm COVID-19 rất hiệu quả
Dùng chó phát hiện người nhiễm COVID-19 rất hiệu quả
Kết quả nghiên cứu cho thấy chó có thể học cách nhận biết “mùi” bệnh COVID-19. Cuối tháng 8-2020, Viện hàn lâm Y học Pháp đã đề nghị bổ sung đánh giá khoa học trước khi áp dụng trong thực tiễn.
Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đang huấn luyện chó để phát hiện người nhiễm COVID-19. Ở Pháp nổi bật có dự án Covidog của Đại học Strasbourg và dự án của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).
Vì sao chó có thể phát hiện người nhiễm COVID-19?
Bên trong mũi chó được bao phủ bằng 200 triệu tế bào khứu giác (con người chỉ có 5 triệu tế bào khứu giác). Nhờ các tế bào khứu giác này, chó đánh hơi rất nhạy.
Virus SARS-CoV-2 không có mùi đặc biệt. Ngược lại, người nhiễm virus SARS-CoV-2 tiết ra các phân tử đặc trưng trong không khí được gọi là “các chất hữu cơ bay hơi” (volatilome).
Nhà virus học Christophe Ritzenthaler – giám đốc nghiên cứu CNRS và nhà nghiên cứu tại Viện Sinh học phân tử thực vật, giải thích: “Virus lập trình lại tế bào đã tác động, tạo thay đổi mạnh mẽ trong quá trình trao đổi chất của tế bào. Do đó, tế bào bị nhiễm không giải phóng các phân tử giống như tế bào khỏe mạnh”.
Từ đó, chó có thể học cách nhận biết “mùi” bệnh từ người có triệu chứng nhiễm cũng như người nhiễm không bộc lộ triệu chứng.
Dùng polymer chộp các phân tử
Để huấn luyện chó, cần phải phát tán các phân tử trong không khí.
Công ty khởi nghiệp Biodesiv ở Strasbourg đã thiết kế các ống đặc biệt có chứa một hợp chất cao phân tử polymer có chức năng bắt giữ các phân tử bay hơi và sau đó giải phóng chúng dần dần.
Chuyên gia Ritzenthaler giải thích: “Khi đặt polymer này cạnh các tế bào bị nhiễm, chúng ta có thể thu được mùi từ tế bào nhiễm mà không có nguy cơ bị lây nhiễm. Do đó, chó cũng như người huấn luyện đều không bị nhiễm virus trong quá trình huấn luyện”.
Dự án Nosaïs-COVID-19
Trường Thú y quốc gia Alfort ở Maisons-Alfort (tỉnh Val-de-Marne của Pháp) đang tiến hành một dự án mang tên Nosaïs-COVID-19.
Chó được dẫn đến trước các giá đỡ bằng kim loại. Trong mỗi giá đỡ có chứa một mẫu mồ hôi con người được lấy dưới nách bằng gạc.
Các mẫu thử nghiệm không chứa tải lượng virus được lấy từ các mẫu lấy trên bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại các bệnh viện. Nhiệm vụ của chó là phải dò được người bị nhiễm bằng cách đánh hơi các giá đỡ kim loại này.
Nhiều doanh trại trên đảo Corse (Ajaccio, Bastia và Porto Veccio) đã thử nghiệm thiết bị này vào mùa hè. Kết quả cho thấy thiết bị có thể sàng lọc hàng trăm người.
Những vấn đề cần tiếp tục cải thiện
Cuối tháng 8-2020, Viện hàn lâm Y học quốc gia và Viện hàn lâm Thú y Pháp đã phát thông cáo báo chí đánh giá kết quả nghiên cứu ban đầu dùng chó phát hiện người nhiễm COVID-19 rất hứa hẹn.
Dù vậy cần phải “bổ sung đánh giá khoa học và phát triển của thử nghiệm mới để đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất” và “xác định các quy tắc thực hành tốt”.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phải giải đáp các vấn đề gồm tỉ lệ kết quả sai như dương tính giả hoặc âm tính giả là bao nhiêu, phân tử chính xác mà chó nhận diện là gì.
Hai viện nêu trên ghi nhận với số lượng xét nghiệm cần thực hiện ngày càng nhiều, sử dụng chó đánh hơi sẽ làm giảm thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm RT-PCR quá lâu, đặc biệt đối với các ca nghi nhiễm và các ca tiếp xúc với người nhiễm.
Tỉ lệ tin cậy của chó rất cao
Mới đây, một nhóm nghiên cứu thú y của Đại học Hanover (Đức) đã công bố nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành BMC Infectious Diseases cho thấy 7 con chó đã thực hiện tổng cộng 10.388 lượt kiểm tra và đã phát hiện chính xác từ 82,6%-96%.
Mặc dù số mẫu được thực nghiệm còn ít, nghiên cứu nêu trên cho thấy tỉ lệ tin cậy của chó rất cao. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục nghiên tục để bảo đảm hiệu quả không thay đổi.
Đánh hơi bằng chó đặc biệt hữu ích khi sàng lọc nguyên nhóm như những người cao tuổi trong viện dưỡng lão hay hành khách lên máy bay hoặc tàu hỏa.