23/01/2025

Nga công bố kết quả thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên 76 người

Nga công bố kết quả thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên 76 người

Các chuyên gia Nga ngày 4.9 công bố kết quả thử nghiệm ban đầu vắc xin phòng Covid-19 trên 76 người và kết luận tất cả tình nguyện viên có kháng thể, không biểu hiện tác dụng phụ nghiêm trọng.
Hai lọ vắc xin phòng Covid-19 được phê chuẩn đầu tiên trên thế giới của Nga /// AFP
Hai lọ vắc xin phòng Covid-19 được phê chuẩn đầu tiên trên thế giới của Nga AFP
 Chính phủ Nga hồi tháng 8 tuyên bố phê chuẩn vắc xin đầu tiên trên thế giới “Sputnik V” sau cuộc thử nghiệm lâm sàng chưa đầy 2 tháng, theo AFP. Đáng chú ý là Nga phê chuẩn vắc xin khi nó chỉ mới bước vào cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Giai đoạn 3 là bước cuối cùng trước khi phê chuẩn. Tờ Vedomosti (Nga) đưa tin Nga kết hợp thử nghiệm vắc xin giai đoạn 1, 2 cùng lúc.
Các nhà khoa học phương Tây cảnh báo mối nguy hiểm từ việc phê chuẩn vắc xin quá nhanh, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Nga không công bố dữ liệu về các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, chính phủ Nga cho rằng những lời chỉ trích này là nhằm phá hoại công trình nghiên cứu vắc xin Sputnik V.
Đến ngày 4.9, các nhà khoa học Nga mới công bố nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet, mô tả về hai cuộc thử nghiệm nhỏ (tức giai đoạn 1, 2) với 76 người.
Mỗi thử nghiệm được tiến hành với 38 người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-60. Mỗi người được tiêm 2 liều vắc xin thử nghiệm, cách nhau 21 ngày.
Theo nghiên cứu, 76 tình nguyện viên được theo dõi sức khỏe trong 42 ngày và tất cả đều phát triển kháng thể trong vòng 3 tuần đầu tiên. Từ đó, các chuyên gia Nga kết luận vắc xin “an toàn và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng đối với những tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh”.
Các nhà nghiên cứu Nga nhấn mạnh cần phải có cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn, thời gian dài hơn (tức giai đoạn 3) để xác định độ an toàn và tính hiệu quả lâu dài của vắc xin phòng Covid-19. Họ cho biết thêm có 40.000 tình nguyện viên “từ các nhóm tuổi và nguy cơ khác nhau” tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Đánh giá về nghiên cứu này, chuyên gia Naor Bar-Zeev tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng kết quả cuộc thử nghiệm là “đáng khích lệ nhưng quy mô quá nhỏ” nên chưa thể khẳng định về độ an toàn, theo AFP. “Chứng minh độ an toàn là yếu tố quan trọng trong phát triển vắc xin Covid-19, không chỉ để phê chuẩn mà còn nhằm xây dựng niềm tin cho dân chúng về việc tiêm chủng”, ông Bar-Zeev viết trong bài bình luận trên tờ Lancet.
Sputnik V là vắc xin do Viện nghiên cứu Gamaleya ở thủ đô Moscow phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Chính phủ Nga tuyên bố sản xuất đại trà vắc xin kể từ tháng 9. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã bác bỏ mọi mối lo ngại, khẳng định vắc xin Sputnik V là an toàn và đã được tiêm cho một người con gái của ông.
PHÚC DUY
TNO