Các nhà khoa học đã làm được ‘hoán đổi thân xác’
Các nhà khoa học đã làm được ‘hoán đổi thân xác’
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã thành công với thí nghiệm ‘hoán đổi thân xác’, cụ thể là thay đổi đáng kể nhận thức của người tham gia thí nghiệm và can thiệp vào khả năng tạo ký ức của họ.
Nhóm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Não bộ, cơ thể và bản thân do Henrik Ehrsson đứng đầu đã lấy 33 cặp bạn bè và “hoán đổi” cơ thể của họ bằng một tai nghe chụp tai VR – cho phép người đeo trải nghiệm cảm giác ở trong cơ thể người bạn mình.
“Hoán đổi thân xác không còn là lĩnh vực dành riêng cho phim khoa học viễn tưởng nữa”, nhà khoa học thần kinh Pawel Tacikowski từ Học viện Karolinska ở Thụy Điển cho biết.
Theo Đài RT, nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm xúc giác để người tham gia cảm nhận những gì họ nhìn thấy, tương tự như trải nghiệm xem phim 4D.
Thí nghiệm còn tiến xa hơn thế: khi một người tham gia bị đe dọa bằng dao, người kia sẽ toát mồ hôi hột dù chỉ trong thời gian ngắn.
Trước, trong và sau thí nghiệm kéo dài vài phút, những người tham gia được yêu cầu đánh giá bản thân và bạn của họ về một số đặc điểm tính cách như nói nhiều, vui vẻ, độc lập, tự tin… Các câu trả lời đã thay đổi đang kể trong suốt quá trình làm thí nghiệm.
“Điều này cho thấy ý niệm về bản thân có khả năng thay đổi nhanh chóng”, Tacikowski nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng một ngày nào đó nghiên cứu này có thể mở ra cánh cửa giúp họ nghiên cứu sâu hơn về một số chứng rối loạn nhân cách như tâm thần phân liệt.
Tacikowski nói thêm rằng những người trầm cảm thường có “niềm tin cứng nhắc và tiêu cực về bản thân”, khiến cuộc sống của họ có nhiều ức chế, nhưng với thí nghiệm nói trên có khả năng giúp họ phần nào thay đổi ấn tượng về bản thân.
Có một điều kỳ lạ là trong bài kiểm tra trí nhớ thực hiện ngay sau thí nghiệm, những người tham gia dường như có trí nhớ kém hơn, như thể ký ức của họ mờ dần cùng với ý thức về bản thân.
“Mọi người có khả năng ghi nhớ tốt hơn những gì liên quan đến bản thân”, Tacikowski nói, hàm ý rằng họ có thể can thiệp vào trí nhớ con người thông qua thí nghiệm này.
Những người nhập tâm vào thí nghiệm nhiều hơn, tức là “trở thành” bạn bè của họ nhiều hơn, thì làm bài kiểm tra trí nhớ sau đó tốt hơn, có thể là do khoảng cách giữa ý thức về bản thân và cơ thể thực của họ thấp hơn.
Sự bất hòa giữa cơ thể và tinh thần có thể ảnh hưởng đến khả năng hình thành và lưu giữ ký ức của chúng ta, và nghiên cứu ít nhất chỉ ra rằng “đặt bản thân vào vị trí của người khác có thể thay đổi cách chúng ta suy nghĩ”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí iScience ngày 26-8 và được Đài RT (Nga) dẫn lại vào ngày 31-8.