23/12/2024

Người tị nạn Rohingya đau khổ và sợ hãi trước nạn buôn người

Người tị nạn Rohingya đau khổ và sợ hãi trước nạn buôn người

Một nhóm trẻ em người Rohingya tại một trại tị nạn (ANSA)

Cha Jeyaraj Veluswamy, Dòng Tên, người Ấn Độ, kêu gọi “đừng quên hoàn cảnh khó khăn của hơn 850.000 người tị nạn Rohingya. Trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra, họ đang phải sống trong tình trạng ‘địa ngục’ trong 34 trại do Cao uỷ Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) và Tổ chức Quốc tế về Di dân thiết lập (IOM) ở Cox’s Bazar, Bangladesh”.

Cha Veluswamy phụ trách về mục vụ và xã hội cho người tị nạn Rohingya ở Bangladesh nói rằng dù thế giới đang quan tâm đến đại dịch, cha cũng muốn nhắc rằng ngày 25 tháng 8 vừa qua là tròn 3 năm cuộc di cư ồ ạt của những người tị nạn từ Myanmar đến Bangladesh, bắt đầu vào năm 2017.

Nguy cơ dịch bệnh do điều kiện sống tồi tàn

Theo cha, ở một quốc gia đa dạng về sắc tộc như Myanmar (trong 14 bang và các khu vực, có 135 nhóm sắc tộc), trường hợp của hơn 1,2 triệu người tị nạn Rohingya chạy sang Bangladesh là nổi bật, và ngày nay họ cũng gặp phải tác động của đại dịch Covid-19. Cha nói: “Hiện tại nỗi sợ hãi đang phổ biến trong các gia đình Rohingya và họ rất khó thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình khỏi virus.”

Theo các nguồn tin địa phương, đã có 79 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 trong các trại Rohingya tính đến ngày 13 tháng 8. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao vì điều kiện sống trong những trại này thường tồi tàn, không an toàn và đôi khi là ác mộng.

Món mồi béo bở của bọn buôn người

Cha Veluswamy cho biết, do tuyệt vọng, nhiều thanh niên Rohingya đã nhờ đến những kẻ buôn người để được đưa đến các nước khác như Malaysia, Indonesia để thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại. Báo cáo nói: “Người Rohingya không có khả năng tự vệ và dễ bị tổn thương. Đối với những kẻ buôn người, hoàn cảnh của họ là một thương vụ béo bở.”

Theo dữ liệu của Tổ chức Quốc tế về Di dân, khoảng 1.400 người Rohingya đang kẹt trên biển và tính đến tháng 6 năm 2020, ít nhất 130 người trong số họ đã chết. Những kẻ buôn người tính phí 2.300 USD cho mỗi người được đưa đến bờ biển của Malaysia hoặc Indonesia, hai điểm đến được yêu thích ở Đông Nam Á. Tổ chức phi chính phủ “Fortify Rights” ước tính trong 4 năm qua, khoảng 168.000 người Rohingya đã bí mật rời khỏi bang Rakhine của Myanmar và các trại ở Cox’s Bazar. (Fides 29/08/2020)

Hồng Thuỷ