22/12/2024

ĐTC Phanxicô (30/8): Trốn chạy khỏi thập giá là “cớ vấp phạm”

ĐTC Phanxicô (30/8): Trốn chạy khỏi thập giá là “cớ vấp phạm”

Trưa Chúa nhật 30/8, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường niên năm A, về việc Chúa loan báo cuộc khổ nạn của Ngài và khiển trách Thánh Phêrô vì đã ngăn cản Ngài thực hiện Thánh ý Chúa Cha.

Không hiểu Chúa vì tư tưởng còn theo thế gian

Trước hết, Đức Thánh Cha nói đến sự nối kết Tin Mừng Chúa Nhật XXII với Chúa Nhật tuần trước: “Sau khi Thánh Phêrô đại diện các môn đệ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa, thì chính Chúa Giêsu bắt đầu nói cho các ông biết cuộc khổ nạn của Ngài. Suốt hành trình tiến về Giêrusalem, Chúa giải thích cách công khai cho các bạn hữu những gì đang đợi Chúa ở thành thánh. Chúa loan báo trước mầu nhiệm chết và phục sinh, sỉ nhục và vinh quang của Ngài. Chúa nói Ngài sẽ ‘phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại’ (Mt 16,21). Nhưng các môn đệ không hiểu những lời Chúa nói với các ông, bởi vì đức tin của các ông chưa được trưởng thành và tâm trí của các ông còn theo thế gian. Các ông nghĩ về một chiến thắng quá trần tục, và vì thế các ông không hiểu ngôn ngữ của thập giá.”

Trốn chạy khỏi thập giá là ‘cớ vấp phạm’

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói về phản ứng của Thánh Phêrô trước những lời loan báo của Chúa Giêsu: “Trước viễn cảnh có thể xảy ra đối với Chúa về sự thất bại và cái chết trên thập giá, Thánh Phêrô tỏ thái độ phản đối: ‘Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!’” (Mt 16,22). Đức Thánh Cha giải thích thái độ này của Thánh Phêrô: “Ông tin vào Chúa Giêsu, muốn theo Chúa, nhưng không chấp nhận vinh quang của Ngài qua cuộc khổ nạn. Đối với Thánh Phêrô và các môn đệ khác – nhưng cả chúng ta – thập giá là ‘cớ vấp phạm’, trong khi Chúa coi việc trốn chạy khỏi thập giá là ‘cớ vấp phạm’, nghĩa là trốn chạy khỏi ý Chúa Cha, khỏi sứ vụ mà Cha đã giao phó cho Ngài vì ơn cứu độ chúng ta. Vì điều này, Chúa trả lời Phêrô: ‘Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.’ (Mt 16,23)”.

Đức Thánh Cha nhận xét: “Mười phút trước đó, Chúa Giêsu khen ngợi và hứa làm cho Thánh Phêrô trở thành nền tảng của Giáo hội Ngài; mười phút sau Ngài gọi ông là Xatan. Làm sao chúng ta hiểu được điều này? Đây cũng là điều xảy đến cho tất cả chúng ta. Trong lúc sốt sắng, nhiệt thành chúng ta nhìn theo Chúa Giêsu và tiến bước; nhưng trong lúc chúng ta gặp thập giá, chúng ta chạy trốn. Chúa Giêsu nói Xatan cám dỗ chúng ta. Chính thần dữ, ma quỷ làm chúng ta rời xa thập giá.”

Theo Chúa là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo Ngài

Tới đây, hướng về tất cả, Chúa nói thêm: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16, 24). Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Theo cách này, Chúa chỉ ra con đường dành cho các môn đệ, thể hiện qua hai thái độ. Trước tiên là ‘từ bỏ chính mình’. Điều này không có nghĩa là một sự thay đổi bên ngoài, nhưng là một sự hoán cải, một sự thay đổi hoàn toàn các giá trị. Và thái độ thứ hai là ‘vác thập giá mình mà theo’.”

Đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, đức tin và trách nhiệm

Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu chú ý rằng điều này không chỉ là việc chịu những đau khổ hằng ngày cách kiên nhẫn, nhưng mang nó với đức tin và trách nhiệm. Như thế, ‘vác thập giá’ trở thành việc tham dự với Đức Kitô cho ơn cứu độ thế giới. Hãy nghĩ về điều này, Thánh giá mà chúng ta treo trên tường, hoặc Thánh giá nhỏ mà chúng ta đeo nơi cổ, là dấu chỉ cho thấy chúng ta muốn kết hợp với Chúa Kitô trong sự phục vụ phục vụ anh chị em với tình thương, đặc biệt là những người nhỏ bé và mong manh nhất. Thánh giá là một dấu hiệu thánh của Tình yêu Thiên Chúa và của Hy sinh của Chúa Giêsu, và không được giảm xuống biến thành một đối tượng mê tín hoặc một đồ trang sức. Mỗi khi chăm chú nhìn vào hình ảnh Chúa Kitô bị đóng đinh, chúng ta nghĩ rằng Người, là Tôi tớ đích thực của Thiên Chúa, đã hoàn thành sứ mạng của mình bằng cách trao ban sự sống, đổ máu để tha thứ tội. Do đó, nếu chúng ta muốn trở thành môn đệ của Người, chúng ta được mời gọi noi gương Người, hiến dâng cuộc sống vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng kết hợp với Con của Mẹ trên đồi Canvê, giúp chúng ta không lùi bước trước những thử thách và đau khổ mà chứng tá Tin Mừng phải đối diện.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến Ngày Thế giới Chăm sóc Thụ tạo 01/9/2020: Từ ngày 01/09 đến ngày 04/10, chúng ta sẽ cử hành “Năm Thánh của Trái đất”, để nhớ lại việc thành lập ngày này cách đây 50 năm của các anh chị em Kitô thuộc các Giáo hội và truyền thống khác nhau. Tôi chào mừng các sáng kiến ​​được thúc đẩy trên khắp thế giới về chủ đề này, và một trong số đó là buổi hoà nhạc diễn ra hôm nay tại Nhà thờ Chính toà Port-Louis, thủ đô Mauritius, nơi không may mới xảy ra một thảm hoạ môi trường.

Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an bình và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Ngọc Yến