16/11/2024

Vai trò của hoạt động liên tôn trong việc giải quyết các thách đố cho Châu Phi

Vai trò của hoạt động liên tôn trong việc giải quyết các thách đố cho Châu Phi

Người dân đợi phát thực phẩm tại một Nhà thờ ở Nam Phi (ANSA)

Trước thềm cuộc họp G20 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, để hiểu rõ các hoạt động liên tôn trong việc giải quyết các thách đố ngày càng gia tăng của châu Phi, ngày 24/8, một diễn đàn trực tuyến đã diễn ra với sự tham dự của các vị lãnh đạo tôn giáo, các bộ trưởng, chuyên gia và đại diện các tổ chức hoạch định chính sách liên chính phủ Châu Phi.

Diễn đàn được tổ chức bởi Liên minh các nền văn minh thuộc Liên Hiệp Quốc (UNAOC), Hiệp hội Diễn đàn Liên tôn G20, Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn và Liên văn hóa của Quốc vương Abdullah Bin Abdulaziz (KAICIID), và Uỷ ban Quốc gia về Liên tôn và Văn hoá Đối thoại tại Vương quốc Ả Rập Xê Út (NCIID). Các suy tư đóng góp tại cuộc gặp gỡ này sẽ được đệ trình lên các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Riyadh, Ả Rập Xêút.

Tại diễn đàn, các tham dự viên đã xem xét các đáp ứng của tôn giáo và chính sách đối với đại dịch đang diễn ra, cũng như các tác động của Covid-19 đối với những thách đố phát triển mà lục địa này đang phải đối phó.

Ông Faisal Bin Muaammar, Tổng Thư ký Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn và Liên văn hoá của Quốc vương Abdullah Bin Abdulaziz (KAICIID), nói: “Chúng ta đang sống giai đoạn khủng hoảng đại dịch: Covid-19 tiếp tục là ưu tư của cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạch định chính sách. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nhưng còn đã đặt ra những thách thức khác nghiêm trọng hơn.”

Các tham dự viên quan tâm đến nguy cơ mất an ninh lương thực của Châu Phi. Mặc dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng Covid-19 tạo ra mối đe dọa lớn đối với châu Phi, làm cho đại lục này rất khó đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2 của Liên Hiệp Quốc về Không Nạn đói vào năm 2030.

Tiến sĩ Iyad Abumoghli, Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc khuyến khích các nhà bảo vệ môi trường cộng tác với các cộng đoàn đức tin để thực hiện khai thác bền vững dựa trên giá trị hơn là các tài nguyên thiên nhiên của lục địa. Tiến sĩ lưu ý, đa số các cộng đoàn đức tin là “các tổ chức xã hội lớn ở Châu Phi”, điều này sẽ giúp ngăn chặn nạn đói và tình trạng mất an ninh lương thực.

Việc xóa nợ cho một số nước châu Phi cũng là một điểm quan tâm đối với các tham dự viên. Nhiều người bày tỏ lo ngại, nếu không được giảm nợ, một số quốc gia sẽ khó đảm bảo nguồn lực để chống lại Covid-19, dẫn đến hàng triệu người bị nhiễm bệnh, đói và nghèo.

Về vấn đề này, ông Martin Pascal Tine, Đại sứ Senegal cạnh Tòa thánh kêu gọi các cộng đoàn đức tin có hành động chung để vận động các tổ chức hoạch định chính sách tăng cường xóa nợ. Và theo Đức Hồng y John Onaiyekan, nguyên Tổng Giám mục Abuja, các cộng đoàn đức tin nên tham gia vào việc đảm bảo nguồn vốn hướng đến phúc lợi công và các thành phần xã hội đang có nhu cầu nhất.

Mặc dù lo ngại châu Phi chỉ có một quốc gia (Nam Phi) trong nhóm G20, các tham dự viên vẫn hy vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ cân nhắc về các quyết định của họ. Và theo Đức Hồng y Onaiyekan, cần phải “nói với Châu Phi, chứ không phải nói về Châu Phi”.

Ngọc Yến