Siêu hạn hán kéo dài 1.000 năm từng xảy ra ở lục địa Đông Nam Á
Siêu hạn hán kéo dài 1.000 năm từng xảy ra ở lục địa Đông Nam Á
Thắc mắc của các nhà khảo cổ về ‘sự mất tích’ dấu vết con người ở lục địa Đông Nam Á, bao gồm lãnh thổ Việt Nam ngày nay, trong suốt một thiên niên kỷ có thể đã có lời giải.
Theo tạp chí Science Magazine, trong nhiều năm, các nhà khảo cổ nghiên cứu lục địa Đông Nam Á – khu vực gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia và Việt Nam ngày nay – cứ thắc mắc về cái họ gọi là “thiên niên kỷ mất dấu” – một giai đoạn từ 6.000 đến 4.000 năm trước với rất ít dấu vết con người định cư.
Nhà khảo cổ Joyce White (ĐH Pennsylvania, Mỹ), cho biết bà và các đồng nghiệp lâu nay cứ nghĩ do giới nghiên cứu chưa xác định được chính xác nơi con người thời đó sinh sống, nhưng bây giờ bà tin rằng một trận hạn hán rất lớn đã giết chết phần lớn dân số, đẩy con người đi tìm nguồn nước ở những nơi khác.
Để tái dựng lại khí hậu giai đoạn đó, nhóm của bà White tiến hành nghiên cứu thạch nhũ trong hang động Tham Doun Mai ở miền bắc Lào. Bằng cách tìm kiếm các lớp thạch nhũ chứa nhiều đồng vị oxy-18, họ có thể xác định được khí hậu giai đoạn nào bị khô hạn.
Kết quả họ phát hiện lượng mưa trong hang tương đối ổn định trong hơn 4.000 năm trước khi đột ngột giảm trong giai đoạn từ 5.100 – 3.500 năm trước. Đây là dấu hiệu khu vực trải qua một trận hạn kéo dài hơn 1.000 năm, điều mà trước nay không ai nghĩ đến.
Theo nhà cổ sinh học Kathleen Johnson (Đại học California, Irvine), giai đoạn 5.000 – 4.000 năm trước, châu Phi và châu Á từng trải qua một loạt trận siêu hạn hán do vùng Sahara ở bắc Phi dần trở nên khô cằn (hình thành nên sa mạc Sahara ngày nay), lục địa Đông Nam Á có thể đã chịu chung số phận.
Giai đoạn đó chứng kiến nhiều nền văn minh từ Tây Á đến Trung Đông chìm trong hỗn loạn, ví dụ sự sụp đổ của Đế chế Akkad, nền văn minh Thung lũng Indus…
Để xác định hiện tượng sa mạc hóa ở châu Phi tác động ra sao đến lục địa Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu giả lập nền khí hậu cổ xưa, cho tương tác nhiều yếu tố như đại dương, khí quyển, bụi và thảm thực vật.
Họ nhận thấy vùng Sahara khô cạn đã làm tăng lượng bụi trong không khí, đẩy Thái Bình Dương vào một chu kỳ El Nino kéo dài, làm gián đoạn mùa mưa ở lục địa Đông Nam Á gây ra hạn hán, trong khi khu vực Đông Á thì bị lũ lụt.
Nhà cổ sinh học Michael Griffiths (Đại học William Paterson) gọi hiện tượng này là “sự tái phân bổ độ ẩm trên toàn châu Á”.
Nhóm của ông Griffiths dự định sẽ thám hiểm thêm các hang động ở Việt Nam và Thái Lan để có cái nhìn toàn diện hơn về giai đoạn địa chất này, với hi vọng rằng câu trả lời có thể giúp bổ khuyết thêm cho công tác dự báo khí hậu ngày nay.