Kết luận cáo chung cho ước mong dùng thuốc sốt rét điều trị COVID-19
Kết luận cáo chung cho ước mong dùng thuốc sốt rét điều trị COVID-19
Dùng riêng rẽ thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine cho bệnh nhân COVID-19 thì không có tác dụng. Nhưng nếu dùng chung thuốc này với azithromycin thì dẫn tới hiểm họa khôn lường.
Chỉ dùng riêng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine (HCQ) điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thì không có tác dụng tích cực hay tiêu cực gì.
Nhưng nếu dùng kết hợp HCQ với thuốc kháng sinh azithromycin (AZI – thuốc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) thì nguy cơ tử vong sẽ tăng thêm so với phương pháp điều trị tiêu chuẩn.
Nguy cơ tử vong tăng 27%
Kết luận trên đã được nêu trong công trình nghiên cứu của 6 nhà khoa học với tiêu đề “Ảnh hưởng của hydroxychloroquine có hoặc không có azithromycin về tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19: Tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Microbiology and Infection ngày 26-8. Đây là tạp chí chính thức của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm châu Âu (ESCMID).
Cần nhớ liệu pháp kép hydroxychloroquine + azithromycine đã từng được GS người Pháp Didier Raoult – giám đốc Viện Nghiên cứu bệnh viện đại học (IHU) – bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải ở Marseille – kiên quyết bảo vệ.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh tác dụng của HCQ có hoặc không có AZI với phương pháp điều trị tiêu chuẩn tại bệnh viện (nhóm kiểm soát).
Các bệnh nhân được điều trị bằng HCQ+AZI có nguy cơ tử vong tăng 27% so với bệnh nhân được điều trị tiêu chuẩn (thở oxy, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm…).
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Thibault Fiolet tại Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM)/Đại học Paris-Saclay – đồng tác giả nghiên cứu – giải thích đây là rủi ro tương đối chỉ ra mối tương quan về tỉ lệ tử vong giữa những người được điều trị và những người không được điều trị với HCQ+AZI.
Nếu tính rủi ro tuyệt đối bao gồm tỉ lệ tử vong cơ bản của các bệnh nhân nằm viện được điều trị bằng nhiều phương pháp, nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân dùng HCQ+AZI từ 27% còn 7%.
Nghiên cứu đáng tin cậy vì ba lý do
Tạp chí khoa học Sciences et Avenir (Pháp) đánh giá đây là công trình phân tích tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay về liệu pháp kép hydroxychloroquine + azithromycine.
Nghiên cứu nêu trên quan trọng vì nhiều lý do.
Thứ nhất, nghiên cứu tuân thủ các khuyến nghị nghiêm ngặt nhất về phương pháp luận trong nghiên cứu y học của tổ chức quốc tế Cochrane.
Thứ hai, nghiên cứu được công bố trên một trong những tạp chí về bệnh truyền nhiễm đáng tin cậy nhất.
Cuối cùng, nghiên cứu là công trình phân tích tổng hợp được coi là bằng chứng cao nhất trong nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu phân tích tổng hợp này không phải là nghiên cứu duy nhất cho thấy HCQ không hiệu quả mà là một tập hợp gồm nhiều nghiên cứu liên quan.
Phân tích tổng hợp 24 nghiên cứu
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Mathieu Rebeaud ở Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) – đồng tác giả nghiên cứu – cho biết: “Chúng tôi đã thu thập và kiểm tra 839 bài báo khoa học xuất bản trong những tháng gần đây về COVID-19, sau đó giữ lại 29 bài báo theo các tiêu chí nhất định”.
Trong 29 nghiên cứu được chọn, một số nghiên cứu tiếp tục bị loại sau khi kiểm tra chi tiết vì có nguy cơ dẫn đến sai lệch quá lớn có thể ảnh hưởng đến kết quả phân tích cuối cùng theo khuyến nghị của tổ chức Cochrane.
Cuối cùng còn lại 17 nghiên cứu so sánh HCQ với phương pháp điều trị tiêu chuẩn (nhóm kiểm soát) và 7 nghiên cứu so sánh HCQ+AZI.
Các nghiên cứu liên quan đến khoảng 12.000 bệnh nhân nằm viện được điều trị bằng HCQ, 8.000 bệnh nhân dùng HCQ+AZI và 13.000 bệnh nhân được điều trị theo phương pháp tiêu chuẩn.
Nhà nghiên cứu Thibault Fiolet đánh giá: “Đây là số lượng nghiên cứu lớn nhất được tập hợp trong một nghiên cứu phân tích tổng hợp về COVID-19. Các phân tích tổng hợp trước đây chỉ tập hợp ít hơn 6 hoặc 7 nghiên cứu”.
Kết quả phân tích tổng hợp nêu trên trùng khớp với nhiều nghiên cứu trước đó mà phần lớn chưa chứng minh tác dụng tích cực khi dùng riêng HCQ hoặc kết hợp với AZI.
Trước đây, việc đánh giá phương pháp điều trị này trong 3 cuộc thử nghiệm lâm sàng quốc tế lớn (dự án Discovery của châu Âu, dự án Solidarity của WHO và thử nghiệm của Viện Y tế quốc gia Mỹ) đã bị dừng lại vì không đủ bằng chứng về hiệu quả điều trị.
Những hạn chế của nghiên cứu
Theo báo Sciences et Avenir, công trình phân tích tổng hợp đã nêu còn một số hạn chế. Hầu hết các nghiên cứu được giữ lại mang tính chất quan sát, tức chỉ dựa vào dữ liệu bệnh viện nên có thể có chệch choạc.
Ví dụ một số bệnh nhân được điều trị ngay khi nhập viện, một số khác lại được điều trị sau khi nhập viện nhiều ngày, vì vậy đánh giá tác dụng của phương pháp điều trị không sát.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể được điều trị theo phương pháp khác ngoài HCQ và AZI như dùng thuốc kháng viêm corticoid. Trong trường hợp này khó biết phần tử nào tác động.