24/01/2025

Các Giám mục Hoa Kỳ thúc giục đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel

Các Giám mục Hoa Kỳ thúc giục đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel

Chống thoả thuận giữa Israel và Palestine (ANSA)

Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình quốc tế của các Giám mục Hoa Kỳ hài lòng với quyết định của Israel về việc đình chỉ sáp nhập các phần của Bờ Tây, như là một phần trong việc bình thường hóa quan hệ với các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng ngài cũng khẳng định rằng Israel cần đàm phán trực tiếp với Palestine.

Ngày 13/08 vừa qua, một thỏa thuận được ký kết với Israel và đưa các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất trở thành quốc gia đầu tiên trong vùng vịnh Persia, và là nước Ả Rập thứ ba, sau Ai Cập và Jordan, mở quan hệ ngoại giao với Israel.

Ngày 20 tháng 8 vừa qua, Đức cha David Malloy của Rockford cho biết: “Thật vui khi nhận thấy, như là một phần của thỏa thuận này, Nhà nước Israel đã tuyên bố rằng họ sẽ đình chỉ các nỗ lực sáp nhập vùng lãnh thổ tranh chấp, một đề xuất không phải là kết quả của đối thoại và thoả thuận với Chính quyền Palestine. Các Giám mục Công giáo của Hoa Kỳ từ lâu đã cho rằng cả về mặt đạo đức và là cơ sở cho hoà bình lâu dài, hai bên phải thương lượng trực tiếp và đi đến một thoả hiệp công bằng tôn trọng nguyện vọng và nhu cầu của hai dân tộc.”

Phản ứng trái chiều

Thỏa thuận đã nhận những phản ứng ngược nhau. Trong khi Ai Cập, Oman và Bahrain ủng hộ thoả thuận, thì Iran gọi đó là một “hành động chiến lược ngu ngốc” và “nguy hiểm”, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án nó. Chính quyền Palestine cũng phủ nhận và lên án thoả thuận này và xem hành động của chính quyền các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất là “sự phản bội đối với người dân Palestine và Jerusalem và al-Aqsa”.

Một nhóm vận động cho các Kitô hữu và các tôn giáo thiểu số khác ở Trung Đông đã gọi thoả thuận này là “một bước tiến lịch sử trong tiến trình hoà bình”. Họ nói thêm: “Chúng tôi rất vui vì Israel đang đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực mới của Bờ Tây, vì các cộng đồng Kitô giáo lịch sử của Đất Thánh đã bày tỏ mối quan tâm của họ về điều này.” Nhưng nhóm này cũng nói thêm rằng “còn nhiều việc phải làm” và “chúng tôi khuyến khích tất cả các bên tham gia Đàm phán Hoà bình Trung Đông tiếp tục tham khảo ý kiến của các cộng đồng Kitô giáo lịch sử của Đất Thánh trong các cuộc đàm phán này”. (CNA 21/08/2020)

Hồng Thuỷ