24/01/2025

Thái Lan tái chế rác đại dương

Thái Lan tái chế rác đại dương

Cách đây 5 năm, 100.000 chiếc dép kẹp và xăngđan trôi dạt vào bờ biển xinh đẹp của quần đảo Satun, Thái Lan.

Thái Lan tái chế rác đại dương - Ảnh 1.

Những đôi dép Tlejourn đều mang theo thông điệp về môi trường – Ảnh: AA MEDIACORP

Trong lúc đi nhặt rác thải đại dương, một nhóm các tình nguyện viên môi trường tên Trash Hero (Anh hùng Rác) tìm thấy những chiếc dép này và mang lại cho chúng số phận mới.

“Tôi đã liên hệ với họ để hỏi xin một ít rác thải đại dương” – ông Nattapong Nithi Uthai, giảng viên bộ môn công nghệ polymer và cao su của ĐH Prince of Songkla tại tỉnh Pattani, kể với kênh Channel News Asia (Singapore) ngày 21-8 về mối liên hệ với nhóm tình nguyện Trash Hero.

Ông Nattapong đã rất ngạc nhiên khi rác được chuyển đến nhà ông. Đó là hàng chục ngàn chiếc giày dép dơ bẩn, không đủ đôi và vô giá trị được nhặt từ biển, chất lên nhau trên một xe tải 10 bánh trước nhà.

“Họ nói họ nhặt 80 tấn rác thải đại dương trong ba tháng và phần của tôi là 8 tấn, bao gồm khoảng 100.000 chiếc dép hư. Tôi đã không thể hình dung sẽ có nhiều rác thải đại dương đến như vậy. Thật không thể tưởng tượng được khi bạn không tận mắt chứng kiến” – ông Nattapong cho biết.

Núi dép trước cửa nhà và thực tế tiềm ẩn của rác thải đại dương đã thúc đẩy ông Nattapong tìm giải pháp. Nhóm của ông, bao gồm các sinh viên ông đang hướng dẫn, chọn phát triển một mô hình doanh nghiệp biến những chiếc dép kẹp bỏ đi trên các bờ biển Thái Lan thành những đôi dép mới chất lượng cao và có giá trị. Dự án được gọi là Tlejourn, có nghĩa là “Lênh đênh trên biển” trong tiếng Thái.

Ngày nay, Tlejourn đã phát triển thành một doanh nghiệp xã hội không chỉ tái chế rác thải đại dương, mà còn hỗ trợ nền kinh tế địa phương và giúp nâng cao nhận thức về rác thải đại dương thông qua sản phẩm là những đôi dép kẹp.

Những đôi dép đầy màu sắc của Tlejourn đều được làm từ những mảnh vụn của những chiếc giày dép bị vứt bỏ. Mỗi đôi đều là duy nhất và mang thông điệp về vấn nạn rác thải.

Thái Lan đang đối mặt với thách thức to lớn về môi trường từ hàng triệu tấn rác thải nhựa. Thực tế, Thái Lan là nước “đóng góp” nhiều thứ 5 về lượng rác thải trong đại dương. Đầu tháng 8, bộ trưởng môi trường Thái Lan đã kêu gọi mọi người hành động để giải quyết các thách thức về môi trường mà đất nước đang đối mặt.

Số lượng rác thải khổng lồ trong đại dương cũng đã khiến nhiều người dân Thái Lan có ý thức hơn về môi trường. Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm làm từ vật liệu tái chế ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các cửa hàng địa phương.

Dép kẹp Tlejourn được những người bảo vệ môi trường biết đến nhiều. Những người sở hữu thương hiệu thời trang Tlejourn cũng mong muốn chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của họ cũng như làm điều gì đó cho môi trường. Hiện doanh nghiệp xã hội Tlejourn đã có hơn 20.000 lượt theo dõi trên trang Facebook của mình, và con số này ngày càng tăng.

Khác với những nhãn hiệu giày dép khác, Tlejourn không quá chú trọng đến thiết kế, mà là về câu chuyện của rác thải và những gì người tiêu dùng có thể làm cho môi trường và xã hội. “Câu chuyện của chúng tôi là một sản phẩm thật sự” – ông Nattapong nói.

Hằng tuần, những tình nguyện viên của Trash Hero tại Thái Lan vẫn đi nhặt rác. Những chiếc giày, dép bị vứt đi đều được để riêng ra và chuyển về cơ sở sản xuất của Tlejourn tại tỉnh Pattani. Chúng được làm sạch, cắt vụn, trộn với keo và nén thành tấm trước khi được cắt thành đế dép theo từng kích thước khác nhau. Tùy vào thiết kế, những đôi dép của Tlejourn có giá 13 – 64 USD.

1.650 tấn

Tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận Trash Hero vẫn tiếp tục công việc thu gom rác thải trên khắp thế giới. Với hơn 330.000 tình nguyện viên toàn cầu, Trash Hero đến nay đã nhặt hơn 1.650 tấn rác thải, bao gồm ít nhất 36 triệu chai nhựa.

ANH THƯ
TTO