Khoa học phát hiện cơ chế mới giúp COVID-19 né tránh miễn dịch
Khoa học phát hiện cơ chế mới giúp COVID-19 né tránh miễn dịch
Các nhà khoa học Argentina thông báo đã xác định được cơ chế virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) né tránh phản ứng miễn dịch bẩm sinh ở người.
Ngày 21-8, Trường đại học La Plata của Argentina thông báo một nhóm các nhà khoa học của họ đã xác định được cơ chế virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) né tránh phản ứng miễn dịch bẩm sinh ở người.
Theo đó, virus gây bệnh COVID-19 có một cơ chế lây nhiễm mới giúp cho nó điều chỉnh các biểu hiện của gen trong các tế bào bị xâm nhập, từ đó có thể kiểm soát phản ứng miễn dịch.
Người đứng đầu phòng thí nghiệm sinh học hệ thống thuộc Trung tâm nghiên cứu gen (CREG) của trường La Plata, tiến sĩ Luis Diambra, cho biết để đạt được kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích thành phần vỏ ngoài của protein loại virus truyền nhiễm và mối quan hệ của chúng với sự tổng hợp protein của tế bào chủ thể, tức tế báo phổi bị nhiễm bệnh.
Từ đó, các nhà khoa học phát hiện các gen khác nhau được điều chỉnh một cách tiêu cực bởi cơ chế truyền nhiễm mới của COVID-19 trong ba quá trình khác nhau.
Giới nghiên cứu cho rằng việc tìm ra cơ chế này có thể giúp giảm thiểu tác hại và di chứng nhiễm trùng, cũng như có thể được sử dụng để hình thành virus giảm độc lực để phát triển vaccine. Nghiên cứu trên cũng khám phá sự hình thành một số tác dụng phụ của căn bệnh nguy hiểm này.
Trong khi đó tại Singapore, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn.
Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng nhẹ hơn, bao gồm cả tỉ lệ bệnh nhân xuất hiện triệu chứng giảm oxy trong máu hoặc cần điều trị tích cực ở mức thấp. Nghiên cứu cũng cho thấy biến thể mới này kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở cơ thể người bệnh.
Biến thể trên, khả năng có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, đã được phát hiện tại một ổ dịch bùng phát ở Singapore từ tháng 1 đến tháng 3-2020. Virus này lây từ người sang người tại một vài ổ dịch ở Singapore trước khi bị “xóa sổ”.
Các nhà khoa học cho biết phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bào chế thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19.
Theo chuyên gia Gavin Smith thuộc Trường Duke-NUS, nghiên cứu này lần đầu tiên cung cấp dữ liệu có sức thuyết phục cho thấy đột biến gen ở virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhân.
Giới chuyên gia cho rằng các biến thể virus đôi khi có lợi. Theo ông Paul Tambyah thuộc Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, virus có xu hướng ít nguy hiểm hơn khi biến thể khiến tỉ lệ mắc bệnh cao hơn chứ không gây tỉ lệ tử vong nhiều hơn vì khi đó virus sống phụ thuộc vào vật chủ.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet trong tuần này.