ĐHY Suharyo kêu gọi chống tham nhũng, bao lực và biến đổi khí hậu ở Indonesia
Ngày 17/8, Indonesia kỷ niệm quốc khách lần thứ 75. Nhân dịp này, Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám mục Jakarta, mời gọi mọi người cùng làm việc chống tham nhũng, bạo lực và biến đổi khí hậu, những điều đang gây tổn hại đất nước.
Đức Hồng y khẳng định: “Các lý tưởng của quốc gia: thống nhất, chủ quyền, công bằng và thịnh vượng vẫn được người dân ủng hộ, nhưng nó luôn bị đe doạ từ các vụ tham nhũng, bất ổn chính trị, tính bất bao dung và khủng bố của các nhóm Hồi giáo.”
Đức Hồng y nhận định rằng các mối đe dọa này tăng dần từ năm này sang năm khác. Vì thế, đối với Tổng Giám mục Jakarta, kỷ niệm quốc khánh không chỉ là một buổi lễ, nhưng phải là một lời nhắc nhở về “trách nhiệm của mọi người trong việc xây dựng công ích”. Đức Hồng y nói thêm: “Trách nhiệm này cũng chất vấn người Công giáo, những người được kêu gọi làm việc cho công bằng xã hội và thúc đẩy các lý tưởng Dân tộc trong chính gia đình, cộng đoàn, giáo xứ.”
Đồng thuận với tư tưởng trên của Đức Hồng y, ông Vincentius Hargo Mandirahardjo, Chủ tịch Hiệp hội Tri thức Công giáo Indonesia, nói: “Vì sự tiến bộ của đất nước, chúng ta, những công dân của đất nước phải có trách nhiệm vượt qua những thách đố này.”
Theo cha Francis Xavier Mudji Sutrisno, giảng viên tại trường Driyarkara ở Jakarta, ba vấn đề xã hội được Đức Hồng y chỉ ra phải được chính phủ ưu tiên. Cha nói: “Cần phải áp dụng luật đúng để khắc phục nạn tham nhũng, bạo lực và những hành động phá huỷ môi trường. Nếu luật không được áp dụng đúng, những vấn đề này không bao giờ được giải quyết.”
Từng là thuộc địa của Hà Lan, Indonesia đã giành được độc lập có hiệu lực vào năm 1949. Tuy nhiên, một số phong trào đòi độc lập vẫn đang hoạt động trong nước và có những điểm hiện đang căng thẳng, đặc biệt ở tỉnh Papua, nơi người dân địa phương cho rằng họ bị chính phủ phân biệt đối xử. Những căng thẳng này đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện của các nhóm Hồi giáo và các mạng lưới khủng bố, gây nhiều cuộc tấn công đẫm máu trong những năm gần đây. Tình hình đất nước càng thêm bất ổn do hiện đang gặp các vấn đề môi trường, đặc biệt liên quan đến nạn phá rừng lớn trên quần đảo, nơi rừng nhiệt đới lớn thứ ba trên thế giới phải nhường chỗ cho việc sản xuất các nguyên liệu thô như dầu cọ ngày càng tăng. (CSR_5994_2020)