23/12/2024

Chúa Nhật XX TN A 2020: Ơn cứu độ dành cho mọi dân tộc

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ của Chúa dành cho muôn dân. Chính Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng (x. Mt 15, 21-28), khi cứu đứa con gái của người đàn bà Canaan, đã diễn tả tình thương của Chúa dành cho mọi người, mọi dân tộc.

Chúa Nhật XX TN A 2020

Ơn cứu độ dành cho mọi dân tộc

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về ơn cứu độ của Chúa dành cho muôn dân. Bài đọc I (x. Is 56, 1.6-7) gợi ý cho chúng ta Chúa thương muôn dân tộc và muốn đền thờ Giêrusalem, hay gọi là nhà của Chúa, trở thành “nhà cầu nguyện của muôn dân”. Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. Rm 11, 13-15. 29-32) cũng nhắc nhở mình là “tông đồ các dân ngoại”, ngài muốn cho lương dân cũng như đồng bào Do Thái của ngài được hưởng ơn cứu độ. Chính Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng (x. Mt 15, 21-28), khi cứu đứa con gái của người đàn bà Canaan, đã diễn tả tình thương của Chúa dành cho mọi người, mọi dân tộc.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cộng đồng xã hội Việt Nam cũng như gia đình nhân loại trên thế giới, chúng ta thử hỏi xem, qua 2000 năm loan báo Tin Mừng, Giáo Hội chúng ta đã mang ơn cứu độ đến cho các dân tộc như thế nào.

1. Rất nhiều người còn xa lạ với ơn cứu độ

Hiện nay thế giới có hơn 7 tỉ 700 triệu người, theo thống kê của Liên Hợp Quốc. Số người tin theo Đức Kitô ở toàn thể các giáo hội Công giáo, Chính Thống, Anh giáo, Tin Lành khoảng 2 tỉ 600 triệu người. Riêng Công giáo có khoảng 1 tỉ 329 triệu người, chiếm 18% dân số thế giới (theo Vatican News, ngày 25/3/2020). Dân số Việt Nam hiện nay có khoảng trên 97 triệu người. Người Công giáo chúng ta, theo thống kê mới nhất của Tổng Điều tra quốc gia về dân số, người Công giáo có 5 triệu 900 ngàn người, chiếm 6,1% dân số (x. Cổng thông tin điền tử Chính phủ, Công bố Kết quả Chính thức Tổng Điều tra Dân số 2019, ngày 19/12/2019).

Nếu đi vào các miền quê, vùng sâu, vùng xa, ta thấy rất nhiều người không biết chút nào về Đức Giêsu. Ở khắp nơi, người ta vẫn tôn thờ những vị thần tài, thổ công, thổ địa: với bàn thờ đặt các tượng nhỏ của ông thổ địa bụng phệ miệng luôn tươi cười, của ông thần tài cầm thỏi vàng hay của ông thổ công mặc áo quan có râu dài. Ba vị thần này được đặt trong một trang thờ quay ra đường để cầu mong được hạnh phúc, được tài lộc may mắn, vì ai cũng mong muốn mình được hưởng những điều ấy.

Nhìn vào cộng đồng nhân loại, chúng ta thấy mỗi dân tộc tôn thờ đủ loại thần linh khác nhau. Trước đây khi chưa biết nguồn gốc các vị thần, tôi rất trân trọng tín ngưỡng và các vị thần của các tôn giáo vì tin rằng chúng có thật trong lịch sử. Nhưng khi biết chúng chỉ là những sản phẩm do trí tưởng tượng của con người thêu dệt nên để giải thích những hiện tượng trong trời đất, thậm chí để “đánh bóng” những ai đang làm vua quan, pháp sư, tư tế, tiên tri, thì lòng kính trọng của tôi không còn nữa.

Thí dụ các vị thần của người Hy Lạp, nhất là 12 vị trên đỉnh núi Olympus ở Athena, đều bắt nguồn từ sáng tác của văn sĩ Homer vào thế kỷ VI trước Công Nguyên. Rồi sau khi chiến thắng, người Roma thay thế các vị thần đó bằng tên của dân tộc mình như Jupiter thay cho Zeus, Juno thay Hera, Mars thay Ares, Venus thay Aphrodite, Minerva thay Athena… Các vị thần trong Ấn Độ giáo cũng do các văn sĩ sáng tác trong các kinh thư Vệ Đà hay Upanishads. Những vị thần của dân tộc Việt Nam như Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Lạc Long Quân, Âu Cơ, bà chúa Liễu Hạnh… đều bắt nguồn từ cuốn Lĩnh Nam Chích Quái được cho là của tác giả Trần Thế Pháp, viết vào cuối đời nhà Trần, thế kỷ XIV.

Nhiều chùa ở Việt Nam đang bày bán những cuốn sách như Hành trình về phương Đông của Spalding hoặc Đường Mây qua Xứ Tuyết của Lạt ma Govinda vì chúng kể nhiều câu chuyện hấp dẫn về những vị thiền sư có pháp thuật phi thường. Nhưng tất cả cũng chỉ là những sáng tác theo trí tưởng tượng của con người, khiến nhiều người lầm tưởng, như khi tìm học theo võ công kỳ diệu trong các tác phẩm võ hiệp của nhà văn Kim Dung.

2. Nhiệm vụ cứu độ

Vì thế, chúng ta có nhiệm vụ phải giúp cho con người thời nay nhận ra rằng chỉ có một Đấng Tối Cao, mà các tôn giáo hay các dân tộc gọi bằng những tên khác nhau, mới là nguồn mọi hiện hữu, còn tất cả thần tượng đều là hư ảo, không có thật. Ta vẫn thường đọc trong kinh nguyện: “Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành; có mắt, có miệng mà không nhìn không nói; có mũi có tai, không ngửi không nghe…” (x. Tv 113, 4-6). Vậy chúng ta có nghiên cứu sâu xa để nói lên được điều đó không? Nhiệm vụ cứu độ chính là vạch ra cho người ta thấy các thần tượng này là giả tạo và mời gọi họ tìm về với nguồn cứu độ là Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng tại sao người ta vẫn tin theo? Tại sao bao nhiêu người Việt vẫn đi tìm và đặt bàn thờ thần tài, thổ công, thổ địa? Tại sao nhiều người bây giờ lại vào các chùa miếu để mua những con tỳ hưu, chuộc lá bùa may mắn, đeo những sợi chỉ ngũ sắc ở cổ tay cổ chân? Không ít người Công giáo cũng đã bị lôi cuốn để cầu khấn chúng giúp cho họ bán được nhà, hay nhận được ơn này phúc nọ. Đó là vì ma quỷ lợi dụng lòng mê tín của con người. Chúng cho người ta hưởng những vinh hoa, lợi lộc của thế gian, giống như đã từng cám dỗ Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông thờ lạy tôi” (x. Mt 4,9). Khi họ cầu khấn chúng, chúng có thể mang lại may mắn, thành công, lợi lộc, nhưng rồi lại bắt con người phải trả giá bằng cách chiều theo những đam mê, dục vọng, giả dối, sai lầm, khi tin chúng là những thần linh cứu độ con người. Chúng ta phải vạch trần những lừa dối ấy để giúp cho người ta vượt qua sự mê tín đó.

Buổi sáng khi đi dâng lễ, tôi thấy nhiều bạn trẻ mặc toàn đồ đen ngồi trước cửa những quán bar, hoặc vội vã rời khỏi những tiệm massage trá hình mở cửa suốt đêm. Không ít các bạn đó chơi ma tuý, uống rượu bia, rồi làm tình với nhau vì họ đã gia nhập Hội Satan đang lan rộng trong nhiều thành phố ở Việt Nam. Satan cho họ những phương tiện để thoả mãn tình dục hay các đòi hỏi đồi truỵ và chỉ đòi họ phải cho chúng linh hồn của họ. Nhưng hình như người tín hữu chúng ta không quan tâm đến những người trẻ đáng thương ấy và không ngăn cản họ đừng chiều theo những cám dỗ của quỷ ma.

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn vào cộng đồng xã hội để yêu thương và cứu độ. Người im lặng trước lời van xin của người phụ nữ Canaan để xem các môn đệ của mình phản ứng thế nào trước những con người khốn khổ. Các ông có mở lòng ra cho mọi người hay đóng kín với lòng ái quốc hẹp hòi của người Do Thái? Chúng ta có động lòng trước tình cảnh khốn khổ của bao người quanh ta như các tông đồ không? Chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu cho họ hay chúng ta “xin Người bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”. Chúa Giêsu tận thâm tâm dành ưu tiên cho người Do Thái, vì người Do Thái được Chúa Cha nhận làm dân riêng và hứa ban ơn cứu độ, nên xác định rằng: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Người đã thực thi lời hứa của Chúa Cha khi dành nhiều thời giờ để rao giảng, làm phép lạ cho dân Do Thái.

Nhưng khi người Do Thái từ chối, thì Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ để đưa họ trở về với Thiên Chúa (x. Mc 16,15-20). Chúa Giêsu đã cho đầy tớ của sĩ quan Rôma được chữa lành (x. 5,5-13; Lc 7,1-10) và khen ngợi lòng tin của ông. Người nói với người phụ nữ bằng những lời có vẻ lạnh lùng: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Đây chỉ là câu nói thông thường mà người Do Thái thường khuyên nhủ con cái đừng phí phạm lương thực hằng ngày. Nhưng khi làm phép lạ cho đứa con gái của bà, Người muốn nhắc nhở tất cả chúng ta rằng: những người lương dân kia không phải là những con chó con, dù được ăn những vụn bánh từ bàn chủ rơi xuống, nhưng là những người con đích thực của Thiên Chúa mà ta có nhiệm vụ phải cùng với Người cứu độ họ.

Lời kết

Vì thế, chúng ta hãy quan tâm đến tất cả những ai đang sống quanh ta để làm những gì có thể mang lại ơn cứu độ cho họ. Có như thế chúng ta mới xứng đáng với tình yêu Chúa Giêsu Kitô.

HKK