24/01/2025

Thiên nhiên có bình yên giữa đại dịch?

Thiên nhiên có bình yên giữa đại dịch?

Bầu trời ôi chao trong xanh, những con đường im vắng và lũ thú hoang nhởn nhơ tắm nắng… là những hình ảnh xuất hiện giữa đại dịch COVID-19. Cứ ngỡ việc loài người “đóng cửa tránh dịch” đã ban phước lành cho thế giới tự nhiên, thế mà không phải.

 

Thiên nhiên có bình yên giữa đại dịch? - Ảnh 1.

Bầy dê núi dạo phố ở Xứ Wales – Ảnh: Getty Images

Nằm rải rác trong ma trận tin tức về đại dịch là một vài “điểm sáng” mà đến những người bi quan nhất cũng khó có thể phớt lờ, bởi chúng được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ.

 

Ví dụ hình ảnh những chú cá heo và thiên nga trở lại dòng kênh vắng vẻ của Venice (Ý), hay một đàn voi tự do uống rượu ngô của dân làng ở Vân Nam (Trung Quốc) rồi nằm say bí tỉ giữa vườn chè.

Từ mạng xã hội, những câu chuyện “thời này mới có” nhanh chóng trở thành tiêu đề trên các kênh tin tức khắp thế giới. “Trong cái rủi có cái may” – câu thành ngữ bỗng được nhiều người sử dụng: các loài động vật đang trở lại, chạy nhảy tự do giữa một thế giới không có con người.

Nhưng, sự thật không hoàn toàn như thế.

Tin tốt cũng có thể giả

Sự xuất hiện của những con thiên nga kia vốn chẳng có gì lạ quanh những kênh đào vùng Burano, một hòn đảo nhỏ của Venice. Còn lũ cá heo được ghi hình ở một cảng biển cách Venice đến hàng trăm dặm. Một phó giám đốc Cục Lâm nghiệp và đồng cỏ của Vân Nam đã lên tiếng phủ nhận câu chuyện “voi say xỉn” trên Tân Hoa xã.

Vào tháng 3, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, National Geographic đăng bài giải thích hiện tượng “tin tức giả về động vật”.

Bài viết dẫn lời Erin Vogel – một nhà tâm lý học xã hội đang nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ), giải thích dạng tin giả này lan truyền mạnh là vì giữa lúc tất cả chúng ta đều cô đơn, những cảm giác được tưởng thưởng từ tương tác trên mạng xã hội thật hấp dẫn, “nhất là khi ta chia sẻ tin tức nào đó mang đến hi vọng cho người khác”.

Susan Clayton, giáo sư tâm lý học và nghiên cứu môi trường tại Đại học Wooster (Mỹ), thì cho rằng có lẽ mọi người “thật sự muốn tin vào sức mạnh hồi sinh của thiên nhiên”.

Khoảng một nửa dân số Mỹ nói rằng họ đã tiếp xúc với tin tức giả liên quan đến virus corona, theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Nếu tin đồn vốn lan truyền nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng, thì những tin tức có vẻ tốt đẹp, mang đến cảm giác vui vẻ lại càng dễ dàng được chia sẻ.

Những tin vui thất thiệt như chuyện cá heo bơi ngoài kênh nghe qua tưởng chừng vô hại, nhưng các chuyên gia lo ngại chúng gây ra những hi vọng sai lầm. Erin Vogel cho rằng tin “tốt + giả” có thể khiến người dân mất niềm tin hơn nữa giữa thời điểm ai ai cũng cảm thấy bất an.

Chớ vội ăn mừng

May mắn thay, không ít những “sự trở lại” là có thật, như chim cánh cụt dạo phố ở Cape Town (Nam Phi) hay bầy dê núi lang thang khắp trung tâm một thị trấn ở Xứ Wales (Vương quốc Anh), hoặc bầu trời và nước biển trên khắp thế giới đã trong xanh trở lại khi virus corona “bấm nút” tạm ngưng phần lớn hoạt động của con người.

Về chuyện bầu trời, người người có thể cam đoan là tin thật, bởi họ tận mắt chứng kiến: cư dân Punjab ở miền bắc Ấn Độ lần đầu tiên trong 3 thập kỷ qua nhìn thấy được dãy Himalaya từ xa; từ phòng ngủ, “dân thành phố” ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp) hay Los Angeles (Mỹ) có thể “đăng ảnh” bầu trời xanh và hít thở không khí trong lành hơn trước để bớt tiếc nuối những kỳ nghỉ.

Bên cạnh góc nhìn từ mặt đất, người dân còn có hình ảnh vệ tinh để thêm phần tin tưởng. Trong tháng 3 và 4, quan sát từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy sự sụt giảm lượng khí thải nitrogen dioxide (NO2) tại nhiều thành phố châu Âu.

Những số liệu sạch đẹp của nhiều thành phố Trung Quốc thì xuất hiện trong tháng 2, do nước này thực hiện phong tỏa sớm hơn, với chỉ số ô nhiễm không khí giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) hằng ngày trên toàn cầu đã giảm trung bình 17% vào đầu tháng 4-2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tích cực, nhưng để chữa lành những gì con người đã gây ra cho môi trường lại không dễ đến thế.

Sự sụt giảm CO2 chưa từng có vừa qua vốn “không có gì đáng mừng”, theo các chuyên gia hàng đầu thế giới. Tình trạng đó chỉ mang tính tạm thời và tạo ra rất ít khác biệt để đáp ứng các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Nhóm nghiên cứu tính toán rằng việc phong tỏa trong đại dịch có thể chỉ giúp Trái đất mát hơn 0,01°C vào năm 2030.

Một thực tế nữa còn éo le hơn, hiện tượng phát thải sụt giảm trong đại dịch lại làm ấm hành tinh. Khi các ngành công nghiệp nặng giảm sử dụng năng lượng, khí sulfur dioxide (SO2) từ việc đốt than phát điện cũng giảm.

Loại ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện này thường tạo thành các đám mây bẩn lơ lửng trong không khí, giúp ánh sáng mặt trời phản chiếu lại không gian.

Vì thế, việc các đám mây này sụt giảm có thể làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất, Piers Forster – giám đốc Trung tâm Khí hậu quốc tế Priestley tại Đại học Leeds (Anh) và là thành viên nhóm nghiên cứu – phát biểu trên trang Wired.

Trên tờ The Guardian, Dave Reay – giáo sư về quản lý carbon (Đại học Edinburgh, Anh) – bình luận về kết quả nghiên cứu trên: “Hàng tỉ sự hi sinh và gian khó [từ con người] bởi tình trạng cách ly tại nhà chỉ tạo ra một vết khuyết nhỏ và có thể là thoáng qua trong lượng khí thải nhà kính toàn cầu. COVID-19 không giúp “chữa” biến đổi khí hậu – nó là một tai họa tàn khốc”.

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng khi thế giới bắt đầu gỡ lệnh phong tỏa trong những tháng tới, lượng khí thải có thể tăng cao hơn trước, do gia tăng sản xuất để hồi phục kinh tế, hay đơn giản là mọi người đi ôtô riêng nhằm tránh lây nhiễm trên phương tiện giao thông công cộng.

Thiên nhiên có bình yên giữa đại dịch? - Ảnh 2.

Ảnh: The Guardian

Một tương lai đáng phấn đấu

Những dấu hiệu tốt của thế giới tự nhiên trong đại dịch lần này có thể rất chóng vánh, nhưng đã cho loài người “xem trước” một tương lai tốt đẹp hơn nếu chúng ta bắt đầu những hành động ưu tiên môi trường từ hôm nay.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các quốc gia lên kế hoạch chi 9.000 tỉ đôla Mỹ trong vài tháng tới để cứu lấy nền kinh tế trong nước khỏi khủng hoảng.

Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol khẳng định các gói kích thích kinh tế trong năm nay sẽ quyết định hình hài nền kinh tế toàn cầu trong 3 năm tới. Trong thời gian đó, lượng khí thải phải bắt đầu giảm mạnh và vĩnh viễn, hoặc các mục tiêu chống biến đổi khí hậu sẽ nằm ngoài tầm với.

“Ba năm tới sẽ quyết định tiến trình của 30 năm tiếp theo và hơn thế nữa – Birol trả lời The Guardian – Nếu chúng ta không hành động, chúng ta chắc chắn sẽ thấy lượng khí thải tăng trở lại. Khi đó thật khó để nói được khí thải sẽ giảm như thế nào trong tương lai”.

COVID-19 đã cho chúng ta thêm thời gian để dừng lại và chiêm ngưỡng thiên nhiên, từ đó nhận ra bảo vệ môi trường là cấp thiết.

Một số chuyên gia còn hi vọng rằng sự gián đoạn trong đại dịch có thể tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong thói quen con người, như việc di chuyển bằng máy bay. Khi các nền tảng công nghệ giá rẻ giúp việc hội họp xuyên lục địa nhanh gọn hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp sẽ phải tự hỏi liệu họ có cần chi tiền vé máy bay cho nhân viên nữa hay không.

Đại dịch COVID-19 thực sự chẳng phải là một sự nghỉ ngơi dành cho mẹ thiên nhiên. Nhưng, hãy chắc chắn rằng điều đó sẽ xảy ra sau cuộc khủng hoảng.

COVID-19 đang là thời cơ hiếm có để nghiên cứu về cách vận hành phức tạp của các hệ thống trên Trái đất, theo một bài báo mới đây của Đại học Stanford.

Ví dụ, câu hỏi “liệu việc các phương tiện giao thông chuyển sang dùng năng lượng điện sẽ cải thiện chất lượng không khí đến mức nào?” cho đến nay chủ yếu dựa vào các lập luận lý thuyết và mô hình toán.

Nhờ tình trạng giãn cách xã hội khiến lượng khí thải giảm, các chuyên gia có thể sử dụng các quan sát thực tế để kiểm tra độ chính xác của những mô hình trên.

Thiên nhiên là nạn nhân của COVID-19

Đại dịch cũng đang cầm chân những nhà bảo tồn thiên nhiên ở nhà. Tại Anh, lũ chuột trên đảo Alderney, do không còn bị kiểm soát, đã sinh sôi phát triển và ăn mất trứng của nhiều loài chim biển trong diện “được bảo vệ”.

Ở Kenya, tình trạng săn trộm thú rừng và ngà voi đã gia tăng đáng báo động. Khi các chính phủ phải tập trung chiến đấu với COVID-19, hoạt động phá rừng nhộn nhịp trở lại ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Các khu vực bảo tồn, vườn thú phụ thuộc vào nguồn thu du lịch đang rất khó khăn vì giãn cách xã hội.

Năm 2020 vốn được kỳ vọng là cột mốc quan trọng trong “cuộc cách mạng” chống đồ nhựa của nước Mỹ. Nhưng đại dịch đang buộc người dân sử dụng đồ nhựa dùng một lần, bao gồm khẩu trang, găng tay và sản phẩm tẩy rửa, kéo theo tình trạng vứt rác nhựa không đúng cách.

Martin Bourque, điều hành một chương trình tái chế ở California (Mỹ) từ những năm 1970, than thở trên The Guardian: “Phong trào giảm thiểu nhựa đang diễn ra sôi nổi và nhanh hơn bất kỳ vấn đề môi trường nào mà tôi từng làm. Nhưng kể từ tháng 3, tất cả đều phải ngừng lại”.

LÊ MY
TTO