23/01/2025

Ý xem xét việc cho phép uống thuốc phá thai mà không cần đến bệnh viện

Ý xem xét việc cho phép uống thuốc phá thai mà không cần đến bệnh viện

ĐTC Phanxicô viếng nghĩa trang thai nhi do phá thai ở Roma (ANSA)

Bộ Y tế Ý dự kiến sẽ thông qua đề xuất không cần bắt buộc vào bệnh viện đối với việc sử dụng thuốc phá thai và mở rộng khung thời gian kê đơn.

Thuốc RU486 được kê đơn để phá thai bằng hoá chất. Việc sử dụng thuốc đã được hợp pháp hoá ở Ý vào năm 2009, và vào năm 2010, các tiêu chuẩn đã được thiết lập yêu cầu phụ nữ phải nhập viện trong 3 ngày, trong suốt thời gian sử dụng thuốc.

Sự thay đổi được đề xuất trong bản hướng dẫn sẽ cho phép thuốc được sử dụng tại phòng khám ngoại trú hoặc tại nhà. Bộ Y tế Ý cũng dự kiến ​​sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thuốc phá thai sau hai tuần thai, cho phép thuốc này được kê đơn cho đến tuần thứ chín của thai kỳ.

Bà Marina Casini, Chủ tịch Phong trào Sự sống, nói với Vatican News: “Đây là một việc phá thai thực sự. Nó không thua gì ‘phá thai’ theo phương pháp sử dụng các dụng cụ phẫu thuật.”

Bên cạnh đó, bà Casini còn chỉ ra những rủi ro sức khoẻ đáng kể liên quan đến việc phá thai bằng hoá chất, và nói rằng Ý đang “đối mặt với sự tuyên truyền ủng hộ” thuốc phá thai RU486.

Bà Casini cho biết những thay đổi được đề xuất dựa trên ý thức hệ – một nỗ lực để thuyết phục mọi người rằng phá thai là “một việc chẳng thành vấn đề – xét cho cùng, chỉ cần uống một cốc nước là xong – để khiến chúng ta quên rằng việc này là sự huỷ diệt sự sống một con người trong giai đoạn trước khi sinh”.

RU486 là sự phối hợp dùng hai loại thuốc khác nhau cách nhau vài ngày. Mifepristone khiến cơ thể người mẹ ngừng nuôi dưỡng thai nhi; và Misoprostol, dùng sau đó, gây các cơn co thắt và đẩy thai nhi và nhau thai ra khỏi cơ thể người mẹ.

Hiện nay, 2 trong số 10 ca phá thai ở Ý là phá thai bằng hoá chất. Truyền thông Ý lưu ý rằng việc không yêu cầu nhập viện có thể khiến nhiều phụ nữ Ý chọn phá thai bằng hoá chất thay vì phẫu thuật.

Theo một tài liệu từ Hội đồng Y tế Cấp cao, việc bỏ yêu cầu nhập viện cũng nhắm đến lợi ích tiết kiệm chi phí tiềm ẩn của hệ thống y tế.

Bà Casini lên án thái độ này. “Sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều khi đưa sản phẩm này cho người phụ nữ và nói: chị tự làm đi. Nó tiết kiệm được giường bệnh, tiền gây mê và thậm chí cả sự đầu tư về con người bác sĩ và nhân viên y tế. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí tốt đẹp này được thực hiện trên làn da của em bé sắp chào đời và các bà mẹ của chúng.”

Phá thai được hợp pháp hoá ở Ý vào năm 1978 với “Luật 194”. Luật quy định việc phá thai hợp pháp vì bất kỳ lý do gì trong vòng 90 ngày đầu của thai kỳ và sau đó vì những lý do nhất định khi có lời khuyên của bác sĩ.

Kể từ khi được hợp pháp hóa, ước tính có hơn 6 triệu trẻ em đã bị phá thai ở Ý.

Văn Yên, SJ