Chúa Nhật XIX TN A 2020: Tương quan mới với vạn vật
Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi mỗi người chúng ta khám phá ra mối tương quan mới với vạn vật. Con người không còn phải sợ hãi trốn tránh gió bão, lửa khói trong hang động như Elia trong Bài đọc I (x. 1V 19,9-13). Con người có quyền ra lệnh và làm chủ vạn vật như Chúa Giêsu và Phêrô đi trên mặt nước trong bài Tin Mừng (x. Mt 14,22-33), bởi vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, “Đấng vượt trên mọi sự” như thánh Phaolô đã xác tín (x. Rm 9,1-5).
Chúa Nhật XIX TN A 2020
Tương quan mới với vạn vật
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi mỗi người chúng ta khám phá ra mối tương quan mới với vạn vật. Con người không còn phải sợ hãi trốn tránh gió bão, lửa khói trong hang động như Elia trong Bài đọc I (x. 1V 19,9-13). Con người có quyền ra lệnh và làm chủ vạn vật như Chúa Giêsu và Phêrô đi trên mặt nước trong bài Tin Mừng (x. Mt 14,22-33), bởi vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, “Đấng vượt trên mọi sự” như thánh Phaolô đã xác tín (x. Rm 9,1-5).
1. Tương quan cũ của con người với vạn vật
Dù cùng được Thiên Chúa Tạo hoá dựng nên như những đứa con trong cùng một đại gia đình, nhưng mối tương quan giữa những người con ấy lại rất khác nhau. Trong gia đình vũ trụ, theo cuộc tiến hoá của vật chất từ 14 tỉ năm về trước đến nay, con người là đứa con út giữa muôn loài thụ tạo. Nhưng thái độ của đứa con này đối với anh chị em mình thay đổi không ngừng, vì con người không nhận ra được vị trí thật của mình trong gia đình, nhất là khi nó chối bỏ sự hiện hữu và tình yêu của người Cha Tạo Hoá.
Khởi đầu, con người sơ khai sợ những sức mạnh thiên nhiên, giống như Elia trốn ẩn trong hang vì sợ bão to, gió lớn, đất động, lửa thiêu; hay như các tông đồ sợ biển động, sóng dữ. Nhưng, “Thiên Chúa không ở trong những thứ đó”(1V 19,11-12), cho dù con người sấp mình thờ lạy chúng và tôn chúng là thần linh. Tổ tiên ta vẫn thường nói: “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Anh em Phật giáo có Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là bốn vị thần lớn cai quản mây mưa sấm chớp.
Với trí thông minh và khả năng sáng tạo, con người đã bắt các anh em vạn vật phải tùng phục mình khi ngăn sông, lấn biển, phá núi, lấp hồ. Nhờ khoa học kỹ thuật, con người chứng tỏ mình mạnh mẽ hơn vạn vật: chế ra cột thu lôi, con người loại bỏ thần thiên lôi ra khỏi đời sống. Con người cũng loại bỏ những thần linh khác khi ngăn núi giữ nước để làm những đập thuỷ điện, tạo ra ánh sáng; dùng những sóng điện để chữa bệnh, truyền tin, truyền hình; dùng những chất hoá học để làm mưa, làm gió, làm ra cả những lương thực như gạo giả, trứng gà, khô mực… Con người thấy mình mới thật sự là thần linh và tin rằng, với khoa học kỹ thuật, mình có thể làm được tất cả. Từ đó không ít người loại bỏ thần linh ra khỏi đời sống, trong đó có cả Thiên Chúa.
Tuy nhiên, khi con người thấy được sức mạnh của mình để làm ra những thứ kỳ diệu ấy, con người lại sợ chúng, lại tôn thờ chúng. Chúng ta thấy trong mùa mưa lũ này, bao người Trung quốc cầu khấn cho đập Tam Hiệp đứng vững, vì nếu mưa nhiều hơn chút nữa, đập vỡ ra thì có thể hàng trăm triệu người phải khốn đốn, dù rằng mấy chục triệu người đang sống trong nước lũ ở Trung Quốc. Đập Tam Hiệp là đập thuỷ điện lớn nhất thế giới. Với chiều cao: 181 m, chiều dài: 2.335 m, chặn ngang sông Dương Tử, ở tỉnh Hồ Bắc. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1994. Rồi khi Trung Quốc làm ra những thuỷ điện đầu nguồn sông Mêkông, mấy chục triệu người sống ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam phải khốn khổ vì không có nước.
Cách đây 2 tuần, khi ra Huế giúp cho các em nghiện ma tuý ở La Vang, tôi đến thăm mấy thuỷ điện của miền Trung. Theo thống kê của chính phủ, nước ta hiện nay có 818 dự án thuỷ điện lớn nhỏ, đã có 385 dự án đang khai thác sử dụng, 143 đập thuỷ điện đang xây dựng và 290 đập đang nghiên cứu đầu tư (x. Tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 15/8/2018 trên Internet). Trừ 3 đập thuỷ điện lớn trên sông Đà là Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu có công suất trên 1.000MW, khoảng chục thuỷ điện như Đồng Nai, Đa Nhim trên 100MW, còn hầu hết chỉ có công suất khoảng 5MW. Người ta ngăn nước để làm ra điện, nhưng điện đó chỉ đủ thắp sáng cho vài thôn, vài xã. Dòng nước của nhiều sông suối bị ngăn lại, làm cho bao nhiêu vùng đất bị khô cằn, hoang hoá. Lúc nào con người cũng nơm nớp sợ hãi vì nếu đập vỡ ra thì nhiều làng mạc bị cuốn trôi, như chúng ta thấy đã xảy ra ở nhiều nơi. Con người bây giờ lại sợ những vật chính mình đã làm ra. Vậy mối tương quan mới của con người với vạn vật nên như thế nào?
2. Tương quan mới với vạn vật
Khi Thiên Chúa tạo nên vạn vật, Ngài giao chúng cho con người. Chúa nói: “Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Con người có quyền trên vạn vật, sử dụng chúng theo ý muốn của người Cha Tạo Hoá, nhưng không được khai thác chúng một cách cạn kiệt, không bắt chúng phải tùng phục mình như nô lệ, mà dẫn đưa vạn vật như những em nhỏ về với Cha Trên Trời là Đấng Tạo Hoá. Vì từ nay, dù là đứa con út trong cuộc tiến hoá, hay ngày thứ sáu trong cuộc sáng tạo bảy ngày (x. St 1,31-2,2), con người đã trở thành người anh, người chị lớn đối với vạn vật và phải giữ tinh thần huynh trưởng đối với mọi loài Chúa dựng nên nhờ có tinh thần linh thiêng giống như Thiên Chúa.
Đức Giêsu còn đưa chúng ta đi xa hơn nữa, vì Người là Thiên Chúa Ngôi Lời và nhờ lời của Người mà muôn loài trong vũ trụ được dựng nên (x. Ga 1,1-3). Người đã tình nguyện trở thành con người (x. Ga 1,14) với tất cả những yếu tố của vũ trụ vật chất: Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm … để hoà mình vào trong thế giới hôm nay, để trở thành một con người và một phần tử trong nhân loại và vũ trụ. Người dạy chúng ta bài học về người Cha Trên Trời đã yêu thương tất cả (x. Mt 6,26-33), Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng người lành cũng như kẻ dữ (x. Mt 5,45). Người mời gọi con người hãy yêu thương tất cả vạn vật, vì tất cả là những đứa em trong đại gia đình, con cùng một Cha Trên Trời.
Có yêu thương, con người mới tìm hiểu vạn vật một cách chính xác, bằng khoa học kỹ thuật hiện đại, để khám phá ra sự thật toàn diện của chúng như các nhà khoa học chân chính và thấy chúng không phải là loài vô tri vô giác để đối xử với chúng như những ông chủ độc ác. Nhờ đó họ khám phá ra Thiên Chúa Tạo Hoá là nguồn của mọi hiện hữu để tôn thờ thay vì chối bỏ Ngài. Có yêu thương và đối xử với chúng như những đứa em của mình, con người mới có thể truyền lệnh cho vạn vật vâng phục, như Chúa Giêsu nói với bánh cá hãy nhân thừa ra cho “dân chúng được ăn no nê” trong lời gợi ý đầu tiên của bài Tin Mừng.
Hơn nữa, trên mặt biển đầy sóng dữ, Chúa Giêsu đi trên đó trong đêm tối để chứng tỏ “Người là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33). Người có quyền trên vũ trụ vạn vật và Người sẵn sàng chia sẻ quyền đó cho con người, khi nói với Phêrô hãy bước xuống và đi với Người trên mặt biển ấy.
Có yêu thương, ta mới có thể làm chủ vạn vật, như những người nghệ sĩ xiếc sai khiến các con sư tử mạnh mẽ, những con vịt mà ta tưởng chúng ngu đần. Tình yêu của ta sẽ cảm hoá và thuần phục vạn vật là như thế! Có yêu thương, ta mới đổ ít nước vào chậu hoa hồng để chúng toả hương khoe sắc cho đời. Nếu chỉ bắt tất cả vạn vật tùng phục mình như ông chủ hà khắc hay thần linh độc ác, thì chúng sẽ giống như một số đập thuỷ điện, trở thành những khối đất đá vô dụng làm hoang hoá các miền, làm đói khổ con người, làm con người luôn phải sống trong lo sợ, hãi hùng.
Con người không còn phải sợ hãi như Elia, trốn trong hang động nữa. Nhưng con người sẽ cảm nhận được làn gió hiu hiu, nhẹ nhàng thổi để có thể đứng giữa trời đất gặp gỡ Thiên Chúa khi sống hoà hợp với thiên nhiên. Con người cũng mạnh dạn như Phêrô nắm tay Chúa Giêsu bước lên thuyền trong niềm vui, trong bình an bằng tình yêu và quyền năng của Người, vì Đức Giêsu không phải chỉ chết và sống lại vì con người mà còn cho toàn thể vũ trụ nên vạn vật đã vâng phục Người.
Lời kết
Đó là thái độ mới, là mối tương quan mới của con người với vạn vật. Bạn có nghĩ như thế không?
HKK