18/11/2024

Bộ Giáo lý Đức tin: Cử hành Bí tích Rửa Tội với nghi thức được sửa đổi tuỳ tiện là không thành sự

Bộ Giáo lý Đức tin: Cử hành Bí tích Rửa Tội với nghi thức được sửa đổi tuỳ tiện là không thành sự

Không thành sự khi cử hành Bí tích Rửa Tội với nghi thức đã được sửa đổi cách tuỳ tiện và những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội như thế phải được lãnh nhận Bí tích lại theo các quy tắc phụng vụ do Giáo hội thiết lập.

Ngày 06/8/2020, Bộ Giáo lý Đức tin đã đưa ra câu trả lời, được Đức Thánh Cha phê chuẩn, liên quan đến câu hỏi nghi ngờ thành sự về việc cử hành Bí tích Rửa Tội với công thức: “Nhân danh cha mẹ, cha/mẹ đỡ đầu, ông bà, các thành viên trong gia đình, nhân danh cộng đoàn, chúng tôi (số nhiều) rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, thay vì công thức chính thức của Giáo hội là: “Tôi/cha rửa anh/chị/con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Bộ Giáo lý Đức tin cho rằng “sửa đổi tuỳ tiện này nhằm nhấn mạnh giá trị cộng đoàn của Bí tích Rửa Tội, để bày tỏ sự tham gia của gia đình, người thân và để tránh ý tưởng tập trung thánh quyền của linh mục”. Tuy nhiên, câu trả lời nhắc lại Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng vụ Thánh), trong đó quy định: “Khi một người cử hành Bí tích Rửa Tội thì chính Chúa Giêsu cử hành.” Tất nhiên, trong việc cử hành cha mẹ của người lãnh nhận Bí tích, cha mẹ đỡ đầu và toàn thể cộng đoàn được mời gọi đóng một vai trò tích cực, nhưng theo Hiến chế điều này, mỗi người, khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và những quy tắc phụng vụ (Sacrosanctum Concilium, 28).

Công đồng Vatican II xác định rằng không một ai, ngay cả linh mục có quyền thực hiện theo sáng kiến của mình, nghĩa là loại bỏ hoặc thêm bất cứ điều gì trong các chất thể phụng vụ. Thực vậy, sửa đổi nghi thức cử hành Bí tích không chỉ cấu thành một sự lạm dụng phụng vụ đơn giản, vi phạm một quy tắc, nhưng đồng thời gây ra một tổn hại cho sự hiệp thông Giáo hội và nhìn nhận hành động của Đức Kitô. Và trong những trường hợp nghiêm trọng việc sửa đổi đó làm cho Bí tích vô hiệu, bởi vì bảnn chất của hành động thừa tác vụ đòi hỏi sự thông truyền cách trung thành điều đã được lãnh nhận.

Tài liệu giải thích: Trong việc cử hành các Bí tích, cộng đoàn không hành động “cách đoàn thể”, nhưng “thừa tác” và thừa tác viên không nói như một viên chức được giao phó công việc, nhưng đóng một vai trò thừa tác như dấu hiệu sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng hành động trong Thân Mình Người, trao ban ân sủng. Trong ánh sáng này, trong khi cử hành Bí tích, tối thiểu thừa tác viên phải có chủ ý làm theo những điều Hội thánh truyền dạy. Một chủ ý phải được thể hiện ra bên ngoài, hành động này được thực hiện không phải nhân danh thừa tác viên nhưng nhân danh Đức Kitô.

Bộ Giáo lý Đức tin kết luận: “Thay đổi nghi thức cử hành Bí tích, còn có nghĩa là không hiểu được chính bản chất của thừa tác vụ Giáo hội, đó là luôn luôn phục vụ Thiên Chúa và dân Người chứ không phải việc thực thi một quyền bính nhằm làm sai những gì đã được giao phó cho Giáo hội bằng một hành động thuộc về truyền thống. Do đó, mỗi thừa tác viên Bí tích Rửa Tội phải ý thức về việc phải hành động trong sự hiệp thông Giáo hội, và có niềm xác tín như Thánh Augustinô. Theo Thánh Augustinô, trong Bí tích Rửa Tội, Đức Kitô là quan trọng nhất, vì thế sự thánh thiện của Bí tích Rửa Tội không tuỳ thuộc vào các thừa tác viên mà tuỳ thuộc vào Đấng đã nói: “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” (Ga 1,33). (CSR_5697_2020)

Ngọc Yến