18/11/2024

Lo cứu gấu trúc, Trung Quốc bỏ lơ loài khác

Lo cứu gấu trúc, Trung Quốc bỏ lơ loài khác

Tình trạng của gấu trúc đã được thay đổi từ ‘nguy cấp’ thành ‘dễ bị tổn thương’, tuy nhiên một số quần thể thú ăn thịt lại bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Lo cứu gấu trúc, Trung Quốc bỏ lơ loài khác - Ảnh 1.

Gấu trúc từ lâu bị mất môi trường sống, vì vậy Trung Quốc đã xây dựng các khu bảo tồn khổng lồ trên một số dãy núi nhiều tre trúc – Ảnh: AFP/GETTY

Theo một nghiên cứu mới được nhóm nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vừa công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, sau nhiều thập kỷ bảo tồn loài thú mang tính biểu tượng quốc gia là gấu trúc, Trung Quốc đã bước đầu đạt thành tựu nhưng lại thất bại trong việc bảo vệ báo và các loài thú ăn thịt lớn khác có chung môi trường sống.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu lịch sử, khảo sát bẫy ảnh đặt tại 7.830 địa điểm khác nhau ở các khu bảo tồn loài gấu trúc.

Họ phát hiện gấu trúc thì nhiều nhưng bốn loài động vật là báo, báo tuyết, chó sói và chó sói lửa gần như đã biến mất khỏi các khu bảo tồn này kể từ khi có những ghi chép thống kê về chúng vào khoảng 60 năm trước.

38% báo tuyết, 77% chó sói, 81% báo đốm và 95% chó sói lửa đã biến mất.

Lo cứu gấu trúc, Trung Quốc bỏ lơ loài khác - Ảnh 2.

Mặc dù bị đánh giá là loài thú vô dụng nhất thế giới nhưng gấu trúc vẫn rất được yêu thích nhờ vẻ ngoài dễ thương – Ảnh: AFP

Đối với các nhà hoạt động bảo vệ động vật thì gấu trúc như là loài “ô bảo hộ” – có nghĩa là các chuyên gia tin rằng bảo vệ gấu trúc sẽ giúp bảo vệ các loài khác, cũng như hệ sinh thái lớn hơn.

Điều này có thể đúng với một số loài, chẳng hạn như động vật ăn thịt nhỏ, nhưng lại thất bại với loài thú ăn thịt lớn hiện đang bị đe dọa, có nhu cầu và hành vi môi trường sống khác nhau.

Các loài như báo hoặc sói cần không gian rộng hơn 20 lần so với gấu trúc để đi lang thang và săn mồi. Không giống gấu trúc, chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do xung đột giữa con người và động vật hoang dã và phải dựa vào nguồn con mồi dồi dào mới có thể tồn tại.

Khi quần thể động vật ăn thịt suy giảm, nó sẽ ảnh hưởng đến kích thước và hành vi của tất cả các quần thể khác, cũng như sự ổn định của môi trường sinh thái.

“Trung Quốc cần có kế hoạch bảo tồn khác. Môi trường sống, các yêu cầu và mối đe dọa tồn vong khác nhau khiến gấu trúc không thể trở thành một loài ‘ô bảo vệ’ hiệu quả với loài thú ăn thịt lớn”, các nhà nghiên cứu khuyến cáo.

Trung Quốc là quốc gia đa dạng sinh học cao thứ ba trên thế giới, sau Brazil và Colombia. Trong đó gấu trúc được biết đến ở Trung Quốc như một loài thú mang tính biểu tượng.

Kể từ những năm 1970, loài thú này được yêu thích trên toàn thế giới, đã trở thành trọng tâm của nhiều chiến dịch lớn, và là đối tượng được quan tâm hàng đầu quốc gia khi các nhà khoa học chạy đua để cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Chúng nổi tiếng là khó nuôi nhưng những nỗ lực bảo tồn của Trung Quốc cuối cùng đã được đền đáp, với số lượng gấu trúc hoang dã ngày càng tăng. Một phần quan trọng của những nỗ lực này là thành lập các khu bảo tồn khổng lồ trên một số dãy núi nhiều tre trúc dành cho gấu trúc.

Lo cứu gấu trúc, Trung Quốc bỏ lơ loài khác - Ảnh 4.

Những con gấu trúc trong trung tâm nghiên cứu và bảo tồn ở Tứ Xuyên, Trung Quốc – Ảnh: AFP

Lo cứu gấu trúc, Trung Quốc bỏ lơ loài khác - Ảnh 5.

Sói lửa hay sói đỏ là loài chó sói sống theo bầy đàn, khá dữ tợn. Chúng phân bố trải rộng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia – Ảnh: WIKIPEDIA

Lo cứu gấu trúc, Trung Quốc bỏ lơ loài khác - Ảnh 6.

Một loài báo Trung Quốc – Ảnh: VCG

MINH HẢI (Theo CNN)
TTO